Trong các loại "hoa đồng cỏ nội" ở quê tôi thì mùa xuân có hoa bưởi, hoa cau thoang thoảng mùi hương, hoa cải dịu dàng, đằm thắm trong vườn. Mùa hè có hoa sen nở thơm ngát hương sen dưới ao, hồ, hoa mít thơm thoang thoảng. Mùa thu có hoa cúc dại chen nhau ven đường. Còn mùa đông, ắt phải là hoa lau trắng xóa bờ sông. Loài hoa tuy không quý phái, kiêu sa nhưng đã để lại dấu ấn trong tôi nhiều nhất là "hoa mít" vườn nhà.
Một loài hoa dân dã
Tôi sinh ra và lớn lên ở ngôi làng nhỏ ven bờ sông Túy Loan, ngôi làng cổ với cây đa, bến nước sân đình. Tất nhiên, nhà nào cũng có vài ba cây mít nở hoa tím ngắt tô điểm thêm sắc màu quê tôi. Nhờ vậy, khi mùa xuân đến, cả làng quê tôi những cây khế nở hoa trong các khu vườn, đầu ngõ, bên những triền sông quê. Loài hoa ấy tuy không kiêu sa nhưng rất đỗi dân dã, đẹp mãi trong tôi cả một thời tuổi thơ, đẹp trong những câu chuyện tình quê thầm lặng và đơn sơ, mộc mạc, đẹp trong những giấc mơ về tuổi ấu thơ.
Tôi còn nhớ như in, có những sáng sớm trong ánh bình minh, tôi bỗng ngỡ ngàng khi mục kích khung cảnh các cành cây mít trổ hoa màu vàng làm sáng lên một góc vườn nơi đầu ngõ, nơi có cây mít già sù sì đã cho hoa, trái từ thuở xa xưa mà ông bà tôi để lại. Thật vậy, lúc bấy giờ hoa mít ở trước ngõ nhà tôi đã làm nao lòng bao người bởi một màu phơn phớt, lấm tấm vàng với những chùm hoa dân dã đã bao lần chở theo cả mùa hè tuổi thơ của tôi. Mà thật, hoa mít khiến lòng người đi xa nôn nao, nhung nhớ. Cũng từ lâu, hoa mít tuy chưa trở thành một đề tài riêng bất tận trong thơ và nhạc, nhưng mỗi lần nhìn đám trẻ quê đi hái hoa mít trong lòng tôi lại dâng lên một nỗi niềm bâng khuâng nhớ mùa hoa mít năm xưa khôn nguôi.
Ven con đường làng hồi đi học năm cấp 1 và 2 là có cả một rặng cây mít khá dài. Mỗi mùa hè hoa mít nở, cả con đường thơm ngát mùi hương dân dã. Với những đứa học trò quê như chúng tôi, mỗi mùa hoa mít nở con đường đi học lại biến thành một thế giới nhuộm màu cổ tích. Chỉ với những bông hoa mít ấy, bọn trẻ con trong làng lại có thêm nhiều trò chơi mới như: hái hoa mít xuống cắm thêm những nhánh cây làm sừng, chân… biến thành các con trâu, con bò, con cá, chú mục đồng tí hon… trông ngộ nghĩnh và rất vui.
Đối với người dân quê sinh sống vùng nông thôn thì hầu như ai cũng biết cây mít và ít hay nhiều cũng đã từng ăn các món ăn từ quả mít như: mít non kho cá chuồn, gỏi mít, mít chín, mít hông… Đối với lớp trẻ chúng tôi thời đó, khóm mít (còn gọi là dái mít, hoa mít, bông mít…) là món quà quê gợi nhớ đã khắc sâu trong tâm tưởng của mỗi người dân quê không hề phai nhạt.
Hoa mít, cái tên gọi mộc mạc của những trái "mít đực" không thể thành trái (quả), nhưng chúng đã mang lại niềm vui khá nhiều cho bọn trẻ chúng tôi. Hoa mít, có cây thường mọc trên cao, có khi mọc thấp gần mặt đất. Khi hái, nếu hoa mít mọc trên cao, chúng tôi dùng cọng lá chuối (những người mua đã lấy phần và để lại cả bó ở góc vườn) tách ngọn ra làm hai và buộc hai múi ngọn lại với nhau là có cây "cù khoèo" để tròng vô hoa mít và giật nhẹ xuống.
Món gỏi hoa mít tuổi thơ
Hoa mít ăn cũng khá ngon. Xong cũng tuỳ cây, tùy từng giống như mít ướt (mít bở) hay mít ráo (mít dai). Bề ngoài hoa mít ngon phải có nhiều "cám" lúc đó hoa mít đã tới độ "chín" khi ăn có vị chát nhẹ, chua chua… Hoa mít thường chấm với muối ớt hay ăn với đường bát… đều mang lại hương vị đặc trưng đậm đà khó quên. Đặc biệt, lũ trẻ chúng tôi thường tụ tập lại làm món gỏi bằng hoa mít.
Muốn làm món gỏi này, chúng tôi phân công nhiều đứa đi các vườn hái hoa mít, vài đứa khác thì cắt lá chuối, tìm gia vị, rau thơm… Hoa mít có chừng mươi trái vừa hái trên cây xuống, xắt mỏng, ngâm nước muối cho đỡ chát rồi vớt ra vắt ráo. Giã nhuyễn muối với vài trái ớt, một nhúm tôm hoặc tép khô. Xong, cho vào đó một hoặc hai muỗng đường, một chút nước mắm, chút mì chính, vài cọng rau răm xắt nhỏ, rồi trộn đều với khóm mít đã xắt trên lá chuối đã hơ qua lửa. Gói ghém lại và để trên bàn dùng thớt chèn lên và chúng tôi cùng đè tay lên thớt để ép bớt nước chát sau đó mở lá ra và dùng đũa (bẻ bờ rào) gắp từng lát thưởng thức rất thú vị.
Món gỏi hoa mít có màu nâu nhạt lẫn với màu đỏ tươi của ớt, màu vàng của tép khô và màu xanh của lá rau răm trông rất bắt mắt. Khi ăn khá ngon bởi vị chát chát, chua chua, cay cay, mằn mặn với hương vị khá đặc trưng nên còn được tụi con nít nhà quê chúng tôi gọi bằng cái tên mỹ miều là "chả khóm mít". Ăn xong, miệng chúng tôi cay xè, đứa nào đứa nấy miệng đều xuýt xoa liên tục và tranh nhau giành gáo múc nước mưa mát lạnh trong vại uống để chữa cay.
Bâng khuâng nhớ mùa hoa mít
Một mùa hoa mít lại về, tôi bâng khuâng nhớ lại mùa hoa mít năm cũ. Ngày ấy, tôi thường thấy mẹ tôi xẻ những quả mít già để làm món mít khô ghế cơm. Và tôi cũng nhớ những lần nhặt hoa mít kết thành "vương miện" tặng người bạn gái "tôi thương" để đội trên đầu. Giờ đây, người con gái ấy đã yên nghỉ nghìn thu nơi khung trời xa vời Đà Lạt sau một cơn bệnh hiểm nghèo. Có năm, tôi đi công tác ở miền trong, ghé thăm ngôi mộ nhỏ của nàng nằm ở ven đồi thông xứ Bồng Lai (Đức Trọng – Lâm Đồng). Tôi cẩn thận mang một bó hoa mít từ xứ Quảng để "tặng nàng", bởi vì ngày xưa nàng rất yêu thích hoa mít. Và mỗi độ hè về, mùa hoa mít nở, vàng cả trời quê, vàng vọt cả một miền thương nhớ, tôi lật những trang kí ức tuổi thơ của mình với nỗi niềm bâng khuâng khó tả!
Giờ đây, tôi lưu lạc ở một góc trời xa, có đêm tôi mơ thấy có một vùng trời bình yên vàng lên màu hoa mít ven sông lúc chiều đang nghiêng nắng.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!