Dân Việt

Kon Tum: Thả cá lồng bè trên hồ thuỷ điện, mấy tháng đã có cá to bán, mỗi lồng lãi 30 triệu

L.K 27/12/2020 12:00 GMT+7
Với tiềm năng diện tích mặt nước lớn, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã triển khai mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương.

Lợi nhuận 30 triệu đồng/lồng

Theo đánh giá của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III: Tỉnh Kon Tum có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, khai thác nguồn thủy sản tự nhiên lớn với hơn 20.000ha diện tích mặt nước. 

Hiện tại, tổng diện tích ao nuôi hồ nhỏ trên địa bàn 710ha, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn là 557ha. Nhìn chung, tỉnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh địa phương.

Nắm bắt lợi thế về diện tích mặt nước, huyện Sa Thầy là một trong những huyện đi đầu xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản giúp dân phát triển kinh tế. Từ năm 2012, huyện đã xây dựng thành công đề án nuôi cá lồng nước tại xã Hơ Moong, mang lại thu nhập cao cho người dân. Nối tiếp thành công đó, huyện tiếp tục mở rộng xây dựng các mô hình nuôi cá chuyên sâu hơn.

Kon Tum khai thác tiềm năng nuôi cá lồng bè - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia ly, huyện Sa Thầy. Ảnh: L.K

Theo bà Tạ Thị Diệu – Phó phòng NNPTNT huyện Sa Thầy, định hướng của địa phương là phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm nuôi trồng thủy sản chất lượng, an toàn, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Trong tương lai sẽ hình thành nghề nuôi cá lồng có sản lượng lớn quy mô hàng hóa, ổn định, bền vững.

Từ tháng 6/2020, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung được giao chủ trì thực hiện "Dự án phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sa Thầy". 

Theo đó, người dân tham gia dự án sẽ được chuyển giao công nghệ, dự lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá, hỗ trợ lồng bè, con giống chất lượng và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Tại khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly (ở làng Chờ, xã Ya Ly), 2 mô hình phù hợp được lựa chọn là nuôi cá lóc và cá thát lát cườm. Tại đây, cá có tốc độ phát triển rất nhanh, riêng cá lóc sau 5 tháng đạt trung bình 0,6kg/con.

Bà Tạ Thị Diệu - Phó phòng NNPTNT huyện Sa Thầy cho biết, diện tích mặt nước của địa phương rất lớn với hơn 500ha tại 2 hồ thủy điện lớn là Ia Ly và Plei Krông. Dự án này nhằm hỗ trợ người dân phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

"Nếu người dân thực hiện tốt các khâu kỹ thuật theo đúng quy trình, giá cá không bấp bênh thì có thể thu lãi 30 triệu đồng/lồng/vụ. Sau mô hình, người dân có thể tự liên kết với doanh nghiệp nuôi thủy sản để mua con giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm" - bà Diệu nói.

Nhân rộng mô hình cá lồng

Kỹ sư Lê Văn Diệu - Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung cho biết: "Sa Thầy là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên lâu nay vẫn chưa phát huy hết lợi thế tự nhiên mang lại. Sau dự án này, mô hình sẽ được nhân rộng một cách bài bản, hỗ trợ và tạo thêm sinh kế, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu".

Theo kỹ sư Diệu, Trung tâm đã tổ chức hội thảo, tập huấn cho người dân tại xã Ya Ly và bà con tiếp thu rất nhanh, tuân thủ quy trình kỹ thuật. Lợi thế nhất ở đây mà nhiều nơi khác không có là lượng thức ăn (cá nhỏ) trên lòng hồ rất lớn. Nuôi cá chi phí lớn nhất nằm ở thức ăn, nếu tận dụng tốt thì giảm được chi phí, lãi nhiều. Dự án sẽ hỗ trợ bà con sử dụng ít thức ăn công nghiệp, chỉ dùng lúc khan hiếm thức ăn.

Nông dân Võ Đình Sơn (xã Ya Ly) chia sẻ: "Tôi thấy mô hình này rất hiệu quả, mới nuôi mấy tháng cá lớn rất nhanh so với các đợt trước. Trong dự án này, tôi nuôi cá lóc và cá thát lát, nếu giá không thay đổi thì lợi nhuận lãi ròng ít nhất 8.000-10.000 đồng/kg. Dự kiến đợt này tôi nuôi 6 lồng, thu 18 tấn".

Khuyến cáo với người dân, kỹ sư Diệu nói: "Nuôi cá lồng bè, quan trọng nhất là tận tâm, nhiệt huyết và yêu nghề, kết hợp chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả cao".