Dân Việt

Cà phê hết thời “cây vàng”, công nhân về đâu? (Kỳ cuối): Cần một cuộc tái cơ cấu “mạnh tay"

Ngọc Tấn 10/12/2020 18:54 GMT+7
Để ngành cà phê phát triển bền vững, việc đảm bảo đời sống và an sinh xã hội cho 30.000 công nhân và người lao động trong các doanh nghiệp, một yêu cầu cấp thiết đặt ra: Nhà nước cần có chính sách tái cơ cấu triệt để đối với ngành cà phê…

Cơ chế lỗi thời

Từng có một thời nông dân trồng cà phê nhìn vào năng suất cà phê của các nông trường mà ao ước thì bây giờ ngược lại: Năng suất bình quân của các đơn vị thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ bằng khoảng 60% vườn cà phê nông dân; giá thành cao gấp 1,5 lần. Hiện tại, mỗi ha đất trồng cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê lãi bình quân trên dưới 40 triệu đồng - bằng ½ của nông dân. Tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?

Cà phê hết thời “cây vàng”, công nhân về đâu? - Ảnh 1.

Ông Võ Xuân Đình - công nhân Công ty Cà phê 706 đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa được giải quyết chế độ do còn mắc nợ. Ảnh: N.T

Theo ông Lê Đình Hoàng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty 706, với 1.700ha cà phê mà Tổng Công ty Cà phê đang sở hữu, nếu bán cho công nhân với giá tối thiểu 300 triệu đồng/ha thì Nhà nước thu về ít nhất 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ giao Tổng Công ty Cà phê xây dựng các nhà máy chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cà phê.

Còn nhớ cách nay chưa lâu, ông Lê Đình Hoàng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê 706 đã có tâm thư gửi Thủ tướng khiến lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phải lên tiếng. Theo ông Hoàng, mặc dù cây cà phê có vai trò to lớn trong quá khứ - nhất là việc đem lại cuộc sống ổn định cho hàng vạn người dân Tây Nguyên, đưa về hàng triệu USD cho đất nước, nhưng thành tích đó đã là dĩ vãng. 

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam hiện đã không làm tròn sứ mệnh mà ngành cà phê mong đợi: Chính sách, hệ thống quản trị điều hành không theo kịp xu thế; bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chi phí lớn, hiệu quả thấp đang là gánh nặng - thậm chí là trở ngại cho tiến trình đổi mới doanh nghiệp và cổ phần hóa…

Trước hết là về phương án khoán: Suốt một thời gian dài, phương án áp dụng hầu hết tại các đơn vị là "khoán trắng". Các doanh nghiệp hầu như không đầu tư gì, chỉ cuối năm thu khoán. Ngoài các khoản phải nộp ngân sách, còn lại hầu như chi trả lương và hoạt động cho bộ máy gián tiếp cồng kềnh của Tổng công ty trên 200 tỷ đồng/năm. Mỗi ha cà phê, công nhân phải đóng 13 triệu đồng chi phí quản lý mỗi năm là một gánh nặng và cũng là lí do vì sao giá thành cà phê của doanh nghiệp lại cao gấp 1,5 lần nông dân.

Gần đây, do bị chỉ trích và nhận thấy sự vi phạm Luật Lao động rõ ràng, các công ty phải đứng ra đóng bảo hiểm cho công nhân và người lao động. Tuy vậy có những đơn vị dưới chiêu bài "tự nguyện" vẫn đổ tất cả bảo hiểm cho công nhân, duy trì cơ chế "khoán trắng".

Với việc các doanh nghiệp lhông đầu tư, không giữ một vai trò đáng kể nào, đã có nhiều công nhân khẳng định với phóng viên là: Nếu có một cuộc thăm dò ý kiến, gần như tất cả họ sẽ bỏ phiếu giải thể Tổng Công ty Cà phê Việt Nam!

Về sự chênh lệch hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích: Do được làm chủ thực sự mảnh đất của mình, người nông dân được quyền tính toán sao cho mang lại lợi nhuận cao nhất với những mô hình trồng xen hồ tiêu, các loại cây ăn quả với cà phê. Hay gần đây, nông dân nhiều địa phương đang sôi nổi với phong trào "cà phê 4 C", "cà phê hữu cơ" để nâng cao giá trị - thì các công ty thuộc Tổng Công ty Cà phê vẫn chỉ độc canh cà phê, chưa đơn vị nào dám đứng ra đổi mới kỹ thuật canh tác theo cách làm của nông dân để nâng cao thu nhập cho công nhân và người lao động…

Cổ phần hóa - liệu có khả thi?

Đã hơn 5 năm trôi qua, tiến trình cổ phần hóa tại 4 công ty cà phê thí điểm vẫn chưa xong, mà thực chất là đang gặp bế tắc vì nợ. Thí dụ, Công ty 705 vẫn chưa thể xử lý được món nợ 8 tỷ đồng – trong đó nợ của người đã chết lên đến 4,3 tỷ. Với khối nợ nần của doanh nghiệp, của công nhân và người lao động đang sống và đã chết; với những bùng nhùng, rối rắm do cơ chế cũ để lại, cổ phần hóa là cực kỳ khó khăn nếu không nói là bất khả thi…

Bên cạnh đó, nếu các công ty xử lý được nợ thì ai sẽ mua cổ phần? Với cơ chế Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần, 49% của nhà đầu tư thì tình hình sẽ chẳng có gì thay đổi, nói cách khác đó chỉ là sự thay đổi hình thức "bình mới rượu cũ": Công nhân và người lao động vẫn không quyết định được giá sản phẩm, không có quyền quyết định đường hướng kinh doanh - như vậy liệu có ai dám bỏ vốn mua cổ phần?

Chủ tịch công đoàn các công ty cà phê cho biết: Nguyện vọng của đa số công nhân và người lao động vẫn là mong muốn Nhà nước thoái vốn bằng cách bán vườn cây cho họ theo giá thị trường. Về điều này, ông Lê Đình Hoàng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty 706 từng đưa ra một phương án rất đáng chú ý trong tâm thư gửi Thủ tướng.

Theo ông Hoàng, với 1.700ha cà phê mà Tổng Công ty Cà phê đang sở hữu, nếu bán cho công nhân với giá tối thiểu 300 triệu đồng/ha thì Nhà nước thu về ít nhất 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ giao Tổng Công ty Cà phê xây dựng các nhà máy chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cà phê. Bộ máy gián tiếp sẽ chuyển sang làm công tác dịch vụ, bao tiêu sản phẩm. Về phía công nhân và người lao động sẽ được tự chủ hoàn toàn mảnh đất của mình, yên tâm đầu tư để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm… 

Nhiều công nhân khẳng định: Nếu phương án này được thực hiện, ngành cà phê sẽ có những thay đổi lớn; đời sống của họ nhất định sẽ được cải thiện trong vòng 3- 5 năm.