Dân Việt

“Nữ hoàng quả khô” mắc ca - hành trình hơn 20 năm trở thành nông sản tỷ đô

Quốc Hải 28/12/2020 18:16 GMT+7
Cây mắc ca đã có “hành trình” hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam, nhưng 5 năm gần đây là giai đoạn quan trọng nhất, là nền tảng cơ sở vững chắc để Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các cơ quan chức năng đưa “nữ hoàng quả khô” cất cánh trở thành nông sản “tỷ đô” trong giai đoạn sắp tới…

Nhu cầu về nhân hạt mắc ca trên thế giới đang gia tăng hàng năm và giá hạt mắc ca đang vào khoảng 6 đôla Australia, tương đương khoảng 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, chi phí sản xuất ra 1kg hạt mắc ca là dưới 25.000 đồng/kg. Vì thế, tiềm năng của ngành hàng mắc ca Việt Nam là rất lớn.

5 năm đặt nền móng…

Dù có quãng thời gian hơn 20 năm gắn bó với ngành nông nghiệp Việt, nhưng ngành hàng mắc ca thực sự "trở mình" chỉ từ vài năm gần đây, đó là khi Thủ tướng Chính phủ chính thức giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp các địa phương, nhà khoa học tiếp tục đánh giá hiệu quả sản xuất của cây mắc ca để có các giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả, bền vững (tháng 8/2016).

“Nữ hoàng quả khô” mắc ca - hành trình trở thành nông sản tỷ đô - Ảnh 1.

Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tham quan vườn trồng cây mắc ca tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: H.H

"Không chỉ mang hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu, mắc ca còn là cây lâm nghiệp có thể giải quyết nhiều vấn đề môi trường, phủ xanh đất trống đồi trọc; giúp củng cố an ninh - quốc phòng vùng đồi núi biên giới…".

Nguồn: Báo cáo của Bộ NNPTNT

Từ những khảo sát, đánh giá thực địa nghiêm túc và khoa học, tháng 11/2018, Bộ NNPTNT chính thức công nhận mắc ca là 1 trong 20 loài cây trồng lâm nghiệp chính của Việt Nam. Đây chính là cơ sở pháp lý rất quan trọng và là tiền đề để phát triển ngành hàng mắc ca.

"Không chỉ mang hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu, mắc ca còn là cây lâm nghiệp có thể giải quyết nhiều vấn đề môi trường, phủ xanh đất trống đồi trọc; giúp củng cố an ninh - quốc phòng vùng đồi núi biên giới…" - báo cáo của Bộ NNPTNT đã khái quát những thế mạnh của cây mắc ca, cũng là cơ sở để Bộ này công nhận đây là cây lâm nghiệp chính thức của Việt Nam.

Ông Huỳnh Ngọc Huy -Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam chia sẻ, nhờ được định danh chính thức, cây mắc ca vì thế đã có được 5 năm đặt nền móng vững chắc. Hiện, công suất sản xuất giống mắc ca đã đạt khoảng 2,5 triệu cây giống chuẩn và có thể tăng lên ngay khi cần thiết.

"5 năm qua, Hiệp hội và các cơ quan chức năng đã tiến hành hơn 60 cuộc hội nghị tập huấn cho 23 tỉnh với khoảng 9.000 lượt hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia cập nhật các kiến thức về trồng, chế biến mắc ca. Nhưng hơn hết, thành quả trong 5 năm đặt nền móng là lãnh đạo và người dân của nhiều địa phương đã thấy hiệu quả của cây mắc ca và đặt niềm tin vào loại cây này" - ông Huy cho hay.

“Nữ hoàng quả khô” mắc ca - hành trình trở thành nông sản tỷ đô - Ảnh 3.

Một nông dân trồng mắc ca tại tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: H.H

Không chỉ đặt nền móng cho niềm tin của người nông dân, doanh nghiệp vào loại cây trồng này, với sự vào cuộc tích cực của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank) đã triển khai mô hình cho vay và quản lý dòng vốn với ngành hàng mắc ca.

Cụ thể, LienvietPostBank đã tung ra gói tín dụng riêng đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh mắc ca. Đến nay, ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh mắc ca với tổng giá trị dư nợ hơn 500 tỷ đồng. Nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh đã thu lợi rất tốt nhờ trồng mắc ca, cho thấy phát triển mắc ca có thể giúp các hộ nông dân trở nên giàu có.

Hiện tại, cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với hơn 10.000 hộ trồng, tổng diện tích 16.554ha. Năng suất bình quân đạt 3 tấn hạt tươi/ha; sản lượng ước đạt đạt khoảng 6.570 tấn hạt tươi/năm. Giá bán hạt mắc ca tại vườn khoảng từ 70.000 - 90.000 đồng/kg hạt tươi. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng phát triển ít nhất 200.000ha và đạt sản lượng khoảng 600.000 tấn hạt mắc ca nguyên vỏ.

Sẵn sàng "cất cánh"

Thống kê của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho thấy, nhu cầu về nhân hạt mắc ca trên thế giới đang gia tăng hàng năm và giá hạt mắc ca trên thị trường thế giới trong 10 năm qua liên tục tăng. Tuy vậy, sản lượng mắc ca mới chỉ chiếm 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt khô trên thế giới, điều này cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường cho hạt mắc ca còn rất lớn.

Tính riêng tại Việt Nam, thời gian qua diện tích mắc ca đã trồng khoảng 16.554ha, trong đó một số diện tích trồng đã cho thu quả. 

Theo số liệu của các doanh nghiệp, có khoảng 500 tấn hạt mắc ca dùng để sản xuất bộ sữa hạt, dầu gội, dầu xả; 2.150 tấn sản phẩm hạt sấy (có vỏ), chiếm gần 60% được xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc; còn khoảng 1.460 tấn sản phẩm hạt sấy (có vỏ), chiếm 40% được tiêu thụ làm thức ăn, chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội.

Dự báo từ năm 2020 trở đi, khi sản lượng quả tăng lên do diện tích cho quả tăng, nhu cầu hạt sản xuất các sản phẩm mắc ca tham gia vào thị trường thế giới, giá sản phẩm mắc ca ở trong nước sẽ vận hành theo giá thị trường thế giới. 

Khi đó, dự báo của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam thì giá bán hạt khô thương mại (giá sau khi đã sơ chế, đạt độ ẩm theo quy định là 2-3%) biến động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, mức giá này khiến người trồng mắc ca có hiệu quả cao hơn so với trồng cà phê, chè, cao su...

Ông Lê Ngọc Trường - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho hay: "Mục tiêu chiến lược của ngành hàng mắc ca đến năm 2025 đạt diện tích 50.000ha và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ vượt 100.000ha trồng mắc ca; năng suất đạt mục tiêu 85.700 tấn hạt khô/năm đến năm 2025 và đạt 163.500 tấn hạt khô/năm vào năm 2030. Doanh thu ngành hàng mắc ca vì thế cũng ước sẽ đạt khoảng 300 triệu USD vào năm 2025 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2030".

Tất nhiên, để đạt được các mục tiêu này, vẫn còn rất nhiều vấn đề về cơ chế vốn, đất đai… rất cần được các ban ngành cùng nhau tháo gỡ. 

Ông Huỳnh Ngọc Huy - Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho hay, thời gian qua, LienvietPostBank đã và đang cung cấp vốn để các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, cung cấp vốn lưu động để thu mua hạt mắc ca nhằm mục đích bình ổn giá, tiêu thụ hết lượng mắc ca cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất ra… 

Tuy nhiên, hiện quy mô thị trường còn nhỏ thì LienvietPostBank có thể bình ổn được, nhưng sau 5 đến 10 năm nữa, khi quy mô thị trường lớn hơn, sẽ cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống ngân hàng...