Điều quan trọng nhất đối với mắm rươi, mắm cáy là nguyên liệu con rươi, con cáy đặc sản phải tươi sống. Những con rươi, con cáy đã chết đều không làm được mắm.
Để mắm rươi, mắm cáy là sản phẩm nông nghiệp bền vững của địa phương, các thành viên trong HTX luôn học hỏi kinh nghiệm để tạo môi trường sạch cho rươi, cáy sinh sống, tạo nguồn nguyên liệu làm mắm phục vụ thực khách quanh năm.
Ông Nguyễn Văn Suốt ở thôn Kiên Nhuệ cho biết: "Nếu phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng này thì con rươi, con cáy đặc sản không còn đất sống. Chúng chỉ tồn tại ở vùng đất sạch tự nhiên".
Vì vậy, ngay khi thu hoạch hết mùa rươi, lúc đó cũng đã vãn mùa cáy (tháng 2 âm lịch hằng năm), người dân ở đây sẽ cải tạo đất.
Họ nghiền ngô, đỗ tương trộn đều với đất tạo độ phì nhiêu, màu mỡ, không để đất cạn kiệt chất dinh dưỡng.
Bình quân 10 mẫu đất bãi khai thác rươi cần đến hơn 3 tấn ngô, đỗ. Người dân thường xuyên theo dõi dòng nước ra vào bãi. Nếu thấy nước ngoài sông không sạch, họ sẽ đóng cống để bảo vệ vùng rươi, cáy.
HTX hiện có 51 thành viên với tổng diện tích 50 ha khai thác con rươi, con cáy. Khi mới thành lập (năm 2019), HTX làm 500 chum mắm cáy và hàng nghìn chai mắm rươi, làm đến đâu bán hết đến đó.
Riêng sản phẩm con rươi tươi mỗi năm thu khoảng 70 tấn, trong đó 2/3 sản lượng được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Bình quân mỗi năm HTX thu lãi khoảng 30 tỷ đồng từ con rươi, con cáy.
Theo nhiều thành viên trong HTX, để sản phẩm mắm rươi, mắm cáy đạt đủ các tiêu chí OCOP, HTX còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Quạt, Giám đốc HTX Bảo tồn và Khai thác rươi, cáy tự nhiên, chế biến nông sản sạch Vĩnh Lập cho biết nhiều người vẫn chưa hiểu rõ quy trình làm OCOP, chưa có nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm này. Cơ sở vật chất của HTX còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm cho khách.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP cho mắm rươi, mắm cáy của HTX.
Các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cụ thể quy trình và thủ tục để sản phẩm được công nhận OCOP. Cấp trên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho khu trưng bày sản phẩm mắm rươi, mắm cáy của HTX, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.