Ngày 12/12/2020 – Tạp chí Kinh Tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức Diễn đàn Tiêu dùng Việt Nam và Lễ Công bố & Vinh danh 100 sản phẩm, dịch vụ Tin Dùng năm 2020 được người tiêu dùng bình chọn trong năm 2020.
Phát biểu khai mạc, ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập VnEconomy đánh giá, Covid-19 là một thảm họa ập đến không báo trước, một kẻ thù giấu mặt và hầu như mọi nền kinh tế và ngành nghề đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Là một nền kinh tế nhỏ phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu và các đối tác thương mại, đầu tư lớn, kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu và đang chịu cú sốc ban đầu về nguồn cung cũng như tác động giảm mạnh về cầu trên hầu như tất cả mọi mặt.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), chỉ trong 7 tháng đầu năm nay có tới 8.102 doanh nghiệp bán buôn - bán lẻ trên cả nước đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ. Còn theo đánh giá của CBRE Việt Nam, có tới 38% nhà bán lẻ phải tạm ngưng mở rộng trong năm 2020, 11% tập trung củng cố cửa hàng hiện tại hoặc buộc dời ngày khai trương sang năm 2021.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, dịch bệnh được cho là một cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những doanh nghiệp có nội lực nhất định mới có thể vượt qua.
"Dịch bệnh tạo ra rủi ro hệ thống tác động lên toàn bộ các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ. Do ảnh hưởng của đại dịch, khó khăn đang bao trùm, nhưng không phải cơ hội hoàn toàn biến mất và không phải các nhà bán lẻ nào cũng gặp khó khăn như nhau.
Theo nghiên cứu của nền tảng tiếp thị di động Adtima: Xu hướng mua sắm online trong những dịp gần đây đã thay đổi đáng kể, với 39% mua sắm trên website thương mại điện tử, 33% mua sắm ở các mạng xã hội và 22% trên các nền tảng khác...", ông Lâm dẫn chứng.
Đồng quan điểm, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết đây là giai đoạn xuất hiện những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng đây là cơ hội "lửa thử vàng", chính những thách thức của thị trường sẽ tạo nên sức bật cho doanh nghiệp cũng như sản phẩm, dịch vụ.
Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản – một trong những ngành nghề bị tác động lớn do đại dịch Covid-19, khi nhiều nhà đầu tư có tâm lý thăm dò và chờ đợi bắt đáy thị trường. Tuy nhiên, ông Võ Văn Khang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, nhu cầu ở thực vẫn rất lớn và chưa bao giờ có xu hướng giảm, bất chấp dịch bệnh.
Đó là nhu cầu chung của thị trường, còn đối bản thân các doanh nghiệp, Covid-19 đã tác động, làm thay đổi 3 vấn đề chính đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng.
Thứ nhất, trong giai đoạn Covid-19, việc ra quyết định của lãnh đạo áp lực thời gian nhanh chóng và ngay tức thì, động lực áp dụng chuyển đổi số và áp dụng công nghệ nhanh hơn.
Thứ hai, Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh môi trường làm việc, phương thức làm việc. Trong thời kỳ giãn cách xã hội buộc doanh nghiệp phải có phương thức làm việc mới thích nghi. Đối với doanh nghiệp, quản lý động lực làm việc rất quan trọng. Giai đoạn Covid-19 lao động làm việc vất vả hơn rất nhiều trong giai đoạn bình thường.
Thứ ba là chúng ta phải có những thích ứng trong ngắn hạn làm sao không ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn, nếu thay đổi quá nhiều thì khi điều kiện bình thường quay lại, lại phải mất một lần nữa chuyển đổi để thích nghi.
"Bất động sản vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nên chúng tôi đã kịp thời điều chỉnh chiến lược khách hàng là trọng tâm, chia sẻ khó khăn với khách hàng, giảm giá thành đưa sản phẩm ra thị trường với giá cả phù hợp, với đối tác đưa ra các phương thức hợp tác phù hợp để cùng chiến thắng trong giai đoạn khó khăn.
Nhờ đó, doanh thu 9 tháng năm 2020 của Hưng Thịnh đã vượt kế hoạch cả năm, và doanh thu cả năm cùng với các chỉ số khác như lợi nhuận… gấp đôi so với kế hoạch. Trong nguy luôn có cơ, linh động điều hành thì đó là cơ hội lớn", ông Khang nhấn mạnh.
Áp dụng công nghệ số là "quân át chủ bài" đối với doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho hay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giao dịch B2B, Face to Face bị gián đoạn, trong khi nhu cầu tích trữ lương thực của người dân gia tăng, doanh nghiệp đã áp dụng dịch vụ số, đặt hàng, thanh toán online, thông qua app khách hàng có thể đặt gạo, giao tiếp với khách hàng cũng như các nhà phân phối, từ đó hình thành thói quen sử dụng ứng dụng thường xuyên cho khách hàng.
"Trong thách thức luôn có cơ hội lớn, là sự may mắn cho mỗi ngành nghề kinh doanh, nếu như trước đây các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khó có cơ hội tăng trưởng nhanh thì bây giờ chúng tôi đã đón được cơ hội này. Tại thời điểm dịch, app đặt hàng của chúng tôi đã "cháy hàng". Chúng tôi xem chuyển đổi số là chiến lược của doanh nghiệp, định hướng bán lẻ ứng dụng thanh toán qua mạng", ông Trung khẳng định.