Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Giật mình, lại đã chuẩn bị tết rồi.
Giật mình là bởi, mọi năm nó khác, năm nay dịch giã như thế, công việc đình đốn, lương lậu hẻo, thu nhập thấp, cái sự ngóng tết nó không mặn như mọi năm nữa.
Nhưng hôm qua đọc cái chỉ thị của Ban Bí thư, thấy Tết đã rất gần.
Tự bao giờ nhỉ, chúng ta có cái lệ cứ Tết là đi biếu quà cấp trên, trong khi nhẽ đúng phải là cấp trên đi thăm hỏi động viên tặng quà cấp dưới.
Cái chỉ thị 48 của Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, một là cấm, tôi nhấn mạnh là cấm, biếu tặng quà Tết cấp trên, và 2 là tập trung lo Tết cho người nghèo.
Hình như năm ngoái là Thủ tướng chỉ thị, năm nay thì Ban bí thư.
Phong tục Tết lâu đời ở ta chỉ là trong nhà chúc Tết mừng tuổi nhau lúc giao thừa hoặc sáng mùng một. Tiền mừng tuổi, đa phần mệnh giá nhỏ, nhưng mới, được chuẩn bị sẵn, bỏ trong phong bao hồng điều. Con cháu xếp hàng mừng tuổi ông bà, rồi lại đến lượt vòng tay nhận của ông bà, chúc nhau những điều tốt đẹp đúng lúc trời đất giao hòa, nó thiêng liêng ấm cúng. Rồi sau đó đến thăm chúc Tết bên thông gia, thầy cô giáo...
Nó đẹp và nghĩa tình.
Thế rồi, chuyện biếu xén cấp trên xuất hiện.
Tôi đồ chừng nó ra đời từ khi có chế độ bao cấp với cơ chế xin cho. Nó là một cách "lại quả"- cái từ dân gian nhưng rất thấm và tếu, tranh thủ Tết để biếu lại cho nhau. Có lại quả cho việc đã rồi, và cả lại quả cho... tương lai.
Có năm nào đó một bác lãnh đạo mới nhận chức ở một thành phố lớn, sau Tết công khai số tiền mình được nhận và sung công quỹ, một số tiền khổng lồ khiến nhiều người không thể tin.
Nó trở thành gánh nặng cho rất nhiều người.
Trong cơ quan, nhân viên phải đi biếu sếp. Đa phần khoản này là... tiền túi. Túi mình hoặc túi người khác, nhưng nó là của cá nhân. Nhưng nếu anh là sếp đi biếu sếp cấp trên thì nó là tiền nhà nước. Tôi có anh bạn nguyên là giám đốc sở, anh này bảo, tôi cũng phải đi biếu, người ta sao mình vậy. Chỉ khác là tôi không lấy tiền cơ quan, mà lấy tiền túi của mình. Tất nhiên là, tiền ấy mình cũng... được biếu. Thay vì mang về nhà đưa vợ thì tôi mang... biếu lại.
Tôi có quen mấy anh chị em cán bộ quản lý cấp phòng một sở sở lớn của một tỉnh, họ bảo, Tết không đến chúc Tết sếp vì sếp... cấm. Nhưng trước Tết thì đến. Mang thùng bia, chai rượu, bảo em gửi bác, Tết em đến uống. Sếp bảo, rượu bia thì được, nhưng Tết phải đến mà uống nhé. Tất nhiên trước đấy, họp cơ quan sếp đã quán triệt, Tết không cần đến vì sếp ưu tiên anh em đến thăm nhà bà con, và đi chơi. Sếp cũng đi chơi. Và, có khi, sếp cũng không biết, đáy thùng bia hoặc chai rượu biếu sếp đều có cái... phong bì.
Tết thường là một cuộc chuyển động cuối năm rất là nhộn nhịp và hầu như công khai: Cấp dưới lên biếu cấp trên. Và điểm cuối cùng là... Hà Nội.
Nhớ năm nào đấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải kêu lên: Thôi đừng ra Hà Nội nữa, kẹt xe kẹt cộ mà nhếch nhác lắm... "Thực hiện tinh thần nêu gương, không tranh thủ dịp Tết này cấp dưới biếu quà cấp trên, các ngành các cấp không phải ra Hà Nội mang quà biếu, xe cộ ùn ùn tới nhà các lãnh đạo"- nguyên văn lời Thủ tướng.
Nói gánh nặng là cũng một phần. Phần nữa nó... buồn cười. Nó tạo cho xã hội một sự nhũng loạn, sự bất bình thường trở thành bình thường.
Thử nghĩ đi, cuối năm, trong kế lhoạch, có hẳn mục... đi Tết.
Ngành nào Tết ngành ấy. Cấp dưới chịu trách nhiệm với cấp trên, cứ thế thực thi, đương nhiên và... đầy trách nhiệm.
Tôi đã từng "được" ở cùng đường với 2 vị lãnh đạo, một Đảng một chính quyền. Cơ khổ là chính mình cứ phải... lánh mặt cho những người quen "đi Tết". Nhưng té ra tôi nhầm. Bởi đông quá, người này nối đuôi người kia, người ta chỉ nhăm nhăm nhìn vào nhà người họ sẽ "vào Tết", cứ he hé cổng là vào, có kịp nhìn tôi đâu dù quen khá nhiều. Rồi trong 2 vị kia, vị này nhiều người "đến thăm" hơn vị kia. Và nó "biến chuyển" theo tình hình. Hồi đầu là túi quà, sau này là... tay không, tức phong bì. Buồn cười lắm. Xe từ từ lăn bánh trước nhà các vị này. Thấy xe này di chuyển thì xe kia đậu vào, cứ thế "luân chuyển" trong mấy ngày trước Tết, mỗi xe chừng mười mấy phút, thì nhường xe sau. Bà con hàng xóm có vẻ như đã quen, thôi thì...
Hà Nội, điểm cuối cùng của... Tết, có 2 câu chuyện. Một là nếu là giới nhà văn, họ bảo Hà Nội có... 5 mùa. Xuân hạ thu đông và mùa... kết nạp hội viên. Nước ta người háo danh rất nhiều. Học cụ Nguyễn Công Trứ. Cụ dạy là, "đã mang tiếng ở trong trời đất/ phải có danh gì với núi sông". Đất nước văn hiến, danh nhất là danh... hội viên hội nhà văn Việt Nam, nên cái mùa này rất quan trọng, nhộn nhịp. Nhưng cái mùa lớn hơn, là mùa... thu. Mùa thu nhưng lại diễn ra vào tết, ấy chính là mùa "đi tết" này. Các tỉnh thành về tết trung ương.
Con tôi, và rất nhiều người tôi biết, làm cho các công ty nước ngoài, thì nếu có biếu xén cho chác tặng quà gì, thì là sếp tặng cho cấp dưới. Họ cảm ơn cấp dưới vì đã giúp họ làm tròn công việc. Và có cấp dưới mới có họ. Và còn vì, thu nhập của họ cao hơn cấp dưới...
Năm nay, cuối năm lò rừng rực nóng. Một loạt bác danh tiếng vào lò hoặc tiếp tục ra tòa. Ban Bí thư lại ra chỉ thị này, tôi đọc thấy hết sức nghiêm khắc và cặn kẽ. Một năm Covid hoành hành. Rồi lại bão lũ thiên tai. Nếu người có tâm, có tầm, có sự thấu hiểu... thì hãy lo cho dân. Cái sự "ơn nghĩa" nếu có, nó chính là sự chăm sóc cho những người nghèo, cho nhân dân, những người dân đã hết mình cho đất nước, đã, dẫu rất khó khăn, vẫn đóng thuế, để đất nước có kinh phí làm những việc lớn, phục vụ xã hội, phục vụ Tổ quốc, chứ không phải để trả ơn nhau, những cái ơn không phải móc từ túi mình...
Và tôi hết sức hy vọng, tin tưởng, Tết năm nay, Hà Nội không... tắc đường vì xe các tỉnh về chúc tết, dẫu giờ, chỉ một cú chuyển khoản là xong...
Nó sẽ chấm dứt sự nhếch nhác, không chỉ nhếch nhác về hình thức, mà cả sự nhếch nhác tư cách. Và người nghèo sẽ có một cái tết an vui từ những khoản tiền nhẽ ra đã... ngược lên trên ấy...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.