Dân Việt

7 nông sản xuất khẩu nào thu ngay 2 tỷ USD trong năm 2020?

Khánh Nguyên 08/12/2020 06:35 GMT+7
Cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ,... là những mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỷ USD trong năm 2020. Vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, sự chủ động trong điều hành của ngành chức năng, sự linh hoạt của doanh nghiệp đã làm nên thành công này.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt gần 3,72 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng 10/2020.

Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản và lâm sản chính tương đương tháng 10, nông sản đạt khoảng 1,6 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD; thủy sản đạt 800 triệu USD (giảm 12,9%) và chăn nuôi đạt 33 triệu USD (giảm 11,5%).

Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 16,76 tỷ USD, giảm 0,5%; chăn nuôi ước đạt 297 triệu USD, giảm 18,5%; thủy sản ước đạt khoảng 7,75 tỷ USD, giảm 0,9%; lâm sản chính đạt trên 11,65 tỷ USD, tăng 15,0%.

7 nông sản xuất khẩu nào thu ngay 2 tỷ USD trong năm 2020? - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm thu về 3,4 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020. Trong ảnh: Chế biến tôm tại các doanh nghiệp của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Báo Cần Thơ.

 

 Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn có với cùng kỳ, như: gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre. 

Cụ thể, giá trị xuất khẩu gạo đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 10,4%); rau đạt 621 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 874 triệu USD (tăng 2,3%), xuất khẩu tôm thu về gần 3,4 tỷ USD (tăng 9,7%); quế đạt 222 triệu USD (tăng 37,2%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 10,9 tỷ USD (tăng 14,1%); mây, tre, cói thảm đạt 545 triệu USD (tăng 26,1%). 

Hiện đã có 08 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 07 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 02 tỷ USD (cà phê 2,5 tỷ USD, gạo 2,8 tỷ USD, hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, rau quả đạt 3,0 tỷ USD, tôm 3,4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD).

Về thị trường xuất khẩu, tính chung 11 tháng, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9,8 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 26,2% thị phần.

Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt gần 9,2 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ và chiếm 24,6% thị phần; thị trường EU ước đạt 3,44 tỷ USD, giảm 0,3% và chiếm 9,2% thị phần.

Xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt khoảng 3,43 tỷ USD, tăng 2,8% và chiếm 9,18% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 1,5% và chiếm gần 8,3% thị phần.

Bộ NNPTNT cho biết, trong tháng còn lại của năm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung nông lâm thủy sản phục vụ các ngày Lễ, Tết cuối năm.

Phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng tổ chức diễn đàn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (thịt gà, thịt bò chất lượng cao, sản phẩm chứng nhận Halal); Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ nông sản vụ đông, rau gia vị khu vực đồng bằng sông Hồng.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp nhằm cân bằng thương mại nông lâm thủy sản, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thương mại; phổ biến quy định thị trường, chính sách trong thúc đẩy thương mại nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... ).

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cảnh báo các quy định mới của thị trường, kịp thời cung cấp thông tin cho địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; truyền thông mạnh mẽ các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại nổi bật của ngành, các sự kiện về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.

Tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình chế biến, bảo quản các ngành hàng nông sản; Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.