Sự thật về những con tàu "ma quái", những “kẻ hủy diệt” trên biển Hải Hà
Sự thật về những con tàu "ma quái", những “kẻ hủy diệt” trên biển Hải Hà
Nguyễn Quý
Thứ bảy, ngày 22/08/2020 06:02 AM (GMT+7)
2 giờ đêm, ánh trăng thượng tuần không soi rõ những con tàu ma quái trên biển, nhưng tiếng gầm rú của những chiếc tàu gắn bằng động cơ máy xúc, máy gạt, khiến người đứng xa cả trăm mét cũng biết chúng đang hoạt động.
Nhưng hoạt động gì giữa biển đêm? Tại sao lại phải dùng động cơ lớn như những chiếc tàu hút cát trộm? Những câu hỏi đó chỉ có những ngư dân huyện Hải Hà (Quảng Ninh) mới tường tận.
Khu "chiến thuật"
9h tối, chúng tôi lỉnh kỉnh đồ nghề (đèn pin, thức ăn, đồ uống, mồi câu...) từ một thôn nhỏ ở xã Quảng Minh, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) tới cầu Hà Cối. Nơi đây cũng là bến đậu của hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân Hải Hà và các vùng lân cận, trong đó có chiếc thuyền câu gắn máy cà tàng của T - một thợ câu chuyên nghiệp ở xã Quảng Minh.
Tại buổi làm việc với PV Báo NTNN, ông Hoàng Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, thừa nhận: Có tình trạng các hộ nuôi ngao, nghêu ở khu vực bãi triều xã Quảng Minh dựng đăng, đáy khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt.
Ngay tại buổi làm việc này, vị Phó Chủ tịch huyện chỉ đạo Trưởng phòng NNPTNT phải thực hiện kiểm tra ngay, giải quyết dứt điểm theo phản ánh của báo chí.
"Mùa này cá ra hết ngoài khơi, câu gần bờ gần như không được" - T nói, nhưng anh vẫn sẵn sàng chi tiền dầu máy, mồi câu, thậm chí cả bình rượu ngâm để sẵn trên thuyền với mồi nhậu, chỉ để đưa chúng tôi tới vùng biển Quảng Minh, chứng kiến những kẻ khai thác kiểu hủy diệt đang hoành hành.
Chiếc thuyền máy lạch cạch trên biển đêm, mất gần 1 tiếng đồng hồ mới ra được khu vực cột đèn tín hiệu trên biển, nơi mà người dân vẫn gọi là khu Dậu.
Đây là một bãi triều thênh thang khi nước rút, nơi trú ngụ của hàng trăm loài hải sản giá trị, như sá sùng, cua, ghẹ... Đó cũng là nơi mà hàng chục chiếc tàu "chã ván", "khán" quần thảo đêm, ngày.
T tắt máy, trả lại cho biển đêm không gian tĩnh lặng vô bờ. Anh mắc mồi tôm vào lưỡi câu, hờ hững thả xuống biển, rồi bắt đầu giải thích cho tôi về "chã ván", "khán".
Chã ván là một phương tiện dùng bộ càng gỗ dài khoảng 20m lắp phía sau tàu, giữa 2 càng gỗ là chiếc cào, có dòng điện dẫn xuống đáy biển. Nguyên lý hoạt động của tàu chã ván giống như một con trâu kéo theo chiếc bừa trên thửa ruộng ngấu bùn. Tàu đi đến đâu, chiếc cào xới tung đáy biển đến đó.
Những tôm, cua, cá... to nhỏ vừa giật mình bơi lên thì bị dòng điện đánh tê liệt, rồi tự động cuộn mình vào túi lưới. Thủy thủ sử dụng hệ thống ròng rọc tời túi lưới lên tàu, sau đó phân loại hải sản...
Trái ngược với chã ván, tàu khán lại lắp bộ càng phía mũi tàu, mỗi càng dài khoảng 15m, có lắp bộ phóng điện. Chiếc càng sục xuống đáy biển sẽ hất tung chỗ trú ngụ của các loài hải sản. Khi tôm, cua, cá đã bị phóng điện tê liệt, chúng không thể bơi đi, mà thuận dòng trôi theo bùn đất vào chiếc túi lưới.
Cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ sục sạo đáy biển như thế, thủy thủ lại dùng ròng rọc kéo túi lưới lên một lần, sau đó lại tiếp tục với những mẻ lưới nặng trĩu đất bùn lẫn hải sản khác.
T thả cước câu, vớ chiếc điếu cày, vê vội "bi" thuốc rồi trầm ngâm sau làn khói: "Anh bảo, người ta kéo cày (khai thác kiểu hủy diệt - PV) như thế, nghề truyền thống như chúng em còn lấy đâu ra con của (các loài hải sản) mà kiếm ăn?".
Xót xa sau mỗi tiếng máy gầm
1h sáng, T nổ máy đánh thuyền tới gần một đốm sáng. Chỉ cần nhìn đốm sáng từ chiếc đèn báo trên tàu đó thôi, T đã chắc chắn đây là tàu chã ván, hoặc tàu khán. "Giờ này ở đây thì chỉ có bọn này mới di chuyển như thế, chứ chẳng có ma nào!" - T chắc nịch.
Nguyên lý hoạt động của tàu chã ván giống như một con trâu kéo theo chiếc bừa trên thửa ruộng ngấu bùn. Tàu đi đến đâu, chiếc cào xới tung đáy biển đến đó. Những tôm, cua, cá... to nhỏ vừa giật mình bơi lên thì bị dòng điện đánh tê liệt, rồi tự động cuộn mình vào túi lưới.
Quả thật, chỉ khoảng 15 phút sau, chiếc tàu lừ đừ tiến lại. Càng tới gần, tiếng máy gầm gừ trong đêm càng phát ra rõ rệt, nghe "pằm pằm" như tiếng một chiếc Harley Davidson đang "nẹt pô" uy lực. 2 chiếc càng trước mũi tàu cũng dần lộ rõ dưới ánh trăng.
1, 2, rồi 3, 4 chiếc tàu khác lần lượt xuất hiện ở khu Dậu. Tàu lắp càng trước, tàu gắn càng sau quần thảo cả một vùng biển.
Những chiếc tàu dường như được phân chia lãnh địa, mỗi chiếc lừ đừ ở 1 góc biển, rồi đánh theo vệt riêng rẽ. Cứ sau loạt tiếng máy gầm, là hàng tạ đất bùn, lẫn hải sản lại được kéo lên tàu.
Những chiếc tàu khán xuất hiện đêm nay, theo anh T, chủ yếu thuộc loại nhỏ. "Có hôm xuất hiện những chiếc tàu khán to 2-3 tầng; bộ càng mà họ sử dụng to bằng thùng sơn, được thiết kế hiện đại, thò ra thụt vào như cột thủy lực. Mỗi bộ kích điện có giá gần 100 triệu đồng, có khi 1 tàu khán đánh bằng 3 bộ kích" - T nói.
Ánh đèn pin siêu sáng của T chẳng là gì so với bóng đèn cao áp xoay 360 độ trên tàu khán. Thấy chúng tôi soi lâu vào tàu mình, một chiếc tàu khán rọi thằng bóng đèn cao áp về phía chúng tôi hồi lâu, ra chừng nhắc nhở.
Càng về sáng, khi nước biển xuống thấp, bóng những chiếc tàu ma quái càng khuất xa. Những "kẻ hủy diệt" tìm chỗ ẩn lấp nơi khe núi, chờ xuồng bay của dân thu mua hải sản từ đất liền cập vào tàu. Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh khi trời vừa rạng.
Một kẻ hủy diệt khác trên bãi triều
Hải Hà có tới 11/16 xã, thị trấn có cửa sông, ven biển trong đó 9 xã có ranh giới trực tiếp giáp biển. Ngoài Quảng Minh, tình trạng sử dụng phương tiện tận diệt để khai thác thủy sản diễn ra khá phổ biến ở các tàu có công suất nhỏ dọc bãi biển các xã Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Thành, Tiến Tới, Phú Hải...
Khi nước thủy triều rút, những "kẻ hủy diệt" khác lại xuất hiện. Đó là những bãi đăng, đáy bạt ngàn dọc các bãi triều xã Quảng Minh. Người làm bãi đăng, đáy này dùng hàng trăm cây tre lớn đóng thành cọc, sau đó dùng lưới săm (mắt nhỏ) giăng nối trên thân các cây cọc. Khi nước biển dâng cao, tất cả các loài hải sản to, nhỏ đi qua đây đều bị chắn lại, rồi lọt xuống túi đáy.
P - một chủ bãi đăng ở xã Quảng Minh tiết lộ, anh ta phải "đóng luật" một khoản tiền cho một cán bộ xã để được dựng bãi đăng này. Rất có thể, đây là câu trả lời cho việc tại sao những bãi đăng này lâu nay bị xóa sổ trên các vùng biển tỉnh Quảng Ninh, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại trên biển xã Quảng Minh, huyện Hải Hà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.