Điểm sáng lúa gạo
Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), mặc dù điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi cho sản xuất lúa khi xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã vượt mức kỷ lục năm 2015 - 2016, đe dọa đến sản xuất lúa vụ đông xuân - vụ quan trọng nhất trong năm nhưng nhờ chủ động, linh hoạt các giải pháp ứng phó theo hướng "thuận thiên", ngành trồng trọt đã thu được những kết quả rất khả quan.
Vụ đông xuân 2019 - 2020 đã lập nhiều kỷ lục mới, khi năng suất lúa tăng, chi phí sản xuất giảm và giá lúa gạo liên tục lập đỉnh.
Một số mục tiêu của ngành trồng trọt 2021:
* Diện tích sản xuất lúa khoảng 7,3 triệu ha.
* Sản lượng lúa: 43 - 43,5 triệu tấn.
* Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản chính 20 tỷ USD.
"Thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt đã phối hợp các địa phương chủ động mở rộng diện tích gieo cấy, đặc biệt là vụ hè thu, thu đông và vụ mùa. Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu giống phù hợp tăng diện tích gieo trồng giống chất lượng, ngắn ngày. Điều chỉnh thời vụ gieo cấy để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng ĐBSCL" – ông Cường nhấn mạnh.
Nhờ chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng, điều chỉnh lịch thời vụ nên dù diện tích lúa giảm khoảng 190.000ha nhưng năng suất lúa được cải thiện nên sản lượng lúa vẫn đạt xấp xỉ 43 triệu tấn, vừa đáp ứng nhu cầu cho 100 triệu dân vừa cung ứng xuất khẩu. Năm 2020, gạo là 1 trong 5 mặt hàng nông sản chủ lực đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Ông Nguyễn Như Cường đánh giá, một trong những điểm nhấn ấn tượng của ngành lúa gạo trong năm 2020 chính là có 9 loại gạo thơm được phép xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) với những ưu đãi chưa từng có về mặt thuế quan.
Sản xuất rải vụ, vượt dịch Covid-19
Trong năm 2020, ngành trồng trọt tổ chức sản xuất rải vụ thành công 5 loại cây ăn quả chủ lực (thanh long, xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn) ở các tỉnh phía Nam để tránh tác động của dịch Covid-19. Việc sản xuất rải vụ đã góp phần giảm áp lực tiêu thụ vào cùng một thời điểm, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy do tác động của dịch.
Cụ thể, đối với cây thanh long, theo Sở NNPTNT 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, diện tích sản xuất rải vụ đạt 42.083ha, bằng 81% tổng diện tích thu hoạch, sản lượng rải vụ 838.316 tấn. Việc sản xuất rải vụ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 - 3 lần so với thanh long chính vụ, lợi nhuận đạt 250 - 400 triệu đồng/ha/năm.
Diện tích xoài rải vụ đạt 27.238ha; sầu riêng rải vụ đạt 18.979ha, trong khi diện tích rải vụ của chôm chôm là 8.590ha, nhãn 24.164ha. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, rải vụ 5 loại trái cây tạo sự ổn định về sản lượng quanh năm, hiệu quả cao hơn 1,5 - 2 lần chính vụ.
Ông Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2021, ngành trồng trọt sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu này, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, trong bối cảnh thiên tai và dịch Covid-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, ngành trồng trọt không được chủ quan, mà cần chủ động trước biến động của thị trường và thiên tai, linh hoạt trong chỉ đạo với từng vùng, từng loại cây.
"Hiện nay, dư địa tăng diện tích, năng suất không còn nhiều, vì vậy ngành nên tập trung tái cơ cấu trong nội ngành, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất.
Thực tế, ở nhiều vùng, việc sử dụng phân bón vẫn lãng phí, lượng gieo sạ còn nhiều, vừa tốn kém vừa khiến sâu bệnh phát sinh nhiều hơn. Vì vậy, ngành trồng trọt, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, cải thiện chất lượng. Đặc biệt, đẩy mạnh phân khúc thị trường lúa thơm, lúa chất lượng để đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường" – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.