Dân Việt

Năm 2021: Sẽ xây dựng phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã

Khánh Nguyên 27/12/2020 16:20 GMT+7
Xây dựng phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã là mục tiêu Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đặt ra trong năm 2021. Ngoài ra, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của doanh nghiệp.

Thực thi CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) là lĩnh vực có sự tham gia thực hiện của nhiều ngành, nhiều cấp và liên quan đến ràng buộc pháp lý ở cấp độ quốc tế.

 Để thực thi CITES, 183 quốc gia thành viên đều xây dựng hệ thống tổ chức, trình tự, thủ tục giải quyết các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, nhập nội từ biển, tái xuất khẩu, quá cảnh mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã khá tương đồng.

Quản lý thực vật, động vật hoang dã nói chung và thực thi CITES nói riêng đòi hỏi vừa chặt chẽ, vừa minh bạch nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không làm đe doạ đến sự sinh tồn của loài trong tự nhiên.

 Việc thực thi CITES đòi hỏi nhiều hoạt động quản lý, từ kiểm soát khai thác, nuôi trồng, buôn bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, xuất - nhập khẩu động vật hoang dã và có tác động lớn đến nhiều đối tượng.

Thống kê giai đoạn 2018-2020 cho thấy cả nước có trên 17 nghìn cơ sở nuôi, trồng động vật hoang dã và trên 400 tổ chức, cá nhân tham gia xuất, nhập khẩu mẫu vật các loài này.

Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, trong bình mỗi năm Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tiếp nhận trên 3.000 bộ hồ sơ cấp phép, xử lý và cấp từ 6.000 - 8.000 giấy phép CITES các loại cho các tổ chức, cá nhân tham gia xuất, nhập khẩu thực vật, động vật thuộc Phụ lục CITES. Vì vậy thực hiện cải cách  hành chính trong lĩnh vực thực thi CITES là cấp thiết.

Năm 2021: Sẽ xây dựng phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm bảo tồn rùa Vườn Quốc gia Cúc Phương thực hiện công tác cứu hộ rùa (nguồn ATP-IMC).

Để thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực thực thi CITES, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp) đã tích cực tham mưu để cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực thực thi CITES.

Cụ thể, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã tham mưu xây dựng Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 21/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi CITES. 

So với Nghị định 82/2006/NĐ-CP và Nghị định 32/2006/NĐ-CP trước đây, Nghị định bãi bỏ 05 thủ tục hành chính (02 thủ tục hành chính cấp Trung ương, 03 thủ tục hành chính cấp huyện), thay thế 07 thủ tục hành chính hiện hành và không có thủ tục hành chính bổ sung mới.

Ngoài ra, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ trong thực thi CITES.

Hoạt động này được xây dựng dựa trên việc xây dựng và thực hiện các quy chế hợp tác cũng như sự tin tưởng giữa các cơ quan trong lĩnh vực thực thi CITES trong đó có Quy chế chia sẻ thông tin của Ban chỉ đạo liên ngành thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, qua đó việc trao đổi nghiệp vụ giữa Cơ quan quản lý CITES và các Cơ quan thừa hành pháp luật diễn ra nhanh chóng, không phải thực hiện qua các văn bản hành chính hoặc hành chính hoá các trao đổi thông thường.

Trong quá trình tham mưu, Cơ quan quản lý CITES đã không tham mưu các văn bản làm phát sinh các thủ tục hành chính. 

Các văn bản pháp luật được xây dựng trên cơ sở quan điểm tổ chức, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các hoạt động từ khai thác, nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, kinh doanh đến xuất, nhập khẩu mẫu vật động vật, thực vật hoang dã.

Tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực CITES đều được công bố công khai bằng Quyết định của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thủ tục, trình tự được công bố trên website của Tổng cục Lâm nghiệp và tại bộ phận một cửa. Ngoài ra còn được phổ biến qua các lớp tập huấn, đối thoại với doanh nghiệp, cá nhân.

Việc thực hiện cấp các thủ tục hành chính luôn được sự quan tâm, giám sát của Tổng cục Lâm nghiệp thông qua việc giải quyết khiếu lại tố cáo và kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng.

Quá trình thực hiện cấp các thủ tục liên quan đến CITES còn thực hiện thông qua phiếu hẹn trả kết quả và hòm thư phản ảnh của tổ chức, cá nhân về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

"So với giai đoạn trước năm 2019, thời gian trung bình xử lý các hồ sơ đã giảm từ 10 ngày làm việc xuống 5 ngày làm việc trên một bộ hồ sơ đầy đủ pháp lý" - đại diện Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thông tin.

Hiện nay, việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về CITES đều qua hệ thống hải quan một cửa quốc gia được Bộ NNPTNT triển khai từ tháng 11/2015. Các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu mẫu vật động vật, thực vật hoang dã đã thực hiện khai báo, nộp hồ sơ qua hệ thống một cửa. Hoạt động này tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, gửi hồ sơ đến 50% so với cách truyền thống.

 Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai đến năm tháng 6/2020 đã có 33/125  doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ qua hệ thống một cửa quốc gia (chiếm 26,4%). Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã tiếp nhận 761 hồ sơ, cấp 1.188 giấy phép qua hệ thống một cửa quốc gia.

Cải cách hành chính là nhiệm vụ ưu tiên của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam quan điểm cải cách được quán triệt trong chi bộ, chính quyền và công đoàn. Tư tưởng cửa quyền, nhũng nhiễu được loại bỏ thông qua việc minh bạch hoá các thủ tục cũng như quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng quy định của pháp luật về công chức, công vụ.

Bên cạnh đó Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cũng nghiên cứu, áp dụng công nghệ, trình tự, thủ tục giải quyết các thủ tục của các quốc gia tiến bộ trên thế giởi như Singapore, Trung Quốc, Thuỵ Sỹ để tiến tới tham mưu trong cấp phép CITES điện tử.

Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành quy chế làm việc, trong đó phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo và từng công chức, thực hiện luân chuyển nội bộ cán bộ thực hiện xử lý cấp phép CITES.

 Tuy vậy, theo Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, khiến việc xử lý các thủ tục hành chính còn chưa rõ ràng về cấp thẩm quyền; hệ thống nền tảng công nghệ thông tin, đặc biệt Hệ thống Hải quan một cửa hoạt động đôi lúc thiếu ổn định, xảy ra một số lỗi kỹ thuật, chưa thuận tiện với những cá nhân thực hiện ít các thủ tục hành chính. 

Trong thời gian tới, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tham mưu bổ sung, sửa đổi Nghị định 06 để bảo đảm minh bạch các điều kiện đầu tư, kinh doanh và đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong cấp phép. 

Xây dựng hệ thống phần mềm cấp phép điện tử trên cơ sở phối hợp với Ban thư ký CITES và các quốc gia thành viên, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2021. 

Ngoài ra, cũng trong năm 2021, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam dự kiến phối hợp với Tổ chức Nông nghiệp, Lương thực Liên Hợp quốc (FAO) xây dựng hệ thống phần mềm quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã từ địa phương đến Trung ương.