CLIP: Hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Chúng tôi thực sự ấn tượng bởi những cánh đồng thanh long lút mắt, trải dài suốt dọc từ xã Minh Tâm lên đến tận trung tâm huyện lỵ Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng. Cây thanh long ruột đỏ ở đây được trồng nhiều đến bạt ngàn, khỏe khoắn vươn mình trong cái rét đậm, rét hại.
Anh bạn đi cùng chúng tôi bảo, ở Nguyên Bình, bà con ăn thanh long, ngủ thanh long, nằm mê cũng quều quào vặt trái thanh long. Không biết từ bao giờ, cây thanh long đã được người nông dân của huyện Nguyên Bình trìu mến gọi là "cây thoát nghèo".
Khi chúng tôi lên Nguyên Bình, những vườn thanh long tại đây cũng vừa hết vụ, chỉ còn lác đác một vài quả trên cành. Những cây thanh long sau kỳ thu hoạch đang được nông dân cắt tỉa, chăm bẵm, bón phân.
Chị Lãnh Thị Chanh (xóm Nà Gọn, thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cho biết, ruộng thanh long của gia đình chị tuy mới trồng được 3 năm, tổng diện tích khoảng chừng 2.000m2 nhưng đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Vườn thanh long của chị Chanh chủ yếu là giống thanh long đỏ cùng một ít diện tích thanh long trắng.
"Trồng cây thanh long đầu tư ban đầu cũng không nhiều lắm, chủ yếu là tiền mua giống cây và đóng cọc bê tông cho cây bò bám. Về chăm sóc cây thanh long cũng không vất vả nhiều, chỉ tỉa cành, bón phân. Do đa phần dưới gốc thanh long của gia đình tôi đều trồng rau nên cơ bản cũng sạch cỏ", chị Chanh cho biết.
Theo chị Chanh, một năm, cây thanh long cho quả được tầm 4 tháng, lứa trước tiếp lứa sau liên tục. Nguyên Bình là đất có tiếng về thanh long nên đầu ra cũng rất ổn định, ngoài bán lẻ cũng có tư thương đến mua tận vườn.
"Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng rau nên hiệu quả kinh tế không được cao. Nay gia đình thực hiện mô hình trồng cây thanh long xen lẫn với rau thấy hiệu quả kinh tế vượt trội hơn hẳn, thu nhập có thể lên đến 100 triệu/vụ", chị Chanh chia sẻ.
Dẫn chúng tôi lên vườn thanh long của gia đình bà Mạc Thị Hoan (xóm Nà Gọn, thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), chị Lục Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nguyên Bình cho biết, trong những năm qua, nhiều hội viên nông dân của thị trấn Nguyên Bình đã thực hiện thành công mô hình trồng cây thanh long.
Giống như chị Lãnh Thị Chanh, bà Hoan hôm nay cũng đang tất bật với vườn thanh long của gia đình. Vườn thanh long của gia đình bà Hoan cũng mới trồng được hơn 3 năm, mô hình được thực hiện nhờ vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Bà Hoan chia sẻ, gia đình bà chỉ toàn người già nên trồng ít diện tích cây thanh long, chỉ khoảng 1200m2. Bà thấy trồng cây thanh long đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác mà trước đây đã trồng.
"Tôi được vay Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 40 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng cây thanh long. Với vườn cây, đàn lợn, đàn gà mà gia đình đang nuôi trồng, mỗi năm cũng dành được một khoản tiền kha khá", bà Hoan nói.
Theo chị Lục Thị Phương Thảo, hộ gia đình bà Mạc Thị Hoan và hộ gia đình chị Lãnh Thị Chanh là hai trong số những hộ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội để thực hiện mô hình trồng cây thanh long. Mô hình này đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hội viên.
"Không chỉ hộ bà Hoan, chị Chanh, phần lớn nông dân thị trấn Nguyên Bình đều ít nhiều có trồng thanh long. Cây thanh long rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên sinh trưởng phát triển tốt. Từ việc thực hiện mô hình cây thanh long, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương đã giảm đáng kể", Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nguyên Bình cho biết thêm.