Kể chuyện làng: Tản mạn chuyện đạp xe chân lấy nước

Nguyễn Liêm Triết Thứ bảy, ngày 05/12/2020 08:00 AM (GMT+7)
Đó là những câu chuyện của cuộc đời nông tang gian khổ, khó nhọc muôn phần!
Bình luận 0

Khi tôi biết thì dường như ở làng tôi không còn cảnh đạp xe chân (xe chưn) hay xe trâu để đưa nước từ ao, hồ, sông, mạch vào ruộng. Chuyện ruộng đồng, trồng lúa, trồng rau quanh năm đã có máy bơm "dẫn thủy nhập điền", nước về lai láng khắp chân đồng sâu, đến đầu đồng cạn. Ngày ấy, trong trí nhớ của mình, mỗi lần trên đường về thăm quê ngoại ở làng Phong Thử (nay thuộc xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), thỉnh thoảng trên những cánh đồng xa xăm, ẩn hiện vài chiếc xe nước còn sót lại với những vòng quay chậm chạp, nhẹ nhàng; trông như những chiếc vòng quay mặt trời ở các công viên giải trí mà ta thường thấy ngày nay! Đó là những gì tôi biết về xe nước trong ký ức tuổi thơ lúc mới lên 6, 7 tuổi, lúc đó khoảng năm 1958.

Những chiếc xe nước cuối cùng nằm rải rác ở các làng quê ngày ấy, giữa cảnh ruộng đồng trải dài xanh ngát là một hình ảnh đẹp và vô cùng ấn tượng, đem lại trong tôi bao những cảm xúc thú vị, tò mò! Rồi dần dà, trong nhiều lần chuyện cũ làng xưa với những lão nông cần cù, chất phác của làng Thanh Quýt (*), Điện Bàn quê tôi, tôi mới ngộ ra được nhiều điều về chiếc xe nước và câu chuyện về đạp xe nước ngày xưa!

Những vòng quay đem từng giọt nước sông hồ len lỏi tưới xanh đến từng gốc lúa, chân ruộng của người nông dân ẩn chứa trong đó những cảm xúc vui buồn, sướng khổ, ước mơ, mong đợi một thời!

Xe chân là đạp xe nước bằng chân, dùng sức mạnh của đôi chân để quay guồng nước, lấy nước ở sông hồ đưa lên đồng ruộng. Ngày xưa, địa chủ hoặc những nhà giàu có thì thường có xe trâu; thay vì người đạp, con trâu kéo quanh trục để quay guồng xe. Nông dân - năm, ba chủ có trâu - cũng thường rủ chung một xe trâu, đường kính đến trên 4m và thay nhau lấy nước.

Xe nước là một kỳ công của người nông dân, hàm chứa trong đó sự sáng tạo, thông minh và tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách của con người trong quá trình lao động mưu sinh. Với nguyên liệu làm xe là tre, nứa, lạc, mây cùng với sức người cần cù lao động - giữa cảnh đất trời, sông hồ, ao mạch - xe nước là hình ảnh luôn gắn bó và gần gũi của con người với thiên nhiên, trời đất cùng bao những cay đắng, ấm lạnh, ngọt bùi!

Xe chân gồm có guồng xe, giá đỡ guồng, và các phách đạp. Guồng xe có hình tròn, cấu trúc giống như chiếc bánh xe đạp khổng lồ, có trục quay đặt trên giá đỡ, hai  vành ngoài  bằng nhau được nối vào tâm trục bằng nhiều cây tre làm nan bắt chéo tạo thành hình tam giác liên kết nhau rất chặt chẽ. Các ống nước lần lượt được đặt nghiêng và cách đều nhau trên vành xe theo nguyên tắc nước vào ống khi quay lên độ cao thì một đầu nghiêng xuống để đổ nước vào máng, vào mương.   

Làm một xe nước rất nhiều công sức và tốn kém đủ thứ: nào là tre già -đến năm, bảy chục cây; rồi lạt cật, mây rừng, ăn uống, nước nôi đến gần nửa tháng. Xe thường được làm tại nhà rồi mới khiêng xuống ao, xuống mạch và có bày lễ cúng đặt xe, xem ngày, coi giờ đủ việc! Vậy nên các chủ ruộng liền kề trong khu vực thường rủ nhau làm chung một xe, gọi là bạn xe để cùng đạp lấy nước cho nhau. Bạn xe cũng thường nương tựa, dựa dẫm nhau trong nhiều công việc đồng áng khác. Đạp xe chung, nước lần lượt vào hết ruộng này đến ruộng khác; hoặc ruộng người này đạp vài giờ đủ nước thì đến ruộng người khác. Nếu bạn xe đến năm, bảy người, ruộng nhiều thì lại chia phiên mỗi người lấy nước nửa ngày hoặc cả ngày và đạp vòng công với nhau.

Xe chân thường có 4 phách đạp: Một phách nhất, hai phách nhì và một phách ba. Phách ba là phách ngồi ở tư thế khá thoải mái, hai tay vịn vào hai gióng tre mà đạp; hai phách nhì, có hai người đạp đứng hơi khom và hai nách tay kẹp vào hai gióng tre hai bên để đạp, đạp phách nầy đòi hỏi tốn sức, thường dành cho các anh lực điền ăn nhiều, đạp khỏe; trên cùng là phách nhất, đứng thẳng người mà đạp nên có khỏe hơn. Mỗi buổi đạp xe thường đi năm, bảy người để thay đổi cho nhau. Lại còn xe đặt ở mạch, ở ao, gặp những năm hạn nặng, phải nạo ao, vắt mạch cả ngày mà không có nước để đạp. Dòng nước từ xe lên ruộng những ngày nắng hạn vô cùng quí giá, máng mương lúc nào cũng được các bạn xe đi quanh kiểm tra coi có rò rỉ đâu không; thậm chí trâu bò có khát cũng không dễ gì bén mảng đến một hớp trong mương vì hai vòng đạp chưa đủ cho một trâu đang khát uống một hơi! 

Nghe kể, đạp xe ngày ấy thức đêm thức hôm, ăn uống khổ cực. Người ta thường nói đạp xe "Ăn cơm ngọn tre, uống nước lạnh"; cơm mang theo thì treo gióng tre, đến bữa có khi vừa đạp vừa ăn, còn uống thì sẵn nước ao, nước sông, tiện lợi vô cùng! Có lúc mới vừa khuya đã phải rủ nhau đi đạp, nhất là xe đặt ở sông lại phải theo con nước lên, nước ròng. Nước lên quá nửa xe thì rất khó đạp, còn cạn quá thì xe lại không lấy được nước bao nhiêu! Sáng ra, vợ con mới đem khoai sắn ra ăn! Quần phải cột thêm dây rút vì có lúc bụng đói, đạp đến tụt quần; nhất là các anh trai trẻ đứng đạp phách nhất, phách nhì, vô tình để rớt quần khoe cả của quí ra làm các chị em giặt giũ sát bên bối rối, bẽn lẽn thế nào làm trôi mất cả áo quần!

Có những câu hát đạp xe như là sự giãi bày cảnh khổ nhãn tiền của người nông dân - như là chuyện bình thường -  nên dẫu lời có buồn, sức có mệt nhưng vẫn cứ vừa đạp vừa hát lên, với nhịp điệu tươi vui, mạnh mẽ như là để động viên nhau, nhắc nhở nhau hãy cố gắng lên để nước nhanh vào ruộng đồng, để lúa được lên xanh; để còn có hạt ăn, hạt trả!

"Gió nam thổi kiệt bảy ngày,

Khoai lang khô cũng hết, lúa vay cũng không còn."

Cũng có lúc bất chợt, nhìn trời mây, non nước lại cùng hát lên những câu hát hân hoan, sung sướng: 

"Chiều chiều mây ửng Sơn Trà,

Ếch kêu Non Nước, trời đà muốn mưa."(**)

Từ xưa, ruộng cấy của làng Thanh Quýt quê tôi không nhiều, đa phần nằm ở các xứ đất Lệ Thủy, Bắc Bằng (nay thuộc thôn Thanh Quýt 1), Trà Cổ, Thạch Não Nội, Thạch Não Ngoại (Thanh Quýt 4). Các cánh đồng gần sông ở các xứ đất trên, phần lớn người dân đặt xe ở bờ sông để lấy nước; chỗ nào bờ sông cao thì làm máng, làm mương để đặt xe; có đến hàng chục xe chân, xe trâu rất lớn, đường kính xe lên đến gần 5m. Có thể kể như các xe của các ông Trùm Nha, Phó Chước, Chánh Lượng… ở Xóm Dưới; xóm trên thì có xe nước của các bác Nguyễn Hữu Tin, Nguyễn Hữu Tiềm cùng một số bà con chung dựng phía dưới bến Chùa làng Thanh Quýt; còn ở  bến Tiểu, trước nhà thờ tộc Nguyễn Hữu, lại có xe do ông trưởng Tiểu - người tộc Trương Công - và vài anh em trong xóm làm để tưới cho dây ruộng rộc chạy ven sông từ Chợ Vải trở lên. Bến Tiểu (sau nầy gọi là bến Lý) ngày ấy, ghe thuyền, người buôn kẻ bán, qua lại rất đông vui. Ruộng Bắc Bằng phía trong bàu Thanh Tú lên đến đầu làng Phong Lục cũng lấy nước suối, nước sông từ các xe lớn nhưng cũng có đào nhiều ao xe, mạch xe; sau năm 1975, ruộng đất vào hợp tác xã, ao mạch được san lấp nên không còn bao nhiêu.   

Ngày ấy khi vào mùa cấy, cả làng đều tất bật với chuyện đi xe, đi cỏ, rồi làm đất, nhổ mộng, gánh giống, gánh phân. Xe trâu thì người không đạp nhưng chuyện đi cỏ cho trâu thì cũng khổ nhọc vô cùng. Cỏ gần cỏ xa, một người đi cỏ cả ngày chưa đủ cho một trâu ăn!

Các cụ còn kể, hai làng Thanh Quýt và Bồ Mưng (nay thuộc xã Điện Thắng Bắc) có thân tình anh em với nhau nên có ruộng giao hiếu. Đó là ruộng đổi của hai làng để con cháu qua lại vừa làm ruộng, vừa thăm viếng lẫn nhau. Bồ Mưng ăn 4 mẫu ruộng rộc Thanh Quýt ở Xóm Dưới; còn Thanh Quýt ăn ruộng Bồ Mưng ở Minh Thượng. Sau nầy, nhà ông Chánh Lượng - một người giàu có, người tộc Nguyễn Bá trong làng - mua lại 4 mẫu Bồ Mưng ở Minh Thượng và làm một xe trâu rất lớn dựng mé sông Thanh Quýt để lấy nước đi vòng ngõ Nghệ (***), dẫn ra tới Minh Thượng; mương máng luôn có người dọn dẹp hàng ngày, thật là công sức!

Ông Nguyễn Văn Bích, 90 tuổi, hiện ở thôn Thanh Quýt 4 có kể: Trước năm 1954, đất đồng của Điện Ngọc dư, các ông Nguyễn Hữu Túc, Nguyễn Hữu Kiểm, Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Hữu Nhàn và một số người của làng có xuống xin ruộng cấy, người được một vài sào; tổng cộng đến gần một mẫu. Bà con cùng rủ nhau làm chung xe nước. Xe được làm ở Miễu Khuông, rồi khiêng bộ gần hai cây số xuống đặt ở ao gần nhà ông Xã Thạc (nhạc phụ ông Trình) để lấy nước.

Nhiều người giàu có của làng còn đi mua đất ruộng ở các làng, xã lân cận rồi cho dân bản quán làm rẻ, cuối mùa lấy lúa. Hiện nay, ở làng Giáp Ba, thuộc phường Điện An, thị xã Điện Bàn vẫn còn hơn hai mẫu ruộng nhất đẳng điền, là ruộng tư của dân làng Thanh Quýt trước 1945. Sau năm 1975, số ruộng này được đưa vào Hợp tác xã nông nghiệpThanh Quýt quản lý và chia cho dân làng canh tác. Đi làm xa nhưng ai cũng thích vì đất tốt, ruộng nhiều phù sa, lúa mùa nào cũng trúng!

Các ruộng rộc, ruộng ven bàu của làng nằm rải rác ở các xóm và không nhiều nên hầu hết đều làm xe chân. Như khu Vườn Dưa ở xóm Chay có xe mạch ông Tiến, khu Hà Mộ trong (ngoài đình Thanh Quýt) có xe mạch Phó Chân, còn Hà Mộ ngoài thì có xe mạch Sĩ lớn (2 xe), xe mạch Sĩ nhỏ của ông Xã Chiến. Ruộng ven bàu và ruộng rộc ở xóm Trảng, có xe ở mạch Đậu, trước nhà ông Lê Tự Kình; xe nước của các ông biện Phong, ông trùm Toan đưa nước đi quanh gần nửa xóm. Dây ruộng chạy dài từ cống Trường Giảng (nhà thờ Tin Lành Thanh Quýt) lên quanh hơn nửa Xóm Chay, trước ngày có đập Thanh Quýt, cũng lấy nước từ các xe ở bờ sông dẫn vào. Mấy mẫu rộc giáp làng Viêm Tây ở Xóm Dưới có mạch ông Cái đào rất sâu (trước nhà các ông Nguyễn Hữu Thích, Nguyễn Văn Phán), dựng đến hai xe nước, đạp cả ngày mà nước không cạn.

Kể chuyện làng: Làng Thanh Quýt (*) tản mạn chuyện đạp xe chân lấy nước - Ảnh 1.

Xe chân ngày xưa (sưu tầm).

Lại chuyện chạy Tây và đạp xe nước: Có hồi Tây bất ngờ đi lùng quanh làng, thanh niên trai tráng không biết tránh đi đâu; mấy cụ già trong làng hoảng quá mới hối anh em chạy đi đạp nước. Một số cậu thiệt thà quá cứ đứng trơ ra vặn hỏi: Chứ đạp gì mà lúa mới cắt mới mấy ngày mà đi đạp nước?! Nhưng nhiều cậu cũng lanh, Tây chưa vào làng, mà đã ra ngồi trên phách, đầu đội nón cời và cúi khom người mà đạp như chẳng biết có ai và cũng chẳng cần biết nước chảy đi đâu! Bọn Tây không biết, cứ nghĩ là dân đang vất vả đạp xe nên đứng nhìn cười rồi lại bỏ đi.

Thời ấy, ruộng thường chỉ cấy một vụ tháng tám nên sau gặt thì làm lễ cúng cất xe nhằm tránh mưa gió, lũ lụt; lễ kết hợp với cúng cơm mới để rồi chờ đến vụ mùa năm sau. Vụ tháng ba thì người dân chỉ làm lúa gieo, khởi vụ từ sau tháng mười âm lịch, chủ yếu nhờ nước trời vì sau tết âm lịch, ao mạch, sông hồ nước thường khô cạn, đạp chưa được nửa buổi thì nước không còn! Vụ nầy, được chăng hay chớ nhưng có năm cũng trúng vì giữa những ngày nắng hạn, thỉnh thoảng lại có những cơn mưa chiều; thời tiết mát mẻ nên lúa lại thêm phần tốt tươi.     

Đó mới là chuyện một thời của những vòng quay, cứ đều đặn, nhẹ nhàng, từng vòng; từng vòng quay mãi vì chuyện đồng áng, mưu sinh. Cuộc sống người nông dân xưa là vậy! "… Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi"; ngoài chuyện đạp xe, còn chuyện cày bừa, gieo cấy, phân tro, sâu rầy, gặt đập, phơi giê…Để có hạt lúa, chén cơm thật là muôn phần gian khổ. Một nắng hai sương nhưng rồi những người dân quê tôi vẫn cứ lạc quan, chí thú làm ăn và tin yêu, mong đợi:

"…Tằm có lứa, ruộng có mùa,

Chăm làm, trời cũng đền bù có khi".

Cùng với miếng cơm, manh áo và lòng trân quí lao động của người nông dân xưa, xe nước luôn là những hình ảnh đẹp, nên thơ, gắn bó và đầy ấn tượng một thời của ruộng đồng, làng xóm, quê hương.      

Ghi chú                                     

(*)Làng Thanh Quýt: nay là xã Điện Thắng Trung, thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam –quê hương của AHLS Nguyễn Văn Trỗi của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ…

(**) Sơn Trà, Non Nước: Từ làng nhìn ra hướng đông bắc khoảng từ 10 đến 15 cây số là Sơn Trà, Non Nước, hai địa danh sát biển của thành phố Đà Nẵng.

(***)Ngõ Nghệ: ngõ nhà cụ Nguyễn Hữu Nghệ, ở Xóm Dưới làng Thanh Quýt, người dân thường nói gọn lại, lâu ngày thành quen và dùng như là một từ chỉ vị trí địa lý trong làng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem