Ra đầm hoang hết cuốc lại đào để nuôi con đặc sản giàu đạm, người nhà tưởng ông nông dân Hải Phòng bị "ma nhập"
Ra đầm hoang hết cuốc lại đào để nuôi con đặc sản giàu đạm, người nhà tưởng ông nông dân Hải Phòng bị "ma nhập"
Thứ ba, ngày 15/12/2020 06:16 AM (GMT+7)
Nhiều người trong gia đình từng nói anh bị ma nhập, còn bản thân anh vì quá tập trung vào nghiên cứu giống con rươi mà quên ăn, quên ngủ, thậm chí quên cả vợ..
Cơ duyên đến với việc nghiên cứu tạo ra giống rươi của anh Hoàng Xuân Giang, cán bộ Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng khá táo bạo.
Xuất phát từ việc anh sinh ra và lớn lên tại vùng đất có rươi nhưng do rươi quá đắt nên không mấy người được ăn. Thấy giá trị lớn của món đặc sản này và muốn mang sản phẩm rươi phát triển rộng rãi, mọi người dân đều có thể thưởng thức.
Giang từng học chuyên ngành về thủy sản, đã học xong thạc sĩ, năm 2015, anh bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính sinh sản của loài rươi tại thôn 1, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Nhớ lại những ngày đầu, anh chia sẻ: “Mọi đối tượng vật nuôi đều có quá trình sinh trưởng, vòng đời. Người ta nói con rươi sinh sản đơn tính, 1 tính trạng tuy nhiên quá trình học tập, nghiên cứu tôi thấy con rươi có 2 màu rõ rệt, kết hợp với một số tài liệu, quá trình thực tế mình kiểm nghiệm thấy con rươi sinh sản hữu tính. Con rươi màu đỏ là đực, màu xanh là cái. Điều đó khẳng định con rươi sinh sản hữu tính, con rươi cũng như các loại sinh vật khác, cũng có quá trình sinh trưởng. Từ đó bắt đầu tập trung nghiên cứu…”.
Biết là vậy, tự tin là vậy, tuy nhiên, quá trình tìm tòi, học hỏi của anh Giang như đẽo cày giữa đường vì trên thực tế thời điểm đó, chưa nơi nào ương giống rươi thành công, mà có thành công cũng không ai chia sẻ.
Như vậy, cứ làm đến đâu học đến đó, điều này không chỉ tiêu tốn khoảng tiền lớn của gia đình mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng hằng ngày với nhiều lời ra tiếng vào của làng xóm, bạn bè, thậm chí người thân cũng không dám đặt niềm tin.
“Sau khi tôi biết được con rươi cũng như các loài sinh vật khác, cũng có quá trình sinh trường và sinh sản hữu tính, tôi đã lao vào nghiên cứu, quên ăn quên ngủ để tìm hiểu mọi kênh thông tin, kể cả tài liệu, sách nước ngoài… Tuy nhiên, không biết cách thức đẻ như thế nào để xác định con rươi thuộc dòng nào? Dù đã mày mò rất cụ thể nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân tại sao không tạo ra giống rươi được. Thất bại, rồi nhiều thứ dồn nén lúc đó tôi như con người khác, cứ nghĩ ra cái gì thì chạy ra bể rươi để xem nguyên nhân tại sao lại không thành công. Nhiều lúc 1-2h đêm chạy ra bể xem rươi, vợ tôi từng nghĩ tôi bị ma nhập” – anh Giang nhớ lại.
Cứ thế, khó khăn bủa vây khó khăn, cứ đeo bám người cán bộ khuyến nông này mấy năm trời, nhiều lúc tưởng như bao công sức đổ sông, đổ bể khi kết quả nghiên cứu, thủ nghiệm là con số không. Hết cách, anh Giang đọc thêm các tài liệu nước ngoài, thông qua các phầm mềm google dịch và các kênh thông tin khác để biết thêm thông tin.
Năm 2017, tín hiệu thành công đầu tiên xuất hiện, tại 1 bể ương giống rươi, qua kiểm tra, kết quả đã thấy 1 vài sinh vật chuyển động, có hình giống con rươi trong 1 cuốn tài liệu mà anh đã đọc.
“Lúc đó là tôi tìm 1 bể 10 khối nhưng chỉ thấy có mấy con, quá ít so với kỳ vọng tuy nhiên tôi đã mừng quýnh vì đã thành công bước đầu, việc còn lại là hoàn thiện về quy trình và làm ra được nhiều con giống hơn. Tôi mừng đến nỗi, cảm giác lúc đó đến vợ còn không thèm để ý đến nữa. Khi những cái tâm huyết bao nhiêu năm đã thành công, rất sướng. Tôi mời anh em bạn bè đi nhậu tưng bừng” – anh Giang bộc bạch.
Một con rươi tạo được 39.000 con giống
Sau khi có thành quả bước đầu, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm, cuối năm 2018, anh Giang bắt đầu thả giống thử nghiệm vào đầm nuôi rươi, vụ đó năng suất thu về từ 1 tạ tăng lên 1,9 tấn, rồi sau đó năng suất cứ thế tăng lên qua từng năm.
Con giống được sản xuất ra không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn được đem bán cho khách hàng có nhu cầu với giá 1 triệu đồng con giống cho 1 mẫu (10 sào). Cứ thế, đến nay, anh đã xây dựng được cơ sở sản xuất giống rươi theo quy định tại Nghị định 26 của Chính phủ, được Chi cục Thủy sản Hải Phòng đã xác nhận đủ điều kiện ương dưỡng thủy sản.
“Ngày đầu thì số lượng con giống tạo ra còn ít, giờ thì 1 con rươi có thể tạo ra 39.000 con giống với tỷ lệ đậu đạt 60%. Hiện tại tôi đã hoàn thiện và tạo thành 1 trại ương giống với quy mô 50 bể, mỗi bể 3 khối, mỗi năm làm được 5 lần ương giống, mỗi lần khoảng 2 tỷ con giống cung ứng cho thị trường" - anh cho biết.
Dẫn PV đi khắp đầm rươi rộng gần 20 mẫu của mình, cứ khoảng 30m, Giang lại lấy quốc đào xuống bề mặt đầm chi chít lỗ rồi khều những con rươi đang sắp đến thời kỳ thu hoạch như minh chứng để nói với chúng tôi PV về sự thành công trong việc nghiên cứu của anh. Việc anh đã làm ra được con giống rươi bằng phương pháp nhân tạo, nhờ có con giống được thả từ đầu mùa cho nên rươi ở đầm nhà anh mới nhiều như vậy…
"Mình làm bằng cả tiềm lực, công sức để nghiên cứu 3 năm trời nhưng chưa thành công nó rất khó chịu. Người tôi lúc đó nó bần, nó cùn… chỉ cần vợ nói 1 chút là mắng ngay. Cảm giác trong người bực dọc, tính cùn cằn. Người thân bảo sao ông cùn, hay cáu vậy. Từ khi thành công thì con người thanh thoát hẳn ra" - anh Giang nói.
Quả thật, cả đầm rươi rộng mênh mông, xuất hiện chi chít lỗ khác hẳn với những đầm rươi bên cạnh, mỗi nhát cuốc được nhấc lên đều thấy xuất hiện "lộc trời". Theo anh Giang, chỉ gần 1 tháng nữa là đầm rươi của anh thu hoạch, năm nay dự kiến đạt khoảng 70 tạ/sào, tăng so với nuôi tự nhiên trước đây từ 6-7 lần. Giá thị trường chỉ cần đạt 350.000đ/kg là có thể thu về từ 4-5 tỷ đồng.
Cần đánh giá thêm
Rươi thường được gọi là "lộc trời", là nguồn thu lớn cho người mỗi khi con nước về, có gia đình thu được cả tỷ đồng, tuy nhiên vài năm trở lại đây, rươi đã vắng bóng dần, khan hiếm khi nguồn nước đang bị ô nhiễm.
Do đó, việc tạo được giống rươi bằng phương pháp nhân tạo được xem như là bước ngoặt lịch sử không chỉ cho người dân mà còn cho cả ngành thủy sản. Bởi rươi không chỉ có giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao, tạo tiền đề cho việc mở rộng sản xuất, đồng thời là 1 trong những mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Về vấn đề này, theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng là 2 địa phương có diện tích đầm rươi nhiều nhất của thành phố, cơ sở của anh Hoàng Xuân Giang có sản xuất được con giống cho bà con nuôi, qua kiểm tra, về thì cơ bản ổn. Ở Hải Phòng, còn 1 cơ sở nữa ở Tiên Lãng đăng ký chương trình khoa học công nghệ. Tuy nhiên, vẫn phải theo dõi thêm.
“Chi cục Thủy sản đã xác nhận cơ sở của anh Giang đủ điều kiện để ương giống rươi, còn về hiệu quả, năm ngoái chúng tôi đánh giá thì năng suất đúng là có tăng lên gấp đôi, tuy nhiên mới chỉ ở mức thả thêm con giống vào chứ chưa phải là mô hình hoàn toàn là bãi mới. Năm nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi cơ sở sản xuất giống rươi của anh Giang và đang có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ để mô hình dược nhân rộng theo quy định” - ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thủy Sản Hải Phòng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.