Dân Việt

Bát canh ngao mặn chát trên biển Hải Hà

Nguyễn Quý 31/12/2020 08:40 GMT+7
Trở lại Hải Hà (Quảng Ninh) vào những ngày cuối năm 2020, ngư dân vẫn đón tôi nồng ấm. T múc cho tôi bát canh ngao nóng hổi, thứ sản vật tự nhiên của biển Hải Hà mà giờ đây không khó để kiếm bát canh, nhưng lại quá đỗi nhọc nhằn để có thể quy đổi ra thành gạo.

T nói: "Bài báo chú viết lên hồi đó, sau này lại thấy nhiều "kẻ hủy diệt" hơn chú ạ!". Ngụm canh ngao thơm ngọt vừa trôi qua cuống họng, bỗng mặn chát.

Bài báo mà anh T nhắc tới là phóng sự "Sự thật về những con tàu "ma quái", những "kẻ hủy diệt" trên biển Hải Hà", được thực hiện hồi tháng 8 năm 2020. Đó là những điều tôi thấy, tôi nghe về nạn khai thác thủy sản trái phép đang nhức nhối trên biển Hải Hà.

Dưới biển là hàng đàn những con tàu dùng xung kích điện ngày đêm quần thảo, trên bãi triều là hàng chục kilomet bãi đăng, dùng mắt lưới siêu nhỏ (dưới 1cm2) để chặn bắt tất cả các loài thủy hải sản to nhỏ đi qua.

 Bát canh ngao mặn chát trên biển Hải Hà - Ảnh 1.

Một bãi đăng trên biển Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Những hình thức khai thác này là hình thức khai thác tận diệt, có tác hại lâu dài, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, làm các loại trứng cá, cá con, ấu trùng tôm, tôm con bị tiêu diệt; phá hủy hệ sinh thái và ảnh hưởng đến môi trường biển. Đồng thời, việc khai thác này còn gây ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của tàu thuyền, gây bức xúc trong nhân dân.

Ở một góc độ nhỏ hơn, hàng nghìn ngư dân bám biển, bám bãi triều, làm các nghề cào ngao, đào sá sùng, lưới cá, giăng câu... trên biển Hải Hà ngày càng trở nên vô vọng.

"Trước kia có bãi tự nhiên rộng ngút ngàn, mỗi buổi xuống biển kiếm vài trăm, hơn triệu đồng không quá khó. Giờ các bãi triều tự nhiên phì nhiêu nhất đã bị một số người xâm lấn, làm các bãi đăng đó. Người làm nghề đánh bắt truyền thống như anh, bây giờ xuống biển chỉ để cải thiện bữa ăn thôi, nhiều buổi chỉ được mớ cá lợn" – T ngao ngán.

 Bát canh ngao mặn chát trên biển Hải Hà - Ảnh 2.

Các bãi đăng kéo dài ra tận khu vực luồng lạch, có nhiều tàu thuyền qua lại.

Sau bữa cơm trưa, T lại chở tôi ra biển bằng chiếc thuyền xốp gắn máy cà tàng. Chúng tôi đi dọc bãi triều xã Quảng Minh, từ khu vực quy hoạch đánh bắt tự nhiên, qua khu nuôi trồng thủy sản, đến khu vực luồng lạch, chỗ nào cũng có xuất hiện các bãi đăng, được nhận diện bởi hàng dài cọc tre luôn cao hơn mặt nước biển.

Điểm cuối của mỗi hàng rào lưới là các lồng (hay còn gọi là chuồng). Các loại thủy sản khi bơi theo dòng chảy bị mắc vào lưới, sau đó không có đường thoát ra khỏi "ma trận" này, chui xuống lồng. Khi nước thủy triều rút thì người đánh bắt chỉ việc tháo lồng, thu hoạch tất cả các loại thủy sản to nhỏ bắt được.

T đếm được 25 bộ lưới đăng, nhiều hơn chục bộ so với thời điểm tháng 8. Những "kẻ hủy diệt" hôm nay lại nhiều hơn bao giờ hết. Nhìn hàng cọc tre kéo dài tít tắp trên biển, mới thấy sự tàn phá khốc liệt của con người.

 Bát canh ngao mặn chát trên biển Hải Hà - Ảnh 3.

Mắt lưới nhỏ chỉ dưới 1cm2, dùng để bắt tất cả các loài tôm, cua, cá to nhỏ.

Tôi rút điện thoại gọi cho ông Phạm Xuân Đài, Bí thư Huyện ủy Hải Hà, định nêu những hình ảnh mà chúng tôi vừa nhìn thấy trên biển. Đầu dây bên kia, ông Đài vội vàng khỏa lấp: "Cái này chúng tôi đã chỉ đạo rất là quyết liệt đấy".

Câu trả lời của ông Đài cũng giống như những câu trả lời trước đó của các ông Phó Chủ tịch huyện mà tôi đã từng làm việc, cùng về nội dung khai thác thủy sản trái phép trên biển Hải Hà. Các vị lãnh đạo đã "quyết liệt" tới đâu, khi những "kẻ hủy diệt" vẫn nhởn nhơ trước mắt? Các bãi đăng cắm cố định trên biển, trải dài hàng chục kilomet, không hề gắn thiết bị tàng hình, nhưng tại sao hàng trăm đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện vẫn không hề nhìn thấy?

Thậm chí, khi tôi gửi clip quay các bãi đăng, một vị lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ninh quả quyết: "Đây chỉ là các tấm lưới chắn dùng để nuôi ngao, ngăn không cho ngao trôi ra biển" (?).

 Bát canh ngao mặn chát trên biển Hải Hà - Ảnh 4.

Các con tàu có sử dụng bộ xung kích điện để đánh bắt thủy sản vẫn hoạt động trên biển Hải Hà.

Thật võ đoán, nếu chưa một lần bước chân tới bãi triều Hải Hà, mắt thấy những con tàu và các bãi đăng hủy diệt, tai nghe về những điều ngư dân trăn trở. Cũng thật tùy tiện nếu chỉ nghe những người nông dân thuần phác nói, mỗi bộ lưới đăng kia phải nộp cho ông X 10 triệu đồng, mà đã vội vàng kết luận có lãnh đạo "bảo kê". Nhưng chắc chắn phải có điều gì đó mới khiến cho hoạt động khai thác tận diệt trên biển Hải Hà kéo dài nhiều năm như vậy.

Giáp ranh với vùng biển huyện Hải Hà, vùng biển Vĩnh Thực (TP.Móng Cái) còn xuất hiện nhiều hơn những con tàu ma quái, sử dụng những bộ kích điện có giá hàng trăm triệu đồng, có khi 1 tàu đánh bằng 3, 4 bộ kích. Nguyên lý hoạt động của những con này giống như một con trâu kéo theo chiếc bừa trên thửa ruộng. Tàu đi đến đâu, chiếc cào sắt có dòng điện xới tung đáy biển đến đó. Những tôm, cua, cá... to nhỏ vừa giật mình bơi lên thì bị dòng điện đánh tê liệt, rồi tự động cuộn mình vào túi lưới.

Biển Quảng Ninh vốn rộng dài, hải sản đa dạng và ngon nức tiếng. Nhưng không ai dám đảm bảo rằng, ngao trơn (một loài ngao sinh sống tự nhiên trên các bãi triều Hải Hà, có giá bình dân) mà T nấu canh cho tôi ăn, không có ngày bị tuyệt chủng vì mất môi trường sống.

Cho dù Quảng Ninh và các địa phương của tỉnh đã "chỉ đạo rất quyết liệt" nhưng nếu không sát sao thì đó là mối đe dọa lâu dài cho môi trường sinh thái, cho cuộc sống của ngư dân. 

Đánh bắt tận diệt không chỉ xảy ra ở Quảng Ninh mà còn rất nhiều vùng biển khác. Chuyện của ngư dân hôm nay không chỉ còn là nỗi nhọc nhằn mưu sinh trên biển, mà còn là sự tiếc nuối cho đời con, cháu mai sau không còn được thiên nhiên đãi ngộ nhiều sản vật như ngày nào.