Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận và cho phép các thành viên sử dụng trong thương mại quốc tế.
Số liệu thống kê của WTO cho thấy, kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1995 đến nay đã có hơn 4.500 biện pháp phòng vệ thương mại được các nước thành viên WTO áp dụng.
Do đó, việc hàng hóa Việt Nam xuất khẩu gặp phải các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế không phải là hiện tượng bất thường.
Bên cạnh đó, cùng với chủ trương tích cực hội nhập kinh tế, Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP,…
Qua đó, hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được dỡ bỏ ngày càng nhiều. Điều này một mặt khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn tại các thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên, nó cũng tạo áp lực đối với các doanh nghiệp sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu. Do vậy, các nước này buộc phải tìm đến các công cụ chính sách thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có các công cụ chính sách phòng vệ thương mại.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế những rủi ro từ các biện pháp nói trên, ông Trung cho biết, hiện tại, Cục Phòng vệ thương mại đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường khác nhau.
Danh sách được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.
"Doanh nghiệp quan tâm có thể thường xuyên theo dõi, cập nhật ngành hàng, sản phẩm và có các điều chỉnh xuất khẩu phù hợp để hạn chế bị kiện phòng vệ thương mại. Danh sách này được cập nhật thường xuyên trên trang web của Cục Phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, luật sư, hiệp hội và doanh nghiệp.
Qua đó, kịp thời cập nhật tình hình, thông tin các vụ việc phòng vệ thương mại nhằm cung cấp tới các bên liên quan một cách nhanh chóng và chính xác. Với tinh thần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại luôn theo sát, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc", đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết thêm, cơ quan này cũng đưa các nội dung đào tạo, tập huấn doanh nghiệp vào các chương trình, hoạt động của ngành công thương. Qua đó, nâng cao nhận thức giúp doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó kịp thời hơn, hiệu quả hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.