Dân Việt

Ngân hàng “đua” giảm lãi suất cho vay: Doanh nghiệp vẫn “than ngắn, thở dài”

Huyền Anh 18/12/2020 11:49 GMT+7
Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng nhập cuộc "đua" giảm lãi suất cho vay và liên tục công bố các gói vay ưu đãi lãi suất thấp. Nhưng trên thực tế, vẫn có những doanh nghiệp “than ngắn, thở dài” vì lãi vay giảm chưa tương xứng với mức giảm sâu của lãi suất tiết kiệm.

Mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang dao động 4,8-6,5% một năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5-7,5%/năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng. Có thể nói, chưa bao giờ mặt bằng lãi suất cho vay lại hấp dẫn như hiện nay. 

Không những thế, trong những ngày gần đây, nhiều ngân hàng tiếp tục thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với nhiều đối tượng nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng cao điểm cuối năm.

Ngân hàng "đua" giảm lãi suất cho vay

Mới đây, Vietcombank tiếp tục giảm đồng loạt 1% lãi suất cho vay trong 3 tháng từ ngày 15/12/2020 đến tháng 3 năm sau cho tất cả doanh nghiệp đang có dư nợ và khách hàng vay mới. Đối với những dự án hiệu quả, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể chỉ ở mức 6% một năm.

Theo tính toán của Vietcombank, đợt giảm lãi suất lần thứ 5 của nhà băng này sẽ góp phần tác động đến khoảng 150.000 doanh nghiệp, giảm lãi khoảng 300 tỷ đồng, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên khoảng 3.700 tỷ đồng.

“Đua” giảm lãi suất cho vay: Vì sao vẫn có doanh nghiệp “than ngắn, thở dài”? - Ảnh 1.

Các ngân hàng nhập cuộc "đua" giảm lãi suất cho vay (Ảnh minh họa).

BIDV cũng vừa mở rộng quy mô gói vay ngắn hạn từ 70.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng dành cho khách hàng sản xuất kinh doanh. Theo đó, khách hàng sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc chỉ từ 5,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng (giảm 0,5%/năm đối với tất cả các kỳ hạn).

Ngay từ tháng 10, Agribank cũng đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng đến hết 30/6/2021. Ngân hàng này áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm với 5 lĩnh vực ưu tiên. Đây lần giảm lãi suất cho vay thứ 4 liên tiếp từ đầu năm. Và cũng là lần thứ 3 liên tiếp BIDV hạ lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn từ ngày 28/8 và 14/9.

Các ngân hàng thương mại khác cũng đang giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Như VIB, HDBank, VPBank, Sacombank… hiện cũng đã áp dụng cho vay kinh doanh và mua sắm cuối năm với mức lãi suất từ 5,99%-6,8%/năm.

Doanh nghiệp vẫn "than ngắn, thở dài"

Ngay sau công bố giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận luôn và ngay với lãi suất mới, thấp và rẻ hơn trước. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ vượt qua khó khăn, vững tâm kinh doanh.

"Ngân hàng Vietcombank đã chủ động liên hệ với doanh nghiệp của tôi để hỗ trợ giãn nợ, hạ lãi suất cho vay từ 8,5%/năm trước đây hiện còn 7%/năm", ông Nguyễn Thế Quang - Giám đốc công ty Gốm Quang, Bát Tràng, Hà Nội cho hay.

"Hiện tại lãi suất cho vay của doanh nghiệp đã giảm 1%. Đối với doanh nghiệp 1% đã là quý rồi vì quan trọng vẫn là vay được vốn, khi khó khăn được ngân hàng tạo điều kiện cho vay. Tuy nhiên với dư nợ cũ theo tôi biết thì không được giảm, doanh nghiệp cũng đã thanh toán hết khoản dư nợ cũ tại ngân hàng",  Tổng giám đốc Công ty CP XNK nông sản thực phẩm Việt Nam Trần Thị Thu Hằng chia sẻ.

“Đua” giảm lãi suất cho vay: Vì sao vẫn có doanh nghiệp “than ngắn, thở dài”? - Ảnh 3.

Vẫn còn doanh nghiệp "than thở" vì mức giảm lãi suất cho vay chưa được như kỳ vọng (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp vẫn "than" lãi suất cho vay không giảm hoặc giảm không tương xứng với mức giảm của lãi suất huy động. 

Đại diện một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, mặc dù lãi suất huy động giảm rất mạnh nhưng tính đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng chính sách giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng. Theo chia sẻ của vị này, doanh nghiệp ông đang vay với thời hạn 48 tháng, mức lãi suất thả nổi theo lãi suất thị trường, dao động từ 10,5% – 11%/năm.

"Chưa kể đến chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất, mà ngay cả theo cơ chế thị trường thì lẽ ra chúng tôi cũng đã phải được giảm lãi suất rồi. Hiện các doanh nghiệp thường vay với lãi suất thả nổi, tính theo lãi suất huy động cộng với biên độ. Như vậy, khi lãi suất huy động giảm 1% thì lãi suất cho vay cũng phải giảm tương ứng 1%. Thậm chí, theo tôi còn phải nhiều hơn vì thời gian vừa qua nghe nói các ngân hàng tìm nhiều cách để tiết giảm chi phí vốn để có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng đến nay, lãi suất huy động đã giảm rất sâu, còn lãi suất chúng tôi vay thả nổi không hạ được chút nào" – vị này nhấn mạnh.

Giám đốc doanh nghiệp Xuất nhập khẩu có trụ sở tại TP.HCM cũng thừa nhận: "Hiện doanh nghiệp đang vay với lãi suất 8,5%/năm. So với trước đây, lãi suất cho vay dù có giảm nhưng chẳng được mấy".

Trong một báo cáo vừa phát hành mới đây của FiinGroup cũng đã chỉ ra rằng, biên lãi ròng (NIM) quý III của nhóm ngân hàng niêm yết đã tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý II liền trước, lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018 - giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng. 

Đáng chú ý, để có được mức NIM cao như trên, các ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cho vay bình quân ở mức cao trong khi lãi suất huy động đầu vào giảm liên tục qua từng tháng. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ Vietcapital Bank) tăng lên 9,2% từ mức 9% trong quý II.

"Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so với quý II/2020 trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%. Điều này cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua" - báo cáo Fiin Group đánh giá.