Sai phạm mang tên Tất Thành Cang

Cao Hùng Thứ sáu, ngày 18/12/2020 19:21 PM (GMT+7)
Ông Tất Thành Cang - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, từng là "hạt giống đỏ" với quá nhiều tiềm năng. Quan lộ của ông Cang suôn sẻ, thênh thang suốt hơn 2 thập niên qua, cho đến cái ngày sụp đổ, khi cơ quan luật pháp tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Cang.
Bình luận 0

Câu hỏi đặt ra, vì sao một Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tiềm năng như thế lại gục ngã giữa độ tuổi sung mãn? Không phải ngẫu nhiên mà khi nghe tin ông Cang bị khởi tố, nhiều người… thở phào, hơn là cảm thông, chia sẻ… Với hàng loạt sai phạm tại hàng tá sự vụ lúc còn đương chức, ông Cang đã vô tình dựng nên cho mình một "sai phạm" nghiêm trọng mang chính cái tên ông – Tất Thành Cang.

Trong phi vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), chỉ ý kiến chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện việc làm trên, với tư cách Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông Tất Thành Cang đã có dấu hiệu gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng tiền vốn của nhà nước. Hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí…" (Điều 219 – Bộ Luật Hình sự năm 2015) đã khiến ông Cang phải tra tay vào còng. 

Chưa hết, người ta còn được biết ông Cang, khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chấp thuận cho phép Công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghiệp Tân Thuận cổ phần hóa, với tỷ lê vốn nhà nước là 65%. Con số này trái ngược hoàn toàn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp có 100% vốn của nhà nước. Đồng nghĩa, nhà nước mất quyền chi phối Cảng khu công nghiệp Cát Lái ở quận 2.

Ồn ào dư luận năm 2017, là việc ông Cang đã nhanh nhảu chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Tân Thuận (doanh nghiệp trực thuộc Thành ủy TP.HCM) bán hơn 320.000 m2 đất, thuộc Dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, với giá rẻ như bèo, cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (doanh nghiệp tư nhân). Khu đất chỉ được bán với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Trong khi, theo giá thị trường, khu đất trên phải có giá trên 2.000 tỷ đồng…

Sai phạm mang tên Tất Thành Cang - Ảnh 2.

Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang vào chiều 16/12. Ảnh: N.Thạch.

Xâu chuỗi các vụ việc trên cho thấy, với tư cách cá nhân được giao trọng trách là một trong những lãnh đạo cao nhất của một địa phương quan trọng như TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã có các sai phạm nghiêm trọng. Theo hồ sơ của Thanh tra TP.HCM, hầu hết các ý kiến chấp thuận từ ông Cang, đều không thông qua tập thể là Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để báo cáo và có sự thống nhất chung. Chưa nói, có sự vụ ông Cang còn bất chấp luật pháp, vượt thẩm quyền, nhiệt tình thái quá trong quyết định, chỉ đạo…

Trong lúc đó, bất kỳ ai biết chuyện cũng hiểu rất rõ rằng, một ý kiến, một chấp thuận chủ trương hay một chỉ đạo của một lãnh đạo có chức vụ quan trọng như ông Tất Thành Cang, sẽ quyết định sự thành – bại của một doanh nghiệp hay cả một dự án. 

Bằng chứng cho thấy, trong 4 vụ việc nêu trên, thì sự quyết định của ông Cang tại các doanh nghiệp đều gây ra thua thiệt tệ hại cho tài sản của nhà nước. Thiệt hại ấy không hề nhỏ, mà lên tới con số hàng trăm tỷ đồng tại thời điểm xảy ra sai phạm. Thế mới biết, cái sai của một người bình thường, có thể không nghiêm trọng. Thế nhưng, với lãnh đạo cơ quan công quyền, lãnh đạo bộ máy chính quyền, thì chỉ một ý kiến, cái chấp thuận… nhẹ nhàng, sẽ đẩy sự việc đi rất xa, gây thiệt hại vô cùng lớn – nhất là thiệt hại đến tiền thuế của dân, tài sản của nhà nước, tài sản của quốc gia – không thể cứu vãn nổi.

Thời gian sắp tới, dư luận, công luận ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, chắc chắc sẽ xôn xao nhiều xung quanh "sai phạm mang tên Tất Thành Cang". Tại thông báo chính thức của Công an TP.HCM vào tối 16/12 đã dẫn lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền…".

Dư luận cả nước rất đồng tình với quan điểm trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Việc khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – ông Tất Thành Cang, là một đột phá, sau thời gian dài cân nhắc, xem xét kỹ càng của các cơ quan luật pháp, trước dấu hiệu sai phạm trong hàng loạt sự vụ của ông Tất Thành Cang.

Xử lý nghiêm các sai phạm của ông Tất Thành Cang, không đơn giản là thực hiện theo đúng quy định của luật pháp hiện hành. Hơn thế, việc "kiên quyết xử lý  nghiêm minh ấy" còn nói lên thông điệp của người đứng đầu Đảng, nhà nước rằng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền cho bất kỳ ai, nếu người đó vi phạm luật pháp. Đặc biệt, đối với các quan chức sai phạm "khủng" như ông Tất Thành Cang, thì càng phải kiên quyết xử lý nghiêm minh.

Chưa một ai, tổ chức nào thống kê được bao nhiêu người dân đồng tình trong việc xử lý hình sự ông Tất Thành Cang (sau thời gian dài việc xử lý chỉ mới ở mức xử lý hành chính). Nhưng, chắc chắn rằng, ai ai cũng cảm nhận một điều rằng, niềm tin của người dân TP.HCM và cả nước, về công tác đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, trong thời điểm này, không bị chùng lại như có người đồn đoán; trái lại, niềm tin vào cuộc đấu tranh ấy trong nhân dân vẫn tiếp tục được củng cố hơn bao giờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem