Đồng Nai: Tiên phong nhân giống mãng cầu dai "khổng lồ"
Đồng Nai: Đi đầu nhân giống mãng cầu dai "khổng lồ" trên đất sỏi cơm, khách đến đặt mua ầm ầm
Thứ bảy, ngày 26/12/2020 18:41 PM (GMT+7)
Là người tiên phong nhân giống và xây dựng thương hiệu mãng cầu dai 'khổng lồ' ở Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Kim Mai đang độc quyền cung cấp loại cây giống đặc sản này...
Chúng tôi tìm đến trang trại rộng gần 40 ha của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Mai, ở ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán (Đồng Nai) hiện đang trồng nhiều giống trái cây đặc sản như mãng cầu dai hạt lép, xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc, vú sữa Hoàng Kim... theo quy trình an toàn để xây dựng thương hiệu sạch cho đặc sản trái cây.
Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng nhiều loại trái cây ngon, chất lượng và an toàn, những năm gần đây bà Mai, đã không ngừng tìm tòi các giống cây mới để sản xuất theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân học làm theo phát triển kinh tế vườn.
Dẫn chúng tôi vào tham quan vườn cây, bà Mai kể: Năm 2011, trong một lần lên Lạng Sơn thăm người nhà, bà bắt gặp một cây mãng cầu (na) lai mãng cầu rừng cho quả to gấp ba lần bình thường, hạt ít và lép. Khi ăn thử thấy chất lượng trái rất ngon, thơm, có vị ngọt thanh rất khác biệt so với giống mãng cầu thường, bà mạnh dạn đặt vấn đề với chủ vườn mua cây này với giá 8 triệu đồng để về nhân giống.
Lúc đầu, bà Mai tìm mua 10 kg hạt mãng cầu Thái về tự ươm cây con nhưng thất bại vì chưa có kinh nghiệm. Không nản, bà tiếp tục đặt mua 10.000 cây mãng cầu giống, rồi thuê người ghép đọt của cây mãng cầu hạt lép vào. Tiền mua giống và thuê nhân công tốn gần 100 triệu, nhưng thu về chỉ 120 cây ghép thành công.
Dù đã có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với cây mít, sầu riêng... nhưng khi chăm sóc giống mãng cầu mới, bà vẫn không tiếc thời gian “tầm sư học đạo” ở nhiều trang trại quanh vùng, thậm chí bà bay sang tận Thái Lan để học hỏi thêm họ trồng mãng cầu sạch thế nào.
Khi trở về, bà Mai sử dụng phân chuồng hoai mục và phân vi sinh làm thức ăn cho cây theo đúng kỹ thuật của người Thái chia sẻ. Trong vườn không dùng thuốc trừ cỏ mà dùng máy cắt cỏ theo định kỳ hàng tháng để giữ cho vườn sạch mùi phân thuốc. Nguồn nước tưới vườn, bà cho khoan giếng và sử dụng hệ thống tưới tự động tiết kiệm.
Theo bà Mai, kẻ thù của mãng cầu là rệp sáp nên bà dùng thuốc sinh học phun từ 2 đến 3 lượt khi vào giai đoạn quả non rồi dùng bao trái tới khi thu hoạch.
“Giống mãng cầu hạt lép này có nhiều ưu điểm và cây có sức đề kháng cao, sinh trưởng tốt, chỉ 18 tháng đã đơm hoa. Mỗi cây trung bình cho hơn 200 quả/vụ nên tôi phải tỉa bớt đi phân nửa để cây đủ dinh dưỡng nuôi quả lớn.
Nhờ vậy số trái mãng cầu đạt loại một tăng, trái bóng đẹp, ít hạt và hạt nhỏ, thịt dai ngọt, mùi thơm hấp dẫn”, bà Mai tâm sự.
Cây đến ngày thu hoạch quả, bà lại phải tìm cách lo đầu ra cho mãng cầu. Mới đầu bà đem trái tới các chợ đầu mối và cửa hàng thực phẩm sạch ở Đồng Nai và TP.HCM để chào bán; đồng thời thuyết phục từng chủ cửa hàng nhận bán hàng ký gửi và nhờ treo tấm biển "Mãng cầu hạt lép Kim Mai an toàn, không dùng thuốc hóa học, dùng túi bọc quả từ nhỏ".
Hơn nữa, bà Mai công khai luôn địa chỉ, số điện thoại để khách hàng nào có nhu cầu cũng có thể liên hệ, thăm vườn và tự kiểm chứng.
Nhờ cách rao thiện tình đó và cho mọi người ăn thử thấy chất lượng trái thơm ngon, lượng khách hàng nhiều nơi kéo đến đặt mua ngày càng tăng. Giá mãng cầu loại 1 có lúc lên tới 200.000 đồng/kg, còn bình quân loại 2 cũng được 120.000 đồng/kg. Đến nay diện tích trồng mãng cầu hạt lép được bà mở rộng dần lên 6 ha. Mỗi năm, cây cho hai vụ thu hoạch. Ngoài bán trái, bà còn cung cấp cây giống cho khách cả nước với giá 35.000 đồng một cây con.
LIÊN KẾT CÁC NHÀ VƯỜN
Gần 30 năm trước, bà Mai là người tiên phong tại huyện Định Quán đưa cây xoài cát Hòa Lộc về trồng trên vùng đất sỏi cơm. Hợp thổ nhưỡng nên cây cho nhiều trái, với diện tích trên 10 ha, mỗi năm sản lượng đạt gần 150 tấn trái. Sau thành công lớn từ loại xoài vốn rất khó trồng đó, những năm gần đây, bà Mai lại tiếp tục đem giống mới là mãng cầu hạt lép về trồng và phát triển cùng với các giống cây ăn trái khác trong vườn theo hướng an toàn.
Bà Mai chia sẻ: “Tôi phải đi trước một bước, tức là mình phải tìm được giống mới, giống ngon thì sản phẩm của mình làm ra mới có giá trị. Tôi hi vọng trái cây sạch sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Riêng cây mãng cầu hạt lép thì tôi đang xây dựng từ một cây giống, một quy trình để ra sản phẩm đồng nhất có khả năng xuất khẩu được”.
Theo bà Mai, tới đây bà sẽ tìm thêm giống mới khác để thay thế diện tích xoài thái hiện đã giảm, già cỗi, dần kém năng suất. Đồng thời, bà cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng các loại cây cho những ai tới học hỏi.
Sau nhiều năm kiên trì sản xuất theo chuẩn xuất khẩu, trái cây sạch, bà Mai bắt đầu thành lập HTX và tổ chức liên kết với các hộ nông dân trồng vườn. Đồng thời, xây dựng thương hiệu trái cây an toàn và đã có kênh tiêu thụ khá ổn định là hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch tại các thành phố lớn trên cả nước.
Đến nay, bà Mai đang mở rộng triển khai chương trình liên kết với nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để xây dựng vùng nguyên liệu trái xoài cát Hòa Lộc cho thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật trồng xoài theo hướng sinh học, nhất là kỹ thuật bao trái và xử lý cho trái nghịch vụ đến những nông dân tham gia chuỗi liên kết.
Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Ngọc, huyện Định Quán Dương Hữu Nhạc cho biết: Từ mô hình trồng mãng cầu na hạt lép của hộ bà Mai, Hội nông dân xã triển khai nhân giống cho bà con cùng trồng và phát triển. Kể cả giống vú sữa Hoàng Kim được bà Mai nhập từ Úc về đã trồng theo hướng an toàn cho nhiều trái, da đẹp, ít sâu bệnh. Hiện loại trái cây này đã có mặt tại các siêu thị trên toàn quốc”.
Theo ông Nhạc, nhiều siêu thị về địa phương đặt vấn đề đưa sản phẩm mãng cầu dai vào tiêu thụ, đồng thời các đối tác cũng đặt bao tiêu trái mãng cầu và xoài cát Hòa Lộc để xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiện xã khuyến khích nông dân cùng liên kết với hộ bà mai để đầu tư vào loại mãng cầu này vì tiềm năng thị trường còn rất lớn.
“Điều quan trọng nhất là nông dân mình cần phải thay đổi tư duy sản xuất, đừng chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, mà phải nghĩ là trái cây mình trồng ra và yên tâm ăn thì mới bán cho mọi người ăn. Nông dân ngày nay phải biết theo dõi, nắm bắt được nhu cầu thị trường để kiên định với hướng đầu tư của mình chứ không phải thấy người khác trồng gì thì chạy theo trồng cái nấy”, bà Mai chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.