Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sang Nhật Bản lớn nhất Việt Nam hiện nay, trong 15 năm qua, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đăk Lăk (Simexco Đăk Lăk) liên tục mở được những đơn hàng mới tại Nhật Bản, thị trường vốn được coi là khó tính nhất nhì thế giới.
Ông Lê Đức Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Simexco Đăk Lăk cho biết, năm 2019, sản lượng xuất khẩu cà phê nhân của công ty sang Nhật Bản đạt 20.000 tấn, trị giá 40 triệu USD, tăng 10% so với năm 2018.
"Năm 2020, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản vẫn tăng trưởng đều, với mức giá tốt" - ông Huy cho biết.
Theo ông Huy, trong quá trình làm việc với các đối tác Nhật Bản, ban đầu rất khó khăn để thuyết phục các doanh nghiệp nhập hàng, nhưng nếu cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đến tận hộ nông dân thì luôn luôn có những đơn hàng mới được ký với giá tốt.
"Vấn đề cốt yếu nhất khi làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản là chữ Tĩn, ban đầu họ tiếp cận rất chậm và thận trọng, có khi mất vài năm để tìm hiểu một khách hàng mới nhưng khi vào quy trình rồi thì hàng hóa lại đi rất nhanh" - ông Huy nói thêm.
Ông Huy cho biết, một trong những tiêu chuẩn khắt khe nhất của Nhật Bản là đòi hỏi truy xuất nguốn gốc phải đến tận người nông dân, kiểm soát số lượng nông dân đang hợp tác, quy trình canh tác như thế nào, có chữ ký của từng nông hộ, từng lô hàng người nông dân sản xuất như thế nào phải báo cho đối tác Nhật Bản.
Họ cũng quan tâm đến vấn đề sản xuất bền xững, có liên kết đầu tư về phân bón theo tiêu chuẩn Nhật Bản, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. "Họ luôn yêu cầu chất lượng ngày hôm nay phải tiếp tục cải tiến so với những ngày trước đó" - ông Huy nhấn mạnh.
Được biết, để có sản phẩm đáp ứng yêu cầu phía Nhật Bản, Simexco Đăk Lăk đã liên kết với 3.000 nông dân ở Đăk Lăk để sản xuất theo quy trình phía Nhật Bản đưa ra, ngoài ra công ty cũng liên kết với 12.000 hộ nông dân trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên phát triển vùng nguyên liệu cà phê an toàn, chất lượng.
"Năm 2020, có một xu hướng rất mới trong hợp tác xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản là các doanh nghiệp rang xay cà phê Nhật Ban đang tìm cách đổ bộ vào Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng ta nâng cao giá trị cà phê Việt" - ông Huy nói.
Trong khi đó, Minh Tiến Coffee cũng đã có hơn 10 năm xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản. Hiện, doanh nghiệp này liên kết với 12.000 hộ nông dân ở Sơn La sản xuất cà phê arabica theo tiêu chuẩn 4C.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 20 container cà phê sang Nhật Bản, tương đương gần 400 tấn, giá cà phê nhân xuất khẩu sang Nhật Bản rất cao, khoảng 200.000 đồng/kg.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp cận thị trường Nhật Bản một cách thận trọng và bền vững.
Tại Hội nghị trực tuyến đối thoại cấp cao về nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản và Diễn đàn Hợp tác doanh nghiệp công – tư Việt Nam – Nhật Bản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản tổ chức chiều hôm nay, 12/12, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Tầm nhìn hợp tác chiến lược giữa nông nghiệp Việt Nam với nông nghiệp Nhật Bản 2015-2019 đã đạt được những kết quả toàn diện.
Một là đã thúc đẩy nông sản trao đổi 2 bên, 5 năm vừa qua tốc độ xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang phía Nhật Bản tăng từ 10 - 12%, năm 2019 đạt con số 3,55 tỷ USD nông sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Thứ hai là trong thời gian qua đã có tới 11 dự án ODA Nhật Bản đầu tư cho Việt Nam với tổng giá trị khoảng 750 triệu USD để nâng cao các thiết chế hạ tầng khu vực nông nghiệp, trong đó có nhiều các khu vực để nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản Nogami Kotaro cho biết, Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu nông lâm thủy sản của Nhật Bản đạt 5.000 tỷ yên, hiện Việt Nam đang đứng thứ 6 trong số các nước xuất khẩu nông sản của Nhật Bản, vì vậy tầm nhìn mới mà hai bên vừa ký kết sẽ đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị, mở rộng cơ hội đầu tư giữa hai nước.
Trong khuôn khổ hội nghị đối thoại, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản Nogami Korato đã chứng kiến lễ ký kết giữa 2 bên về hợp tác công nghệ trong thủy lợi và thoát nước và bảo vệ nguồn tài nguyên biển, quản lý ngành ngư nghiệp trong lĩnh vực thủy sản đúng trách nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hy vọng, giai đoạn tới sẽ mở ra một triển vọng rất tốt đẹp từ nền tảng của giai đoạn 1, nâng mức quan hệ cao hơn, kể cả cấp quan hệ đến từng tỉnh, từng khu vực.
"Trục khu vực Chính phủ cũng có những chương trình liên kết hợp tác phát triển; trục khu vực doanh nghiệp và kể cả khu vực người dân thông qua các chương trình đào tạo giám đốc hợp tác xã để làm sao nâng cao năng lực quản trị sản xuất từ hộ trang trại cho đến hợp tác xã cho đến doanh nghiệp nhỏ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế giữa nông nghiệp Nhật Bản với nền nông nghiệp Việt Nam" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.