Dân Việt

Chiến thắng "giặc" Covid-19 là sự kiện y tế ấn tượng, nổi bật nhất năm 2020

Diệu Linh (tổng hợp) 29/12/2020 15:31 GMT+7
Ngành y tế Việt Nam đã trải qua năm 2020 đã qua với nhiều dấu ấn nổi bật, ấn tượng đối với người dân trong nước và cả bạn bè quốc tế. Trong đó, chiến thắng "giặc" Covid-19 là dấu ấn chưa từng có và không thể quên.

Dưới đây là 5 sự kiện y tế nổi bật, ấn tượng nhất năm 2020, trong đó khống chế thành công dịch Covid-19 là sự kiện nổi bật nhất. 

1.Chiến thắng "giặc" Covid-19

Việt Nam là một trong những nước được thế giới đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Thế giới tính đến hết ngày 26/12 có hơn 80,4 triệu ca Covid-19, gần 1,8 ca tử vong trên 217 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam khống chế được dịch Covid-19 với 1.440 ca mắc, 35 ca tử vong. 

Trong khi nhiều nước trên thế giới liên tục phải chống chọi với dịch Covid-19 hoành hành thì Việt Nam chỉ có 2 đợt dịch Covid-19 lớn vào tháng 3 và tháng 7. Hai đợt dịch này cũng được nhanh chóng được chặn đứng bởi "chiến lược" phòng chống dịch vô cùng hiệu quả và cách "đánh trận" chỉ có ở Việt Nam": Ngăn chặn, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Chiến thắng "giặc" Covid-19 là sự kiện y tế ấn tượng, nổi bật nhất năm 2020 - Ảnh 1.

Những giờ phút cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng căng thẳng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: "Chống dịch như chống giặc" giống như một lời hiệu triệu kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch Covid-9 một cách nghiêm túc túc, cẩn trọng nhất, nâng cao cảnh giác với "giặc" Covid-19 đến từ tứ phía, từ dưới đất đến trên trời. Phải khẳng định rằng chỉ có ở Việt Nam mới có thể nhanh chóng kêu gọi sự vào cuộc quyết liệt chống dịch của toàn hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch.

Bên cạnh đó chúng ta cũng đã nhanh chóng sản xuất được test kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2, nâng cao năng lực cho hàng chục phòng xét nghiệm. Công nghệ số đã vào cuộc giúp cho việc truy vết nhanh, nhắc nhở người dân phòng dịch hiệu quả... Vắc xin ngừa Covid-19 made in Việt Nam cũng đang được thử nghiệm lâm sàng và cho những dấu hiệu tốt đẹp.

Sức mạnh "toàn dân" đã giúp Việt Nam khống chế dược dịch Covid-19 và là một trong số ít nước trên thế giới có thể sống trong trạng thái "bình thường mới", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

2. Ghép tạng đạt nhiều kỷ lục mới

Trong năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có kỷ lục là thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng gồm ba ca ghép tim, bốn ca ghép gan, 16 ca ghép thận hồi đầu tháng 9. Các tạng hiến từ cả người chết não và người sống. Sau ghép, sức khỏe các bệnh nhân đều tiến triển tốt, ổn định. Để có kỷ lục về ghép tạng này, hơn 400 y bác sĩ làm việc xuyên tuần.

Chiến thắng "giặc" Covid-19 là sự kiện y tế ấn tượng, nổi bật nhất năm 2020 - Ảnh 3.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép thành công bàn tay từ người hiến sống

Đây cũng là lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch và lồng ngực của bệnh viện ghép tim cho hai bệnh nhân trong hai ngày liên tiếp.

Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công ca ghép bàn tay từ người hiến sống. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng là ca ghép đầu tiên trên thế giới được nhận chi hiến từ người cho sống.

3. Khám chữa bệnh từ xa

Đề án Khám, chữa bệnh từ xa ban hành ngày 22/6 đã giúp các cơ sở y tế tuyến dưới và người dân vùng sâu vùng xa có được cơ hội mới trong khám chữa bệnh. Người dân "ngồi ở nhà", ngồi ở bệnh viện "quê" vẫn có thể được các bác sĩ tuyến trung ương khám bệnh chữa bệnh. 

Chiến thắng "giặc" Covid-19 là sự kiện y tế ấn tượng, nổi bật nhất năm 2020 - Ảnh 4.

Người dân có thể ở trạm y tế xã mà vẫn được các chuyên gia y tế giỏi tuyến trên khám và điều trị.

Y tế tuyến dưới có cơ hội được y tế tuyến trên "cầm tay chỉ việc" thường xuyên hơn, có thể nhanh chóng nhờ tư vấn, hỗ trợ những ca bệnh khó thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, hệ thống Telehealth giúp điều trị hiệu quả bệnh nhân mà vẫn đảm bảo giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19; giảm chi phí đi lại, giảm quá tải tuyến trên, tăng năng lực tuyến dưới.

Đến cuối tháng 12 đã có gần 1.400 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước được kết nối hệ thống Telehealth.

Ngày 27/12, Bộ Y tế cũng tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số Y tế quốc gia, đánh dấu sự chuyển mình của ngành y tế trong khám chữa bệnh.

 4. Mổ tách thành công cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi

Khoảng 14 giờ 7 phút chiều 15-7, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã tách rời thành công hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi. Trước đó, khoảng 12 giờ 30 phút, ê-kíp chỉnh hình chuẩn bị thay ê-kíp phẫu thuật niệu. Đội ngũ y, bác sĩ bước vào phần quan trọng tiếp theo là tách phần xương, tiến hành tách rời hai bé và chuyển hai phòng mổ khác với hai ê-kíp đang chuẩn bị.

Chiến thắng "giặc" Covid-19 là sự kiện y tế ấn tượng, nổi bật nhất năm 2020 - Ảnh 5.

Hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh và đang tập để có thể tự tin bước đi trên đôi chân của riêng mình

Đến 14 giờ 7 phút, hai bé được tách rời thành công. Sinh hiệu hai bé hoàn toàn ổn định đến thời điểm này. Hai bé được chuyển sang phòng phẫu thuật khác để tiếp tục chỉnh, tạo hình các cơ quan. Các bác sĩ đang tiến hành chỉnh lại khung chậu, chỉnh hình cho hai bé, đã truyền một đơn vị máu.

Toàn bộ gần 100 nhân viên bao gồm hơn 60 y, bác sĩ điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tham gia vào cuộc phẫu thuật.

GS.BS Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2 và ca mổ chia sẻ: "Tôi rất vinh dự vì 32 năm trước tôi đã tiến hành ca mổ dính bụng chậu cho Việt - Đức có 3 chân, bây giờ tôi lại được tham gia ca mổ cũng dính bụng chậu nhưng có 4 chân. Đây là một loại song sinh dính liền hiếm gặp trên thế giới, việc tách rời thành công hai bé thật sự không hề dễ dàng”.

5. Tái xuất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Năm 2020, miền Trung phải oằn mình chống bão lũ ồ ạt, để lại sau đó rất nhiều mất mát về người và của. Không những thế, nhiều bệnh dịch phát sinh trong thời gian mưa lũ, trong đó có cả bệnh Whitmore - căn bệnh được mệnh danh là “bệnh ăn thịt người”. Với hàng chục người nhập viện vì bị bệnh whitmore với ít nhất 4 người tử vong tại Quảng Trị. Đây là bệnh đã gần như "biến mất" nhưng nay lại trỗi dậy. 

Theo ghi nhận từ BV Bạch Mai, trong vòng 10 năm về trước, BV chỉ tiếp nhận khoảng 20 ca Whitmore nhưng hai năm gần đây lại tiếp nhận liên tục. Các ca bệnh hầu hết đến BV muộn nên việc cứu chữa rất khó khăn, thậm chí bệnh nhân tử vong. 

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore thường ở trong đất, nước bẩn, xâm nhập qua các vết lở loét trên tay chân. Do đó, những người dân ở các vùng lũ, vùng khó khăn cần phải cảnh giác. 

Chiến thắng "giặc" Covid-19 là sự kiện y tế ấn tượng, nổi bật nhất năm 2020 - Ảnh 6.

Gần 200 ca bạch hầu đã khiến Bộ Y tế phải phát động Chiến dịch tiêm phòng bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên

Bạch hầu âm thầm tấn công nhiều trẻ em ở Tây Nguyên, lan ra Quảng Trị, Quảng Ngãi. Gần 200 ca bạch hầu được ghi nhận, trong đó bốn em bé tử vong. Số bệnh nhân tăng gần 450% so với năm 2019, tăng đến 15 lần so với giai đoạn 2014-2018.

Covid-19 đã làm gián đoạn tiêm chủng, góp phần khiến dịch bạch hầu bùng phát. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ quên đưa con đi tiêm. Ở Tây Nguyên, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu - bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc - chỉ đạt 50%.  

Trong tháng 7, Bộ Y tế đã phải phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Đây là chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu, trước hết thực hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên (bao gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông) với đối tượng là tất cả những người từ 2 tháng tuổi trở lên.