Liên quan đến những dấu hiệu bất thường trong việc xả thải tại Khu dân cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), do Công ty TNHH Vietnam Land SSG (Vietnam Land SSG) làm chủ đầu tư (Dân Việt từng phản ánh ngày 9/12), Chi Cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ thành lập đoàn trực tiếp đến kiểm tra, xác minh vụ việc.
Theo Chi Cục bảo vệ môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhận được đơn kiến nghị số 01CV/BQT-SGP ngày 26/11/2020 của Ban Quản trị Khu dân cư Saigon Pearl, phản ánh việc quá tải của hệ thống xử lý nước thải thuộc Khu dân cư Saigon Pearl.
Do đó, để có cơ sở xem xét, giải quyết nội dung phản ánh của Ban Quản trị và hướng dẫn Công ty TNHH Vietnam Land SSG (Công ty Vietnam Land SSG) thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Chi Cục bảo vệ môi trường thông báo kế hoạch kiểm tra thực tế tại dự án Khu dân cư Saigon Pearl.
Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện: Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở, UBND quận Bình Thạnh, UBND phường 22 (quận Bình Thạnh) và Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Xuân Thành – chuyên gia môi trường. Thời gian tiến hành kiểm tra là vào lúc 9 giờ, ngày 9/12/2020.
Trước đó, Dân Việt đã có bài phản ánh, Khu biệt thự (nhà ở thấp tầng) tại dự án Saigon Pearl do Công ty TNHH Vietnam Land SSG (Vietnam Land SSG) làm chủ đầu tư, được coi là một trong những khu biệt thự triệu đô đầu tiên tại TP.HCM.
Nhưng đầu tháng 6 năm nay, hàng trăm hộ dân ở đây tá hỏa khi đồng loạt cống nước vệ sinh bị tắc, nhiều hộ bị bốc mùi không rõ lý do. Nhiều nhà đã phải tìm thợ thông tắc cống về sửa, đập cả ống thoát nước... thì phát hiện có rất nhiều giấy vệ sinh không thoát nằm trong ống cống. Thậm chí, có nhiều nhà phải thuê thợ đập ống cống và bơm thoát nước ra ngoài.
Theo công nhân vận hành Trạm xử lý nước thải của dự án Saigon Pearl, đầu năm 2020 đã phát hiện có hiện tượng nguồn nước thải đổ về trạm tăng đột biến.
Ngày 18/6/2020, đơn vị thầu vận hành hệ thống xử lý nước thải của dự án KDC Saigon Pearl đã có báo cáo đột xuất gửi các ban quản trị đánh giá về hiện trạng nước mưa lẫn vào trạm xử lý nước thải và nguồn nước thải tăng bất thường vào trạm lúc không mưa.
Cụ thể, qua kiểm tra theo dõi lượng nước thải bơm vào trạm, nhà thầu vận hành nhận thấy có sự phát sinh lượng nước thải tăng cao bất thường. Từ tháng 3 đến thời điểm báo cáo, nhà thầu cho rằng, nguồn nước thải phát sinh bất thường là từ khu mới Phase 3A, 3B và khả năng là nguồn nước thải từ cụm chung cư Opal.
Tuy nhiên, đến ngày 25/6/2020, chủ đầu tư Vietnam Land SSG mới chính thức có Công văn số 40/BGD/2020 gửi cho ban quản trị các tòa nhà thuộc dự án Saigon Pearl và Ban quản lý Savills (đơn vị được thuê quản lý vận hành dự án Saigon Pearl) để thông báo đã hoàn thành thi công tòa Opal và đang trong quá trình bàn giao cho cư dân, đồng thời đã hoàn chỉnh việc đấu nối toàn bộ hệ thống nước thải của dự án Saigon Pearl vào trạm xử lý nước thải.
Đồng thời, Vietnam Land SSG, đại diện các chủ sở hữu tòa Opal giai đoạn 3B, đồng ý chia sẻ các chi phí liên quan đến xử lý nước thải trong quá trình sử dụng hệ thống chung của dự án.
Như vậy, Vietnam Land SSG đã tự động đấu nối hệ thống nước thải của tòa nhà Opal vào đường ống của trạm xử lý nước thải chung của KDC Saigon Pearl mà không thông qua ban quản trị.
Dự án Saigon Pearl bàn giao căn hộ cho cư dân vào ở từ năm 2008, nhưng theo báo cáo hoạt động tháng 8/2020 của Ban quản lý Savills, phần quản lý thời hạn các loại giấy phép và chứng nhận kiểm định an toàn thì mục giấy phép xả thải và giấy phép đấu nối đều được ghi rất rõ: "Không có, do dự án ra đời trước luật quy định".
Như vậy, dư luận hoài nghi rằng, tình trạng toàn bộ nước thải của KDC Saigon Pearl với khối lượng hơn 1.000 m³/ngày sau khi qua xử lý rồi thải thẳng ra sông Sài Gòn đã kéo dài hàng chục năm nay, nhiều khả năng không chịu sự kiểm soát của chính quyền và không phải đóng phí bảo vệ môi trường.