Dân Việt

Báo nước ngoài: Việt Nam là ngôi sao đang lên trong nhiều lĩnh vực

V.N 02/01/2021 10:34 GMT+7
Trong những bài báo trước thềm năm mới 2021, báo chí nước ngoài đã ghi nhận tăng trưởng và các chỉ số tích cực của nền kinh tế Việt Nam, thành tích chống dịch ở Việt Nam cũng như sự dịch chuyển chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia sang Việt Nam.

Chuyển dịch gia tăng năm 2021

Với tựa đề "Việt Nam chuẩn bị cho việc chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc", bài báo trên tờ Financial Times (FT) của Anh ngày 28.12 cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm xây dựng cơ sở ở Việt Nam.

FT cho biết, Việt Nam đang trở thành một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ các công ty tìm kiếm việc đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.

"Các doanh nhân kỳ cựu trong khu vực thích so sánh nền kinh tế đang phát triển và môi trường kinh doanh mạnh mẽ của Việt Nam với Thái Lan trong thời kỳ bùng nổ đầu tư nước ngoài bắt đầu vào những năm 1998, hoặc với Trung Quốc 20 năm trước khi lĩnh vực sản xuất của họ đang phát triển" - FT viết.

"Các yếu tố thúc đẩy gồm thành tích vững chắc của Việt Nam trong việc sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do ngày càng mở rộng, bao gồm cả các hiệp định gần đây với EU và Anh".

Báo nước ngoài : Việt Nam là ngôi sao đang lên trong nhiều lĩnh vực - Ảnh 1.

Việt Nam có thành tích tốt trong kiểm soát đại dịch. Ảnh: Getty Image.

Đại dịch đã khiến các công ty muốn dịch chuyển một phần chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc. Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital tại TP.HCM cho biết: "Hiện tượng các công ty chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam chỉ mới bắt đầu, và chúng ta sẽ thấy việc đó gia tăng trong năm tới".

Một ví dụ nổi bật là Apple, được biết đến với cơ sở sản xuất khổng lồ ở Trung Quốc. Họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt một số tai nghe không dây AirPods của mình tại Việt Nam vào quý 2 năm nay, khi hầu hết thế giới đang trong tình trạng đóng cửa. Nhưng, FT chỉ rõ, những doanh nghiệp mới gia nhập Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể mà đất nước này đặt ra như một điểm đến sản xuất.

Ứng phó với thách thức

Các khó khăn mà FT nêu ra gồm: Thị trường lao động ở Việt Nam không sâu như ở Trung Quốc. Thị trường lao động địa phương không sâu như Trung Quốc. Không gian khu công nghiệp đang có nhu cầu lớn, đặc biệt là ở phía Nam xung quanh TP.HCM. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất của thành phố từ lâu đã hoạt động quá công suất. Việc mở rộng đang được tiến hành và một sân bay mới đang được xây dựng, nhưng dự kiến chỉ sẵn sàng vào năm 2025. 

Đáng chú ý nhất, nhiều linh kiện được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao ở Việt Nam, từ vi mạch cho đến điện thoại thông minh, vẫn có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan hoặc các nơi khác và được chuyển đến để lắp ráp ở đó. Cơ sở cung ứng nội địa của Việt Nam không sánh được với Trung Quốc.

Ngoài ra căng thẳng thương mại bắt đầu bùng phát với Mỹ. Chưa rõ chính quyền của ông Biden sẽ xử lý thế nào, nhưng Washington đã sử dụng cùng quá trình này để áp thuế với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Song giới doanh nghiệp cho rằng thị trường Việt Nam đang điều chỉnh trước những khó khăn đó, kể cả tronng đại dịch.

Các khu công nghiệp mới đang được phát triển. Chẳng hạn nhà điều hành kho bãi lớn nhất Châu Á GLP đang phát triển các dự án ở Hà Nội và TP.HCM và dự định đầu tư 1,5 tỷ USD trong 3 năm tới vào Việt Nam.

Các con số tăng trưởng của Việt Nam rất tốt, từ giải ngân đầu tư, tăng trưởng... Các nhà phân tích cho rằng các công ty đa quốc gia ở Việt Nam đang xây dựng cơ sở cung cấp của họ, một hành động hứa hẹn đưa việc sản xuất gần hơn tới một trình độ mà theo thời gian sẽ thực sự trở nên cạnh tranh với Trung Quốc. Chúng ta đang thấy việc xây dựng chuỗi cung ứng ở đây - ông Kokalari cho biết.

Tăng trưởng tốt

Nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt của Việt Nam trong đại dịch. 

Báo Fortune ngày 28.12 viết: Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ phản ứng đáng ngưỡng mộ nhất với Covid-19 lại chia sẻ biên giới và thường xuyên có du khách từ Trung Quốc, như Mông Cổ, Việt Nam và Đài Loan. Nhờ sớm hạn chế đi lại, xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc và cách ly chặt chẽ mà các nước và lãnh thổ này đã tránh được việc bùng phát trên diện rộng và duy trì tỷ lệ tử vong vì corona virus ở mức thấp.

Điểm lại diễn biến dịch ở Việt Nam, tờ báo nhắc lại ca Covid-19 ở Đà Nẵng mùa hè vừa qua đe dọa thành công chống dịch sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, qua đó ghi nhận những biện pháp chính phủ thực hiện như xét nghiệm và yêu cầu người từ Đà Nẵng vè tự cách ly. Việt Nam cũng đã cấm hạn chế đi lại tương đối sớm, như dừng bay đến và đi Vũ Hán vào 24.1, cấm du khách Trung Quốc từ 15.2, ngừng mọi chuyến bay đến vào 22.3, giãn cách xã hội từ 1.4...

"Việc trấn áp được sự lây lan của virus corona đã giúp Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế trong nước một cách an toàn, điều đó giúp cho Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế dương vào quý ba. Các nhà kinh tế nói Việt Nam có thể là nền kinh tế lớn duy nnhất ở Châu Á, cùng với Trung Quốc, ghi nhận tăng trưởng dương năm 2020" – tờ báo viết.

Trang Eurasia Review ngày 31.12 viết: "Việt Nam là ngôi sao đang lên ở nhiều lĩnh vực". Bài báo điểm lại một vài con số: Theo WB< GDP của Việt Nam là 216,91 bỷ USD, tổng giá trị xuất khẩu là 264,18 tỷ USD năm 2020. 

Báo Nikkei Asia của Nhật ngày 29.12 đăng bài viết có tựa đề: "Việt Nam, Indonesia và Malaysia sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2021". Bài báo cho biết, Nikkei đã tập hợp số liệu dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại mỗi nước về GDP thực tế của nước đó.

Năm nay tăng trưởng của Việt Nam là 2,9%. Công nghiệp sản xuất và chế biến tăng 3,98% và vẫn là động lực tăng trưởng chính. Dịch vụ tăng 2,345, nông nghiệp tăng 2,68%...

The Star của Malaysia và hãng Reuters của Anh cũng dẫn các số liệu của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng của Việt Nam trong các lĩnh vực, cho biết đây là mức thấp nhất của Việt Nam trong thập niên qua, nhưng là mức cao nhất thế giới trong bối cảnh dịch hiện nay.

Reuters nêu rõ: "Với các biện pháp cách ly và theo dấu nghiêm khắc, Việt Nam đã nhanh chóng kiềm chế được dịch, cho phép các hoạt động kinh tế trở lại nhanh hơn phần lớn Châu Á. Việt Nam ghi nhận 1.440 trường hợp nhiễm với 35 người chết".