Chùa Phước Lâm được ông Bùi Văn Minh xây dựng vào năm 1880 trên chính tư gia của mình. Theo gia phả của họ Bùi, năm 1867, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, phong trào võ trang kháng Pháp ở Nam bộ bùng lên mạnh mẽ, tuy nhiên, các phong trào yêu nước đều bị thực dân Pháp đàn áp.
Chứng kiến đất nước bị giặc ngoại xâm giày xéo, nhân dân lâm cảnh lầm than, thất vọng với thời thế, ông Bùi Văn Minh - một địa chủ giàu có trong vùng, đã “cải gia vi tự” biến nhà thành chùa, lấy tên là Phước Lâm tự, vừa thờ Phật, vừa làm từ đường cho dòng họ Bùi.
Do tôn kính ông nên người dân trong vùng kiêng húy gọi ông là Thầy Miêng và ngôi chùa do ông lập ra ngoài tên Phước Lâm tự còn có tên là chùa Thầy Miêng.
Về sau, khi già yếu, ông Bùi Văn Minh mời Hòa thượng Thích Như Đặng ở chùa Giác Hải về trụ trì chùa Phước Lâm. Vào khoảng năm 1890, Hòa thượng Thích Như Đặng cho xây dựng thêm một điện thờ mới tiếp nối điện thờ cũ, đó là điện thờ chính ngày nay, còn điện thờ cũ trở thành tổ đường của chùa và từ đường họ Bùi.
Chùa Phước Lâm được xây dựng, trang trí bởi cánh thợ xây và nghệ nhân chạm khắc gỗ nổi tiếng nhất vùng bấy giờ vì thế kiến trúc, nội thất chùa rất trang nhã, độc đáo.
Điều đặc biệt đáng chú ý nhất ở chùa Phước Lâm là những bức tượng thờ cổ gồm: Thích Ca, Tượng Tam Thế, Bồ Tát, La Hán, Ngọc Hoàng, Thập Điện, Thị Giả, Di Lặc, Địa Tạng, Hộ Pháp, Tiêu Diện,... trong đó, đặc biệt nhất là pho tượng Ông Lo Đời.
Sở dĩ tượng Ông Lo Đời đặc biệt vì trước hết, đây là bức tượng tiêu biểu cho nghệ thuật chạm lộng hai mặt sắc sảo của các nghệ nhân Cần Đước, khắc họa sống động thần thái và biểu cảm của nhân vật.
Nếu như phần lớn các tôn tượng cổ ở chùa Phước Lâm được tạc theo phong cách tròn trịa, viên mãn, phản ánh sự ổn định, sung túc của xã hội thì ngược lại, tượng Ông Lo Đời được khắc họa theo hình thể một người nông dân gầy guộc khắc khổ. Và chính sự tương phản đó đã hé lộ, nói lên nội hàm ý nghĩa độc đáo của bức tượng.
Có tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của bức tượng Ông Lo Đời thì mới thấy hết sự kỳ thú của bức tượng này. Thực vậy, không chỉ riêng chùa Phước Lâm mới có tượng thờ Lo Đời mà hiện nay tại chùa Phước Hưng (xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) còn lưu giữ một bức tượng Phật bằng đồng với thế dáng rất lạ mà dân gian nơi đây quen gọi là tượng Phật Lo Đời.
Theo tìm hiểu, bức tượng Phật Lo Đời ở chùa Phước Hưng là tượng Phật Thích Ca hay còn được gọi là tượng “Tuyết Sơn”. Tượng Lo Đời ở chùa Phước Lâm cũng chính là tượng Tuyết Sơn. Đây là loại tượng minh họa thời kỳ tu khổ hạnh chưa đạt thành chính quả của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong núi tuyết, mỗi ngày chỉ ăn một hạt vừng, khiến cho thân thể bị suy kiệt.
Ở Việt Nam, tượng Tuyết Sơn bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XVII, trước tiên ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, tiêu biểu là các chùa Bút Tháp, chùa Keo, chùa Tây Phương,... rồi dần lan rộng ra các vùng khác trong cả nước.
Qua việc so sánh tạo hình Ông Lo Đời ở chùa Phước Lâm với các tượng Tuyết Sơn hay Phật Lo Đời ở các ngôi chùa cổ thuộc khu vực miền Bắc, miền Trung và Nam, ta thấy rõ sự tiếp biến khác biệt.
Nếu như các pho tượng ở miền Bắc, Trung và một số chùa ở miền Nam còn mang dáng vẻ của một nhà sư, đầu xuống tóc, tư thế ngồi vương giả hoặc tọa thiền thì tượng Ông Lo Đời ở chùa Phước Lâm lại mang hình tượng của một người nông dân.
Tượng về một người nông dân cởi trần, đầu quấn khăn, cơ thể gầy guộc với những đường gân nổi mờ thể hiện sự khổ hạnh, tư thế ngồi “rất đời” chân khoanh chân chống, tay quàng tay tì trên gối chống cằm.
Tượng Ông Lo Đời mang dáng dấp của con người nhưng không giống người, khổ hạnh nhưng không vò xé nội tâm mà thay vào đó là sự thản nhiên, điềm tĩnh và gần gũi với thế tục.
Tượng thờ không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng tôn giáo mà nó còn phản ánh tư duy, thực trạng và khao khát xã hội đương thời.
Vì thế, phải chăng chính trong cái bối cảnh nước mất, nhà tan, tâm thế bế tắc, khao khát cứu đời nhưng đành bất lực nên các nghệ nhân đã tiếp biến tạo tác ra bức tượng Ông Lo Đời vô cùng độc đáo với các tướng pháp của một vị Phật nhưng thế dáng và trang phục lại là một người nông dân, không phương phi, huyền bí, rất hiện thực, gần gũi nhằm tạo ra cảm giác gắn kết, chia sẻ với con người nhiều hơn trong thế sự loạn lạc.
Nhìn tổng thể, tượng Ông Lo Đời cùng với hệ thống các tượng cổ ở chùa Phước Lâm (xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) nói chung được các nghệ nhân đương thời tạo tác, trau chuốt tỉ mỉ từng đường nét với hàm nghĩa vượt ra ngoài mục đích tượng thờ, gần gũi dẫn dắt con người hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ.
Và sâu xa hơn tượng Ông Lo Đời là phản ánh khát vọng về một cuộc sống hòa bình, an lành, sung túc. Chính vì thế mà đến tận ngày nay, các tượng thờ cổ chùa Phước Lâm luôn được chùa và người dân địa phương kính ngưỡng thờ phụng, trao truyền và gìn giữ cẩn thận tạo nên một điểm nhấn văn hóa tín ngưỡng riêng biệt./.