Tổ chức hàng loạt hội nghị, sự kiện, chương trình ưu đãi để kích cầu du lịch cao điểm cuối năm với nhiều sự kiện như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nhưng các doanh nghiệp trong ngành du lịch đang nơm nớp lo lắng vì thông tin ca nhiễm Covid-19 mới tại TP.HCM.
So với vài ngày trước, việc hủy, hoãn tour của du khách đã chững lại nhưng tâm lý chung của khách vẫn là lo lắng giai đoạn sắp tới.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho biết doanh nghiệp có khoảng 36.000 khách đặt mua tour trong tháng 12 và Tết Dương lịch, tuy nhiên 60-70% khách quyết định hủy và hoãn tour vì ca Covid-19 mới. Theo ông, TP.HCM cung cấp một lượng khách khổng lồ cho cả nước, vì vậy, Covid-19 một lần nữa khiến các doanh nghiệp lao đao.
Ông Kỳ nhận định Covid-19 khiến ngành du lịch thiệt hại rất lớn, nguy cơ mất luôn mùa cao điểm du lịch cuối năm nếu dịch tiếp tục phức tạp.
Ông nói thêm hãng phải trả tiền cho khách hủy tour nhưng chưa nhận được sự chia sẻ của các hãng hàng không. Cụ thể, khách hủy tour nhưng hãng bay vẫn phạt các vé đã xuất bán vì chưa có lệnh giãn cách xã hội và cấm bay, điều này đồng nghĩa cứ áp theo hợp đồng mà phạt.
Theo ông, sự cố này một lần nữa đặt ra vấn đề hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không và các doanh nghiệp khác trong ngành du lịch, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng trước mắt là Giáng sinh và Tết Dương lịch, tour đoàn của trường học, doanh nghiệp, đơn vị vì lo ngại dịch bệnh và yếu tố tập trung đông người nên đặt vấn đề hủy. Các khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội nghị vừa mới "ấm" lên và kỳ vọng dịp cuối năm thì hiện đang hồi hộp chờ tình hình những ngày tới.
Bà Camellia Dinh, Giám đốc Kinh doanh Tui Blue Resort Nam Hội An, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư bởi Tập đoàn du lịch Tui có trụ sở tại Đức, cho biết ca nhiễm Covid-19 mới tại TP.HCM đã tác động không nhỏ đến doanh nghiệp trong ngành.
Theo bà, thời điểm này, không thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Do đó, để tiếp tục duy trì, doanh nghiệp phải vừa hoạt động vừa lên kế hoạch kinh doanh Tết và đặc biệt, phải luôn chủ động tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Nếu như việc kiểm soát dịch được thực hiện tốt, cơ sở lưu trú tạo được sự tin tưởng, chất lượng dịch vụ tốt thì vẫn sẽ thu hút được một lượng lớn khách du lịch thuộc phân khúc cao cấp, bởi họ không thể đi du lịch nước ngoài gần cả năm nay.
Bà cũng cho biết resort sẽ tăng cường tổ chức các sự kiện, triển lãm quy mô lớn, sức lan tỏa rộng để mọi người có dịp khám phá, từ đó, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, kích thích nhu cầu nghỉ dưỡng cuối năm và kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng nhận định để du lịch có thể khôi phục được và để du khách an tâm, buộc phải hội tụ 3 yếu tố an toàn: an toàn trong chống dịch, an toàn về điểm đến, dịch vụ cung ứng và an toàn về người đi du lịch. Theo ông, lực lượng tham gia đảm bảo các yếu tố an toàn này là cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch và doanh nghiệp lưu trú, dịch vụ du lịch, lữ hành. Ba lực lượng này phải cam kết, triển khai những biện pháp đảm bảo an toàn đã đưa ra thì mới tạo tâm lý tin tưởng, an toàn cho du khách.
Theo thống kê của Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, ước tính cả năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách du lịch nội địa đến hết tháng 11 khoảng 49 triệu lượt, giảm hơn 37%; tổng thiệt hại đối với du lịch năm nay khoảng 23 tỷ USD, trong đó 16 tỷ USD từ thị trường quốc tế. Tình hình này khiến các doanh nghiệp tập trung toàn bộ lực lượng cho du lịch nội địa.
Khảo sát cho thấy, các công ty du lịch, lữ hành đang dồn hết lực tập trung thiết kế tour tuyến dịp Tết là các điểm đến du lịch trong nước như Tây Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ, Phú Quốc… với mức giá phổ biến từ vài triệu đồng, tour dài ngày, chất lượng cao có giá hơn chục triệu.
Các tour này đã được chào bán từ rất sớm nhưng với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp đang hồi hộp, hy vọng làn sóng Covid-19 thứ ba không bùng phát để không "mất trắng" mùa kinh doanh cuối năm như đợt cao điểm hè vừa qua.