Dân Việt

Kể chuyện làng: Lạc giữa làng mình

Nguyễn Phương Anh 12/12/2020 08:00 GMT+7
Tôi cứ háo hức mãi về chuyến đi này. Tôi bỗng như một sứ giả của ký ức xen hiện tại, cây cầu bắc qua khoảng cách của không gian, thời gian trong cuộc mưu sinh mà chúng tôi đều li hương, lưu lạc.

Chuyến đi về quê mùa Vu Lan của tôi năm nay rất đặc biệt, khi có cậu họ tôi đã xa quê từ nhỏ, lưu lạc bao năm xứ người nay mới có dịp cùng trở về. Lại thêm anh họ, cũng là người con xa quê bao năm.

Kể chuyện làng: Lạc giữa làng mình - Ảnh 1.

Tôi sinh ra tại làng Do. Cái tên bình dị thương yêu mà tụi trẻ làng bên cứ chê bai dè bửu rằng, cái tên tầm thường. Chúng bảo làng Do trấu. Do trấu thì đã sao nhỉ? Hỏi trên thế gian này, ai không liên quan tới bếp núc, ai ở Việt Nam không từng nhờ đống dấm nấu cơm, áo nâu mỏng mong manh sống được nhờ sưởi qua mùa đông giá lạnh. Những ngọn lửa hàng ngàn năm rồi vẫn âm thầm cháy trong bếp than rơm rạ, cửi lửa tro trấu.

Tôi tự hào về làng Do.

Làng tôi có đình thờ "Đức Vua Bà" (tên thật là bà Đinh Thị Tố) là di tích lịch sử cấp Nhà nước. Đình thờ thân mẫu của đại tướng quân Hùng Quang Cảo - người đã có công phù Trưng chống giặc Đông Hán năm 40 sau Công nguyên.

Làng Do là niềm tự hào thể hiện lòng yêu nước, yêu tự do quê tôi. Bao lần sáp nhập xã mới, tên làng Do (nay thuộc xã Quỳnh Sơn (Châu Sơn), Huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vẫn giữ nguyên. Trước kia, làng Do còn có một cái tên rất hay là Cẩn Du, nhưng người làng tôi ai đi xa về cũng đều thích gọi tên: làng Do. Tên Cẩn Du đẹp mà xa lạ. Tôi còn nhớ mãi câu hát "Anh đi về đâu? Tôi đi về Do, vượt qua cái dốc bà Sò"!  Đó là câu ca thời kháng chiến chống Pháp. Nơi diễn ra trận chiến oanh liệt của quân dân làng tôi thắng giặc Pháp. Sau nhiều ngày đêm tại dốc đê bà Sò giặc Pháp đã thua trận phải rút chạy khỏi làng.

Kể chuyện làng: Lạc giữa làng mình - Ảnh 2.

Làng tôi rất đẹp! Nhìn từ trên đê về, làng tôi chìm giữa màu xanh mênh mông, vẻ thanh bình của làng chìm trong mênh mông cánh đồng lúa. Đến mùa, mạ gieo mướt mát xanh tơ trải dài theo những con đường quê quanh co uốn lượn. Trong làng còn có rất nhiều ao chuôm lớn nhỏ với những hàng cau, dừa, sung hay rặng tre xõa tóc xuống mặt nước. Nước ao luôn trong xanh mát rượi. Làng tôi gồm bốn xóm là: Hà Giang, Hà Thanh, Hà Tĩnh và Hà Đông. Nhà tôi thuộc xóm Hà Đông lại ở vị trí nằm giữa đầm Hà Đông và hồ Mặt Nam. Nước đầm và hồ quanh năm trong văn vắt.  Năm thuận mùa, đầm và hồ đều trồng sen. Làng Do như được ướp trong hương sen mỗi độ hè nóng tràn về.

Nhưng làng Do đâu chỉ đẹp. Tôi không thể nào quên được những mùa giáp hạt năm xưa đói vàng cả mắt. Nhà có tám nhân khẩu thời công điểm hợp tác xã, mẹ tôi chạy chợ thêm mà vẫn thiếu ăn. Có lần em gái Hiền tôi không có gì ăn đi học mẫu giáo trường làng đói lả. Bố tôi vừa áp chảo được mẻ bánh sắn bọc lá chuối liền sai tôi mang đến lớp cho em ăn. Tôi mang tới, em vồ vội lấy miếng bánh nhai ngấu nghiến.  

Kể chuyện làng: Lạc giữa làng mình - Ảnh 3.

Tôi nhớ bữa ấy đói quá, bà Tèo bê sang một mẻ khoai lang luộc còn nóng hôi hổi, chắc mới đi mót đồng xa về. Đến tận bây giờ tôi không bao giờ quên được cái vị vừa ngọt, vừa bùi của của củ khoai lang luộc ngày nào.

Lại một lần mẹ tôi ốm. Bà thèm ăn bún đậu mà lục mãi không thấy đồng nào. Mẹ bảo: "Con mang quả mít mới chín này đi chợ Cầu bán rồi mua lấy ít bún đậu mang về cho mẹ con mình ăn".  Nghe lời mẹ, tôi mang quả mít ra chợ. Lần đầu đi bán hàng xấu hổ nên tôi ngồi mãi một chỗ. Gần trưa, chợ sắp tan mà quả mít vẫn nằm im như thóc trong bồ. Chợt có bà Ngọc hàng xóm vẫn hay đi bán cá thấy tôi bèn chạy lại hỏi thăm:

- Cái Anh đi bán mít đấy à? 

Tôi tức tưởi kể nguồn cơn, bà ấy nghe liền bảo:

- Cháu cứ ở đây chờ cô một lát!

Bà Ngọc đi dăm phút sau quay lại, trên tay là một gói lá chuối đủ cả bún, đậu rán, mắm tôm. Bà bảo:  -  Thôi, cháu về đi mang bún cho mẹ ăn, chắc mẹ cháu đói lắm rồi!

Mừng quá. Tôi quên cả cảm ơn bà, ôm thốc quả mít ế và gói bún vừa đi vừa chạy. Đó là một trưa hè nắng dữ dội. Tôi không nhận ra về đến nhà tóc bê bết mồ hôi. Chỉ đến khi mẹ tôi nhận gói bún đậu đặt vội xuống phản, thốt lên:

Nắng gay nắng gắt thế này, mồ hôi mồ kê ướt hết con tôi rồi! Hai mẹ con cùng ăn bún, mẹ tôi vừa ăn vừa lẩm bẩm: "Bún ngon quá!".

Tôi chợt nghĩ, xóm này ai cũng biết bà Ngọc vẻ ngoài tưởng đanh đá mà tâm Phật trong lòng tâm Phật! Có được bữa ăn ngon hợp vị như thế, hôm sau mẹ tôi khỏe ra, bà dậy đi chợ bán miến được như thường. Bà ngoại tôi là bác ruột của người cậu cùng về quê chuyến này. Bà đẹp phúc hậu, tính xởi lởi thương người, dân làng ai cũng yêu quý.

Kể chuyện làng: Lạc giữa làng mình - Ảnh 4.

Hình ảnh cô Huệ.

Mỗi khi bà lên chơi, nhà chúng tôi vui như Tết. Bà nấu xôi gấc rất ngon nên mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn chõ đồ xôi với gạo nếp cái hoa vàng và gấc chín đợi bà khai mùa cơm mới. Tôi không thể quên được hương vị ngọt ngào đến trào nước miếng của xôi gấc đầu mùa khi bà tôi mở chõ xôi ra. Lũ trẻ chúng tôi hau háu xúm lại, sà xuống quanh bà. Đó là những tháng ngày thật hạnh phúc. Ngày bà mất, xóm làng tới đưa tiễn không vắng một ai. Đến chia buồn, ai cũng tỏ lòng tiếc thương bà xởi lởi đôn hậu. Tôi còn xúc động khi nhớ lại tiếng nấc của bác trai trưởng trong lễ tang bà khi ấy: "Hờ Mẹ ơi! Ba hồn bẩy vía của mẹ ở đâu thì về mà nhập xác"! Tất cả cháu con đều òa lên nức nở gọi theo. Nhắc lại chuyện bà, cậu tôi bảo: "Sau năm 1960, năm nào cô trưởng Đang cũng lên Hà Nội thăm ông em. Cậu còn nhớ bà cháu rất hay ôm cậu. Người bà rất ấm, miệng bà thơm phức mùi trầu thuốc. Bây giờ về đây nhìn tấm di ảnh của nhà cháu lại nhớ chuyện ngày xưa, tưởng thấy cả mùi hương trầu thơm năm nào …".

Bà ngoại tôi lấy ông tôi sinh được bảy con. Mẹ tôi đứng thứ ba. Các bác, các cậu, các dì, đều được ông bà tôi dạy dỗ nghiêm khắc, nên ai cũng thành đạt và đặc biệt hiếu nghĩa. Cha mẹ tôi những năm tháng ốm đau, con cái ở xa nên phần lớn đều trông cậy vào anh em trong nhà. Bác cả, bác hai và rồi bố mẹ tôi đều dần mất. Chiến tranh loạn lạc, các cậu các dì cũng đều sống xa quê, nên trăm sự ở nhà đều trông cậy vào gia đình chị Huệ con gái út bác tôi. Huệ con bác tôi, xinh đẹp, tốt nết. Ở quê anh em trai đi tứ xứ kiếm ăn cả, thân gái lưu quê, cô chăm hương hỏa mồ mả bác, cô như trưởng họ trong nhà...

Mẹ tôi từ xưa là nông dân chân chất thật thà, lại đảm đang tháo vát, hiếu nghĩa với cha mẹ, hết mực yêu thương gia đình. Mẹ tôi thuộc nhiều ca dao, tục ngữ hay. Mẹ  luôn vận dụng ca dao, tục ngữ để dạy con và có lẽ  tôi cũng trở lên yêu thích  văn thơ từ đó.

Mẹ mang nét đẹp và tính cách của bà ngoại nên ai gặp cũng biết là con gái làng Đại Phú. Mẹ tôi tham gia đội du kích thôn gặp cha tôi là anh bộ đội chống Pháp người làng Do, rồi nên duyên chồng vợ. Tình yêu ấy đã giúp mẹ tôi thêm sức mạnh vượt qua bao vất vả cùng cha tôi nuôi dạy đàn con sáu đứa trưởng thành cũng như giúp cha tôi vượt qua hai lần cửa tử hồi sinh trở lại để cùng nhau sống hạnh phúc bên gia đình.

Cha tôi người cao ráo, nhã nhặn, khéo tay biết làm thơ và thêu thùa rất đẹp, yêu văn nghệ lại biết chăm lo chu đáo cho vợ con. Gia đình bên nội sống rất mẫu mực, chan hòa, đoàn kết yêu thương nhau, trong làng ai cũng nể trọng. Tôi nghe kể lại thời chống Pháp: bác hai và cha tôi là Việt Minh nằm vùng nên giặc bắt trói bà nội và bác cả tôi đánh đập tra khảo, bắt khai ra nơi trốn của ha người không sẽ giết. Nhưng bà và bác tôi kiên quyết không khai, may ngay hôm ấy hai người được du kích bí mật giải thoát.

Kể chuyện làng: Lạc giữa làng mình - Ảnh 6.

Chuyến đi này tôi lên lịch trình cụ thể: cả đoàn sẽ về nhà bố mẹ tôi trước rồi sắp lễ xuống thăm mộ bà ngoại tôi ngoài nghĩa trang làng Đại Phú, cách làng Do một cánh đồng. Sau đó viếng thăm gia đình bác tôi, rồi quay về nhà tôi nghỉ ngơi chiều sang lễ bên họ hàng cậu tôi bên Đà Thôn. Tôi tuy trong lòng lo lắng nhiều cho sức khỏe của cậu nhưng rất tự tin về thời gian. Mình là dân bản địa dẫn khách quý ở xa về quê chả nhẽ lại không biết đường. Ban đầu tôi còn cười thầm anh họ tôi cứ đi theo chỉ dẫn của xe mà không tin tôi. Khi xe đi từ Hà Nội về đến gần Quỳnh Côi, rẽ vào đường Quỳnh Sơn sẽ gần nhà tôi hơn nhưng vì con đường đang mở rất to hoa cả mắt làm tôi nhầm, chỉ anh đi đường lạc sang Quỳnh Ngọc. Khi xe rẽ tắt qua cầu về làng thì tôi lại như bị lạc vào mê cung chả biết rẽ đường nào. Con đường này sao lạ thế đâu phải đường làng tôi. Bóng mát tre xanh đâu cả mà tới đâu cũng thấy toàn tường bê tông với mái tôn dựng lên. Mới khoảng mười giờ sáng mà cái nóng đã hầm hập bốc lên từ mặt đường rải bê tông, mỏi mắt tìm chả thấy bóng tre xanh nào trong ký ức.  Có mấy ngôi nhà ai mới xây to cao ngất ngưởng. Đường làng đoạn này như một công trình xây dựng bị chắn bởi mấy đống vôi vữa gạch nhà ai đang xây khiến xe tiến cũng dở mà lùi cũng chả xong. Có tiếng người đàn ông trung niên ngó ra quát: "Xe của ai ở đâu mà đi vào đường này?".

Tôi mở cửa xe xuống hỏi thăm mới nhận ra người quen. Mọi người nhận ra tôi là người làng thì nói cười hỉ hả. Lòng tôi thật xấu hổ không biết để đâu khi về đến làng mà không nhớ lối vào nhà mình. Cũng bởi nửa làng này gần đây tôi ít qua lại, hay bởi sự thay da đổi thịt của làng quê nhanh quá. Bao năm xa quê dù năm nào cũng về làng nhưng tôi chỉ vội vàng trong ngày thăm cha mẹ rồi tất tưởi đi vì mưu sinh. Tôi chưa lần nào đi dạo đủ một vòng quanh làng.

Khi xưa tôi hay đi học qua đây chỉ có con đường đất nhỏ quen thuộc với những mái nhà tranh vách đất lợp rạ nhưng gần gũi ấm áp mùa đông, mát rượi bóng tre xanh mùa hè. Tôi còn thuộc từng ngõ ngách từng nhà. Hình như đoạn đường này ngày học cấp hai tôi đã từng bị thằng Tuyền (đầu gấu làng) hất bùn vào cái áo trắng mới tinh trên đường đi học về, khi ấy đường làng nhão nhoét bùn đất lẫn với phân trâu. Có phải đây là đường ra ruộng khoán sản năm xưa tôi và mẹ đã bao lần còng lưng vét nước chống hạn giữa trưa hè nắng chang chang, mồ hôi đầm đìa mà miệng khát, bụng thì đói meo. Giờ đây sao tôi thấy như mơ, như thực thế này!

Kể chuyện làng: Lạc giữa làng mình - Ảnh 7.

Quay tới quay lui luẩn quẩn tới gần nửa giờ tôi cùng mọi người mới thoát ra được mà về đúng đường nhà mình, làm chậm mất thời gian quý báu của cậu tôi. Tôi buột miệng thốt ra: "Đúng là lạc giữa làng mình cậu ạ"! Cũng may là trước khi về tôi đã nhờ được hàng xóm lo giúp hậu cần. Nhà tôi, cha mẹ cùng anh trưởng và cậu em đã mất nhiều năm. Còn lại mấy chị em đều đi làm ăn xa thành ra tôi là "trưởng giả". Bản thân tôi thân gái dặm trường hơn ba mươi năm sống xa quê, về nhìn thấy cảnh nhà hoang vắng xót xa lắm mà lực bất tòng tâm. Biết bao nhiêu nỗi niềm muốn chia sẻ cùng cậu nhưng không thể vì trời đang nắng gắt không nhanh sẽ quá giờ Ngọ.  Hai cậu cháu cùng dâng hương lên ban thờ gia đình.

Cậu vừa nhìn thấy di ảnh của mẹ tôi bỗng sững lại nức nở: "Ối chị ơi! Giờ em mới nhìn thấy ảnh chị mà như thấy bá, chị giống bá quá!".

Tôi đứng chắp lễ bên cạnh mà rưng rưng. Cậu tôi chưa được gặp mẹ tôi lần nào vì cậu xa quê từ nhỏ, lớn lên đi bộ đội rồi số phận long đong lang bạt mưu sinh  tận Tây Đức mấy chục năm, nay ngoài bảy mươi tuổi hồi hương mới có dịp hội ngộ chị em thì đã hai ngả âm dương cách biệt. Mẹ tôi giống đặc bà ngoại tôi, ai cũng bảo thế. Chị Huệ con bác Khuể chỉ mươi phút sau đã có mặt ở nhà tôi. Mẹ tôi quý chị như con gái.  Nhìn thấy cậu tôi chị nhào đến bấu lấy tay cậu mà hỏi han. Cuộc gặp gỡ lần đầu giữa cậu tôi và chị Huệ cùng anh họ thật xúc động. Dưới tán nhãn sum suê xanh mát góc sân nhà, mấy cậu cháu, anh em ngồi cùng nhau uống chén trà xanh có bao nhiêu điều muốn chia sẻ như không dứt nổi. Tôi chuẩn bị lễ nhờ chị Huệ dẫn cậu ra viếng mộ bà ngoại còn mình lại rẽ về nghĩa trang làng để thắp hương mời cha mẹ anh em về nhà cúng rằm tháng bảy. 

Cái nắng chang chang càng thêm gay gắt giữa nghĩa trang vắng lặng như rút ngắn đi khoảng cách âm dương, tôi cảm nhận được sự giao hòa của hai thế giới khi làn khói hương chầm chậm bay lên trong lời khấn cầu hòa cùng những giọt nước mắt quyện mồ hôi lặng lẽ rơi một góc trời quê mẹ! Tôi thấy ông cậu ra viếng mộ bà bác trở về tuy mệt nhưng khuôn mặt lại tươi tắn hình như cậu rất mãn nguyện khi đã hoàn thành tâm nguyện. Cũng có thể không khí làng quê trong lành và tình cảm quê hương đã mang lại thư thái cho cậu tôi. Bữa cơm đoàn viên gia đình rất vui vẻ, ngoài những món ăn của mâm cơm cúng rằm truyền thống, đặc biệt dành riêng cho cậu và anh họ nồi cá trạch om hoa chuối, món ăn mà cậu tôi rất nhớ mỗi khi xa quê. Tôi rất muốn có dịp khác nhiều thời gian hơn tôi sẽ mời cậu ở lại ít ngày sống cùng với làng quê cho thỏa những nhớ mong xa cách. Nhưng tôi biết bao nhiêu công việc quan trọng còn đang cần cậu trở về Hà Nội trong đêm mà không thể gác lại. Lòng tôi như thắt lại khi nhìn tấm lưng câụ tôi chùng xuống, bước chân ra về như nặng hơn trong nỗi day dứt của riêng mình.

Kể chuyện làng: Lạc giữa làng mình - Ảnh 8.

Tôi trở lại con đường cũ bị lạc mà tĩnh tâm lại. Làng quê giờ đã nhiều thay đổi, kinh tế nhìn chung khởi sắc hơn. Những cánh đồng xưa thuần cấy lúa đã phần nhiều chuyển đổi cơ cấu cho dân làm quy hoạch "Vườn –ao – chuồng ". Quán xá, cửa hàng cửa hiệu đã mọc lên chi chít bán đủ cả các mặt hàng như phố. Con cái các gia đình đi tứ xứ làm ăn trở về ai cũng muốn làm sang cho dòng tộc. Những đóng góp của mọi người cho gia đình, làng xã cũng góp phần làm cho gương mặt quê hương thêm thay đổi. Con đường làng xưa đi học nhiều đoạn mỗi mùa mưa đều lầy lội đầy vết chân trâu phải xắn quần mà lội bì bõm thì nay đã mở rộng đổ bê tông, xe ô tô con nhiều nhà vào tận cổng. Trong làng tôi có nhiều đoạn đường còn được trồng hoa đủ loại, muôn màu nở rực rỡ thật vui mắt. Có một người làng ra tận Quảng Ninh làm ăn trở lên phát đạt, ông mang tiền về xây hẳn một nhà văn hóa thôn to rộng khang trang. Nhiều ngôi nhà cao to nhiều tầng kiểu thành phố ngất ngưởng mọc lên trong làng. Ngoài nghĩa trang cũng xuất hiện thêm những ngôi mộ xây to như gian nhà, người sống và người chết bây giờ cũng đều được chăm sóc hơn xưa.  Người xây sau lại muốn xây hoành tráng hơn người trước.


Làng quê đã đổi thịt thay da cùng với sự thích ứng của con người với những niềm vui hay nỗi buồn của mỗi nhà và khoảng cách của những bức tường bê tông ngăn cách cũng ngày một dầy thêm.  Cơn lốc của cơ chế thị trường cũng lướt qua làng với những nỗi buồn riêng của một số gia đình như nốt trầm giữa mùa ngâu tháng bảy.  Tôi bỗng thấy khát khao muốn tìm lại những ấm áp yên bình của làng quê tuổi ấu thơ xưa. 

Tôi thao thức một mình với bao nỗi nhớ người thân trong ngôi nhà xưa đầm ấm giờ thành hoang vắng rồi thiếp đi. Trong giấc mơ tôi thấy lại những lũy tre xanh dìu gió mát rượi giữa trưa hè, tiếng cười nói rộn ràng của bà con về đồng ngồi nghỉ bên ấm chè xanh đầu làng. Tôi như thấy gương mặt ấm áp của mặt bà ngoại tôi hiện về trước cổng. Miệng bà vẫn bỏm bẻm nhai trầu thơm nồng. Mẹ tôi chạy ra đón bà mặt mày rạng rỡ, tay vẫn còn vương gạo nếp đỏ trộn gấc, mấy chị em tôi tíu tít theo sau. Có lúc tôi lại thấy mình là cô bé con năm tuổi đang mê man cơn sốt trên lưng cha khi ông cõng tôi vừa đi vừa chạy đến bệnh viện huyện.  Tôi vén áo mưa ngó ra ngoài trời, thương cha quá mà khóc thầm, nước mắt nhòa lẫn nước mưa. Bỗng bước chân cha chao đi hình như vấp phải mô đất làm tôi giật mình thảng thốt gọi: "Cha ơi!".

Tôi nghe thấy ai nói. Hình như cô em Huệ: "Cậu ơi hãy về làng Do lúc lúa vỗ đòng. Cả cánh đồng, ruộng vườn, trên mặt ao chuôm ... tất cả không gian ngan ngát hương là hương. Cậu sẽ thấy quê mình đáng yêu lắm".

Hà Nội 15-10-2020