Trước đây, người dân xã Phú Lộc vẫn quen với việc một năm sản xuất 2 vụ lúa, tuy nhiên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nguyên nhân là do, địa phương thuộc vùng trũng, thường xuyên ngập vào mùa nước lên, bởi vậy bà con đã áp dụng mô hình nuôi cá trong ruộng lúa.
Cá được thả vào ruộng lúa, sau từ 7 - 8 tháng là được thu hoạch. Trong thời gian thả cá, các hộ dân không phải đầu tư bất cứ loại thức ăn nào. Theo một số hộ nuôi cho biết, sau khi thu hoạch lúa, tận dụng gốc rạ, lúa rơi vãi ở ruộng để làm thức ăn cho cá.
Là một trong người áp dụng mô hình cá - lúa với số lượng lớn của HTX thủy sản Phú Lộc, ông Đinh Xuân Hồng, thôn Phú Lộc cho biết "Sau khi bà con thu hoạch lúa vụ xuân, tôi đã đăng ký với HTX thuê diện tích ruộng của bà con để thả cá. Tôi đã tiến hành dẫn thêm nước vào ruộng, đắp bờ, mua cá giống về thả".
Hiện tại, với diện tích hơn 30 ha ruộng đấu thầu thả cá, ông Hồng đầu tư mua cá giống với các loại cá được thả gồm: cá chép, cá trắm và cá rô phi, chủ yếu là cá chép, "Cá chép rất dễ thích nghi với điều kiện sống, thời gian sinh trưởng ngắn nên cá chép lớn nhanh trong môi trường ruộng lúa, ông Hồng chia sẻ.
Theo ông Hồng, thời gian thả cá từ tháng 5 - 6 và thu hoạch vào tháng 12 (dương lịch) hàng năm. Cá chép trước khi thả phải đạt trọng lượng từ 0,5 - 0,7kg/con, cá trắm phải từ 1 - 1,2kg/con. Dự kiến khi thu hoạch ước đạt hơn 1 tấn/ 1ha.
Ông Đinh Văn Lợi, thôn Đồi Thông cũng là thành viên của HTX thủy sản Phú Lộc đang áp dụng mô hình nuôi cá trong ruộng lúa, diện tích hơn 15 ha.
Ông Lợi cho biết: "Lứa cá này tôi thả từ tháng 5, với hai loại cá là cá chép và cá trắm hứa hẹn cho thu nhập cao".
Theo kinh nghiệm nuôi cá trong ruộng lúa, ông Lợi cho biết thêm "Khi nuôi cá trong ruộng lúa, đầu tiên là phải lựa chọn giống cá phù hợp với hệ sinh thái ở đồng ruộng. Ngoài ra, người nuôi phải chọn nuôi các loại cá không cạnh tranh thức ăn với nhau. Mặt khác phải chú ý về hệ thống thoát nước để điều tiết lượng nước trong ruộng cho phù hợp với từng thời điểm".
Được biết, tháng 12 (dương lịch) ông Lợi sẽ cho thu hoạch, dự kiến sản lượng 1,2 - 1,5 tấn cá/ha. Với giá cá hiện tại giao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha.
Ông Đinh Trọng Lương, Giám đốc HTX thủy sản Phú Lộc cho biết: Diện tích thầu ruộng lúa để nuôi cá của HTX hiện tại có 236 ha với 13 hộ thành viên.
Các loại cá được thả bao gồm: Cá chép, cá trắm, cá rô phi... Tại địa phương, trồng lúa vụ mùa năng suất kém hơn so với vụ xuân nên nhiều ruộng bỏ hoang dẫn đến lãng phí đất. Vì vậy xã đã tạo điều kiện cho HTX có nguyện vọng mượn đất, thuê đất để phát triển sản xuất.
Một số hộ gia đình đã chuyển sang nuôi cá trong ruộng lúa để tận dụng diện tích mặt nước và gốc rạ làm nguồn thức ăn cho cá.
Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa này dễ thực hiện, rủi ro thấp nên thu hút nhiều hộ dân tham gia. Các hộ chỉ cần đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa và tạo hệ thống kênh mương xung quanh thửa ruộng.
"Cá thả trong ruộng lúa tự đi kiếm thức ăn, người nuôi cá giảm được nhiều chi phí, tăng nguồn lãi. Bên cạnh đó, cá nuôi trong ruộng lúa không chỉ nhanh lớn, màu đẹp mà khi chế biến thành món ăn thịt cũng chất lượng, thơm, ngon hơn cá nuôi trong ao..", ông Lương cho biết thêm.
Mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả "kép" do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ thu hoạch.
Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn.
Bên cạnh đó, cá sẽ ăn trứng ốc bươu vàng nên ốc không thể phát triển để hại lúa. Ngoài ra, việc ít phải sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm giảm chi phí trong quá trình canh tác lúa.
Nhằm mục tiêu cùng nhau phát triển, các hội viên của HTX thủy sản Phú Lộc (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã giúp nhau trong sản xuất, từ việc cải tạo ao đầm, mua giống, thức ăn, đến kỹ thuật nuôi thả các loại thủy sản và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, diện tích ruộng nuôi cá đang phát huy hiệu quả, các đối tượng con nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất và giá trị cao hơn so với trước kia các hộ nuôi nhỏ lẻ.
Thời gian tới, HTX sẽ tạo điều kiện để các hộ dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá ruộng, tận dụng diện tích ruộng trũng để nuôi cá.
Nuôi cá trong ruộng lúa ;à mô hình dễ thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, tận dụng được diện tích mặt nước để không trong vụ mùa của người dân. Từ những kết quả thực tế, đã cho thấy mô hình lúa-cá phù hợp với điều kiện nuôi thủy sản của xã Phú Lộc, huyện Nho Quan (Ninh Bình) vốn ở vùng trũng, giúp người dân vươn lên làm giàu.