Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam, thưa PGS.TS Trần Đắc Phu?
- PGS.TS Trần Đắc Phu: Là một trong những nước đầu tiên phát hiện ra ca bệnh Covid-19 (22/1), lại có đường biên giới dài với Trung Quốc - ổ dịch Covid-19 lớn nhất vào lúc đó, giao thương phức tạp, Việt Nam được đánh giá là nước có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất.
Tuy nhiên, hoàn toàn đi ngược với đánh giá của cả thế giới, sau 100 ngày ghi nhận ca bệnh đầu tiên, Việt Nam đã kìm chân được số ca mắc với 270 ca, chưa ghi nhận ca tử vong. Đáng nói, 18 ngày qua (từ ngày 17/4 đến nay) không phát hiện thêm ca Covid-10 mắc mới trong cộng đồng mà chỉ ghi nhận 2 ca Covid-19 là người nhập cảnh.
Hiện Việt Nam đứng thứ 128 về số ca mắc, trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có ca Covid-19 và ngày càng có nhiều nước “vượt lên” về số ca mắc. Việt Nam cũng là 1 trong 2 quốc gia có trên 200 ca Covid-19 mà không ghi nhận tử vong.
Những con số thuyết phục cho thấy, tình hình dịch hiện nay tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và cho thấy hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.
Từ 1/4 đến 22/4, Việt Nam cũng đã hoàn thành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ, kết thúc giai đoạn 3 chống dịch Covid-19. Và trong “trận chiến” giai đoạn 2 và giai đoạn 3 chống dịch Covid-10, đến giờ, chúng ta tạm thời ghi nhận chiến thắng mới khi kìm chế sự gia tăng Covid-19 trong cộng đồng.
Giai đoạn này, chúng ta đã thành công khi chặn được các ca Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam. Những người nhập cảnh có bệnh chúng ta đều đã phát hiện được, cho cách ly. Nếu có người mắc Covid-19 từ bên ngoài xâm nhập vào thì chúng ta cũng đã kịp thời ngăn chặn. Gần nhất (ngày 24/4) chúng ta đã phát hiện 2 ca nhập cảnh và đã kịp thời cách ly, không phát hiện ca lây nhiễm trong nhóm người cùng nhập cảnh với hai ca bệnh đó.
Các ổ dịch lớn như BV Bạch Mai (Hà Nội), ổ dịch quán bar Buddha (TP.HCM), ổ dịch thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) đều đã được khống chế, kiểm soát tốt. Và đã qua 14 ngày, tại các ổ dịch này đều không ghi nhận ca Covid-19 mới.
Quan trọng nhất là chúng ta không phát hiện thêm các ca Covid-19 ngoài cộng đồng dù đã tăng cường xét nghiệm cộng đồng. Điều này chứng tỏ các biện pháp dập dịch của chúng ta đã khá hiệu quả. Nhưng tôi khẳng định, chúng ta không nên vì vài ngày không có ca Covid-19 mới mà chủ quan vì dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp.
Chúng ta đã trải qua một trận chiến đặc biệt, “chống dịch như chống giặc” theo lời Thủ tướng Chỉnh phủ đã chỉ đạo. Theo ông, cho đến thời điểm này điều gì đã làm nên thành công của Việt Nam?
- Trong trận chiến với “giặc” Covid-19 này, chúng ta đã có triển khai những cách đánh trận rất Việt Nam.
Trước hết phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “chống dịch như chống giặc” khiến cho cả hệ thống chính trị vào cuộc, phòng chống dịch nghiêm túc, nâng cao cảnh giác với “giặc” đến từ tứ phía, từ dưới đất đến trên trời.
Phải khẳng định rằng chỉ có ở Việt Nam mới có thể nhanh chóng kêu gọi sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch. Các lực lượng Quân đội, Công an đều được huy động vào phòng chống dịch ngay từ đầu. Ngành y tế khi được hô “chống dịch” là chúng ta triển khai cấp tập các biện pháp ngay.
Có thể nói, Việt Nam là một trong ít nước huy động Quân đội, Công an vào cuộc phòng chống dịch ngay từ đầu. Cũng nhờ lực lượng này mà việc kiểm soát các cửa khẩu, sân bay, đón người nhập cảnh cách ly... được tiến hành một cách có kỷ luật, nghiêm túc, không để người cần cách ly lọt ra cộng đồng...
Khi phát hiện được trường hợp trốn cách ly, lực lượng công an cũng đã vào cuộc rất nhanh và truy tìm được các đối tượng...
Chúng ta cũng đã vạch ra được một chiến lược phòng chống dịch vô cùng quan trọng: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị”. Đây là chiến lược xuyên suốt, bất di bất dịch mà chúng ta đã tuân thủ nghiêm ngặt suốt 100 ngày qua và càng thực hiện chúng tôi càng thấy đúng, càng tin tưởng vào chiến lược này.
Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên mạnh dạn cấm nhập cảnh đối với người đến từ vùng dịch. Lúc đầu là Vũ Hán (Trung Quốc), sau mở rộng ra Iran, Hàn Quốc, Italy, sau này là các nước châu Âu, Mỹ, các nước Đông Nam Á... khi dịch Covid-19 cứ lan rộng dần.
Việc cấm nhập cảnh và yêu cầu tất cả người nhập cảnh đều phải cách ly tập trung cũng là một cách làm “rất Việt Nam”. Nhờ cách ly tập trung và điều trị tập trung mà chúng ta đã kiểm soát được lây nhiễm chéo, khi có ca bệnh dương tính (F0) lập tức kiểm soát được người tiếp xúc gần (F1), người tiếp xúc với người tiếp xúc (F2), chặn đứng nguồn lây của virus SARS-CoV-2.
Phải chăng khoanh vùng - dập dịch cũng là cách phòng dịch “made in Việt Nam”, riêng có của Việt Nam, thưa ông?
- Chúng ta không phong tỏa trên diện rộng mà dịch ở đâu khoanh vùng đến đó. Bài học ở ổ dịch cách ly cộng đồng đầu tiên tại xã Sơn Lôi (Binh Xuyên, Vĩnh Phúc) có giá trị rất lớn. Chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, nhiều cách làm hay để ứng phó với các ổ dịch sau này như Trúc Bạch (Hà Nội), Văn Lâm 2 (Bình Thuận), rồi đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TP.HCM), Hạ Lôi (Mê Linh, Vĩnh Phúc)....
Việc khoanh vùng dập dịch các ổ dịch nhỏ có thể ngăn chặn được dịch mà lại không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Như ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai chúng ta cũng đã làm rất quyết liệt. Trong thời gian ngắn chúng ta đã truy vết của gần 60.000 người tại 53 tỉnh thành phố đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian có dịch. Chúng ta cũng đã tổ chức xét nghiệm hết những người này và tìm được một số ca bệnh, đồng thời chặn đứng sự lây lan.
Như ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai chúng ta cũng đã làm rất quyết liệt. Trong thời gian ngắn chúng ta đã truy vết của gần 60.000 người tại 53 tỉnh thành phố đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian có dịch. Chúng ta cũng đã tổ chức xét nghiệm hết những người này và tìm được một số ca bệnh, đồng thời chặn đứng sự lây lan.
Đã có nhiều ca bệnh nhẹ được điều trị thành công ở bệnh viện tuyến huyện. Còn các bệnh viện tuyến đầu dồn sức chữa trị cho bệnh nhân nặng. Nhờ đó mà không có sự quá tải ở tuyến trên, sự lúng túng ở tuyến dưới. Mọi sự đều như một “trận chiến” được chỉ huy rốt ráo, được thực hiện bài bản.
Nhiều ý kiến đánh giá, các phương pháp chống dịch của chúng ta cũng rất linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với từng địa phương, từng ổ dịch, thưa ông?
- Đúng vậy, ví như tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, chúng ta phong tỏa nhưng vẫn để bệnh viện được cấp cứu, chữa trị các ca bệnh nặng.
Hay như chúng ta chỉ yêu cầu thực hiện cách ly xã hội chứ không phong tỏa. Người dân được kêu gọi tự giác cách ly chứ không cấm đoán, bắt buộc cứng nhắc. Và chúng ta đã thành công khi từ lúc cách ly xã hội (1/4) các ca mắc đã giảm mạnh và đến nay đã “cắt đứt” được 18 ngày chưa có ca mắc mới ở cộng đồng.
Một điểm thành công nữa là chúng ta có chiến lược xét nghiệm tốt. Chúng ta không xét nghiệm SARS-CoV-2 dàn trải ngoài cộng đồng mà xét nghiệm tập trung vào các đối tượng nguy cơ như người nhập cảnh, người tiếp xúc với bệnh nhân F1, F2... Chúng ta cũng không có xét nghiệm SARS-CoV-2 dịch vụ mà chỉ quy định những người có yếu tố dịch tễ, được cán bộ y tế chỉ định xét nghiệm mới được xét nghiệm.
Nhờ đó, chúng ta dồn lực được cho công tác phòng chống dịch. Nếu để lơi lỏng, ai cũng được xét nghiệm có thể sẽ xảy ra rối loạn, không đủ nhân lực, kit test để phục vụ chống dịch.
Trong công tác nghiên cứu, Việt Nam cũng đã sớm tìm được chứng dương, nuôi cấy được virus SARS-CoV-2. Điều này có ý nghĩa lớn trong công tác xét nghiệm được chuẩn xác hơn. Đồng thời làm tiền đề để chúng ta có nghiên cứu về vắc xin phòng Covid-19.
Việt Nam cũng đã sản xuất thành công được test kit bằng phương pháp elisa, độ chính xác cao, phục vụ cho nhu cầu phòng dịch trong nước, đồng thời có thể xuất khẩu sang các nước.
Cũng phải khẳng định rằng, thành công trong trận chiến này phải kể đến sự ủng hộ, đồng lòng của toàn thể người dân Việt Nam. Tôi thấy rằng chưa bao giờ có dịch bệnh nào lại nhận được sự ủng hộ đồng lòng của người dân đến vậy. Mọi người nghe theo sự hướng dẫn phòng dịch của ngành y tế.
Khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện cách ly xã hội, người dân cũng đồng lòng. Có thể nhận thấy sự khác biệt rõ ràng trên đường phố trong thời gian cách ly. Rất ít người vi phạm.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, thành công trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam hôm nay không phải một đêm có được mà chúng ta đã chuẩn bị 10 năm trước đây. Ông nhận định thế nào về điều này?
- Đúng là chúng ta đã được mài dũa qua rất nhiều trận chiến chống dịch trước và đã rất thành công. Phải kể đến như SARS 2003, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới tìm ra cách chặn đứng dịch. Hay như H1N1 2009, chúng ta cũng hạn chế ca mắc và ca tử vong; hay như MERS 2017 Việt Nam cũng không ghi nhận ca mắc; H7N9 đến từ Trung Quốc, rồi Ebola, Zika... đều là những dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm... Mỗi lần có dịch, chống dịch, chúng ta lại một lần được tôi luyện.
Thành công trong chống dịch Covid-19 hiện nay phải khẳng định rằng chúng ta đã dự báo rất tốt về tình hình dịch để đưa các các cách ứng phó phủ hợp. Ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra ở Vũ Hán từ đầu tháng 1/2020, Việt Nam đã dự báo rằng dịch có nguy cơ cao lây sang Việt Nam và ngay lập tức họp bàn cách ứng phó.
Chúng ta đã có các bài học từ dịch bệnh ở Trung Quốc như SARS, H7N9... Hơn nữa đây là bệnh dịch lây qua đường hô hấp, bùng nổ rất mạnh ở Vũ Hán... Chúng ta lại có đường biên giới dài, giao thương mạnh mẽ với Trung Quốc. Chúng ta đã có phản ứng rất nhạy, đánh giá nguy cơ dịch Covid-19 lây lan sang Việt Nam là rất cận kề.
Cho dù mới đầu, Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng chưa nhận định Covid-19 là bệnh dịch nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa toàn cầu, chưa có khẳng định lây từ người sang người nhưng Việt Nam đã xác định đây là bệnh dịch “đe dọa Việt Nam”.
Chúng ta ngay lập tức đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, xây dựng kịch bản “4 cấp” về quy mô dịch, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo xuyên suốt từ Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ...
Phản ứng nhanh nhạy với dịch Covid-19 như vậy là nhờ chúng ta đã có kinh nghiệm dày dạn trong phòng chống dịch trước đây. Có được điều này đúng là không phải qua một đêm mà có được...
Rõ ràng, chúng ta có dự báo tốt, chiến lược chính xác, kế hoạch tỉ mỉ, cụ thể, thực hiện nghiêm túc, nhất quản nên chúng ta đã có được thành quả như ngày hôm nay, hạn chế được số ca mắc một cách thấp nhất trong tình hình dịch trên thế giới diễn ra phức tạp và đang gia tăng chóng mặt cả về số mắc và số ca tử vong.
Trong khi đó, nhiều nước khác trên thế giới liên tục thay đổi chiến lược, chính sách ứng phó với dịch Covid-19 khi thấy chính sách cũ không dập được dịch.
Ông đánh giá thế nào về “ẩn số” SARS-CoV-2? Nó có gì đặc biệt so với rất nhiều dịch bệnh mà ông đã từng đối mặt trong hàng chục năm làm y tế dự phòng của mình?
- Đúng là SARS-CoV-2 còn quá nhiều ẩn số và càng ngày nó càng đặt ra nhiều bài toán hóc búa yêu cầu các chuyên gia y tế, các nhà nghiên cứu cần tiếp tục tìm hiểu sâu thêm.
Nó có những triệu chứng ban đầu có vẻ giống cúm, nhưng bản chất, đây là một loại bệnh mới. Và rõ ràng đến giờ nó đang lây lan rất nhanh, vượt qua số ca mắc và ca tử vong của các đại dịch đặc biệt là các bệnh mới nổi trong thời gian gần đây như SARS, MERS-CoV; Ebola, H1N1, Zika...
Nó lây lan nhanh và trong thời đại hiện nay, người dân di chuyển bằng các phương tiện hiện đại, máy bay, ô tô thì bệnh dịch cũng có cơ hội lây lan với tốc độ của “máy bay” ra hầu hết các nước trên thế giới chỉ trong vòng 2 tháng.
Đồng thời, số ca tử vong do Covid-19 cũng đang khiến thế giới sợ hãi, nếu không kiểm soát được số ca mắc thỉ số người tử vong sẽ ngày càng cao. Các nước có nền y tế hiện đại như Mỹ, Đức, Anh... đang có hàng ngàn ca tử vong mỗi ngày, gây nên nhiều hệ lụy khó lường.
Cho dù ai đó có nói rằng tỷ lệ tử vong của Covid-19 thấp hơn SARS, hay MERS, không nguy hiểm bằng nhưng mọi người cần phải nhìn nhận rõ ràng rằng số người chết do SARS chỉ có hơn 8000 người, còn của Covid-19 đã hơn 250.000 người và đang tiếp tục gia tăng hàng nghìn ca mỗi ngày.
Bệnh dịch này nguy hiểm ở chỗ, khi lây lan nhanh, số ca mắc tăng vọt thì có thể đánh sập bất cứ năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nào, dù hệ thống đó có tiên tiến, hiện đại đến đâu. Khi đó, người bệnh không được chăm sóc tốt, số ca tử vong tăng cao, số lây nhiễm chéo trong bệnh viện tăng cao, các bác sĩ bị đe dọa... thiếu người chăm sóc bệnh nhân... Đây là vòng luẩn quẩn rất nguy hiểm.
Hiện cũng có nhiều người bệnh Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên đã chủ quan, không vào viện. Chính họ là những nguồn lây nhiễm khó kiểm soát nhất đang làm “đau đầu” nhiều nước...
Như vậy, việc thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam thành công như hiện nay là nhờ chúng ta đã hạn chế được số ca mắc, chỉ 270 ca?
- Rõ ràng là như vậy. Chúng ta chỉ có 270 ca, trong đó 6 ca phải thở máy, hiện còn 3 ca nặng phải hồi sức tích cực. Với số lượng bệnh nhân như vậy, hệ thống y tế Việt nam đáp ứng được về thu dung, điều trị. Nhưng nếu là hàng nghìn ca, hàng chục nghìn ca với hàng trăm thậm chí hàng nghìn ca thở máy thì chúng ta sẽ quá tải, sẽ có nhiều hệ lụy kéo theo.
Do đó, tiêu chí tối quan trọng để thành công trong chống dịch là giảm tỷ lệ mắc và giảm tỷ lệ tử vong. Cho nên như một bài toán bắc cầu, chúng ta cần phải làm từ tâm dịch trong lúc này là giảm được tỷ lệ tử vong bằng cách giảm giảm tỷ lệ mắc. Muốn giảm tỷ lệ mắc thì phải kiểm soát chặt người nhiễm bệnh, người tiếp xúc với ca bệnh như F1, F2, thậm chí là F3...
Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn xác định đưa ra các biện pháp ứng phó linh hoạt, đáp ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh, dịch đến đâu phòng chống đáp ứng đến đó để không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội, đời sống người dân.
Giai đoạn đầu dịch mới ở Trung Quốc, chúng ta kiểm soát chặt biên giới, kiểm tra y tế với người đến từ Vũ Hán, cách ly người về từ Vũ Hán, rồi sau đó kiểm soát toàn bộ người nhập cảnh.
Khi đã có ca lan ra cộng đồng, chúng ta khoanh vùng, cách ly, khuyến cáo người dân phòng dịch. Và gần đây nhất, khi mất dấu F0, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16 yêu cầu cách ly xã hội trong 2 tuần, rồi phân loại địa phương có nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp để đưa ra từng phương án ứng phó phù hợp...
Các phương án đã thành công, ít nhất là đến giờ phút này.
Việt Nam đang có 12 ca Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh sau nhiều lần âm tính với SASR-CoV-2 nhưng sau đó xét nghiệm lại dương tính. Ông nhận định thế nào về “ẩn số” này?
- Không chỉ riêng Việt Nam có tình trạng này xảy ra. Mới đây, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc cũng đã có báo cáo ghi nhận hơn 100 ca nghi ngờ tái nhiễm Covid-19 sau khi âm tính nhiều lần với SARS-CoV-2, được xác định khỏi bệnh rồi lại cho xét nghiệm dương tính.
Hàn Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang nghiên cứu về các trường hợp này nhưng chưa có kết luận cụ thể. Tuy nhiên, điều tra ban đầu cho thấy có thể do một số nguyên nhân.
Thứ nhất là có thể do sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân.
Thứ hai, nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển được đủ để chống lại virus hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục, lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.
Thứ ba, có thể loại virus mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại. Hoặc có thể do xét nghiệm phát hiện ra những phần “chết" của virus mà không còn khả năng lây nhiễm hay phát triển.
Ngoài ra cũng có thể do lỗi trong việc lấy mẫu, xử lý mẫu và xét nghiệm.
Tuy nhiên, các thí nghiệm lấy mẫu trên các bệnh nhân “âm tính rồi lại dương tính” cho thấy lượng virus trên bệnh nhân dương tính lại không thể nuôi cấy phân lập, tức là virus đã chết hoặc tồn tại với một lượng quá nhỏ.
Ông có nhận định và khuyến cáo gì trong giai đoạn hiện nay?
- Chúng ta phải khẳng định rằng dịch Covid-19 còn đang rất phức tạp. Mỗi ngày thế giới vẫn đang có gần 100.000 ca mắc và hàng chục ca tử vong.
Cho dù chúng ta đang tạm thời dừng ở số ca mắc 270 và nhiều ngày không có ca mắc mới. Nhưng chỉ cần chúng ta buông xuôi, mất cảnh giác, chỉ cần 1 ca bệnh ở ngoài cộng đồng mà không thực hiện các biện pháp phòng dịch thì sức lây lan sẽ rất lớn. Bài học gần nhất chính là của Singapore, dịch tưởng chừng đã lắng xuống nhưng khi lơi lỏng ở những khu lao động tự do nhập cư nên dịch đã bùng phát.
Do đó, Việt Nam sẽ luôn bám sát tình hình dịch bệnh để đưa rá những quyết sách về cả vấn đề ngoại giao, kinh tế, văn hóa... tình hình đến đâu ứng xử đến đó, tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Trong thời gian tới vẫn có thể có các ổ dịch nhỏ, do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan. Chúng ta phải hết sức chú ý để làm sao phát hiện được kịp thờica bệnh ở những nơi nguy cơ cao, từ đó khoanh vùng, dập dịch ngay, khống chế ổ dịch, không để lây lan...
Ngoài ra, người dân phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề khử khuẩn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đây là việc hết sức cần thiết.
Chúng ta thành công nhưng nếu chúng ta không làm tốt thì dịch bệnh không loại trừ một ai. Người dân cả nước, chính quyền các địa phương, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người dân phải có ý thức thật sự thì mới hạn chế được dịch bệnh lây lan.
- Xin cảm ơn PGS.TS!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.