Tiếp theo bài 1 trong loạt bài "Đại hội Đảng XIII: Điểm nhấn "chỉnh đốn Đảng" và "xây dựng hệ thống chính trị trong sạch", PV Dân Việt đã tìm gặp các vị nguyên lãnh đạo cấp cao, chuyên gia chính trị học để hiểu có được những phân tích sâu sắc hơn những những sự bổ sung quan trọng này cho chủ đề của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Cách đây 5 năm, trước kỳ Đại hội XII của Đảng, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư có nhận xét, tình hình hết sức đáng lo ngại. Theo ông, thực tiễn từ cuối nhiệm kỳ khóa XI, tình hình kinh tế -xã hội có nhiều bất ổn, đặc biệt có nhiều bất ổn trên phạm vi vĩ mô.
Ông Phan Diễn dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn, chủ chốt làm ăn thua lỗ, để thất thoát tài sản. Nhiều dự án xây dựng quan trọng chậm tiến độ, không đạt hiệu quả. Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, phát triển chật vật, ta thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhưng lựa chọn, quản lý không tốt. Kết quả là nhịp độ phát triển kinh tế chậm dần, chất lượng và hiệu quả phát triển kém, chúng ta liên tục bội chi ngân sách, nợ công…
Tình hình như vậy nhưng chúng ta chỉ có những giải pháp tình thế, chắp vá, thiếu biện pháp căn cơ. Trong khi đó tình hình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế chính trị chưa đạt như mong muốn, tình trạng tham nhũng, tiêu cực hoành hành.
"Người dân không khó nhận ra trong cơ quan lãnh đạo của đảng bộ, chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở, ngày càng nhiều lãnh đạo có biểu hiện cơ hội, nâng đỡ cho tội phạm, xu nịnh...Theo dõi các vụ án được truy tố, xét xử trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã thấy phần nào điều đó", ông Phan Diễn nói.
Trước tình hình đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. "Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được làm quyết liệt, nhìn thẳng vào sự thật, từ đó làm xoay chuyển tình hình", ông Phan Diễn đánh giá.
Có thể thấy, chưa có nhiệm kỳ nào số tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật nhiều như nhiệm kỳ Đại hội XII. Có tới 110 đảng viên là cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Trong số hàng trăm cán bộ nêu trên có người bị xử lý hình sự. Kết quả trên đã củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Từ kết quả tích cực và bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng tại nhiệm kỳ Đại hội XII, đến Đại hội XIII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được nhấn mạnh ngay trong chủ đề của Đại hội. Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, công tác xây dựng Đảng đưa lên chủ đề Đại hội là nhấn mạnh và luôn luôn chú trọng đối với công tác này.
Vẫn theo PGS –TS Nguyễn Viết Thông, trong xây dựng Đảng còn có sự bổ sung mới, đó là xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Đảng thành: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
"Hệ thống chính trị nòng cốt là nhà nước, bên cạnh đó là các tổ chức chính trị -xã hội, các tổ chức này đều do Đảng lập ra. 3 bộ phận gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì nhà nước và các tổ chức chính trị -xã hội cũng phải được xây dựng trong sạch, vững mạnh, có như vậy mới đầy đủ và toàn diện", PGS –TS Nguyễn Viết Thông nói.
PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia HCM), Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước xã hội, cho nên trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội, Đảng phải xác định những nhiệm vụ trên các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…và đặc biệt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
"Đảng ta phải luôn luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không được một chút lơ là. Vì sao?. Vì Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, mọi quyết định của Đảng liên quan trực tiếp đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc và mọi mặt đời sống của nhân dân", PGS –TS Nguyễn Minh Tuấn nói và cho rằng, đã xây dựng Đảng mạnh thì cùng với đó là phải xây dựng hệ thống chính trị mạnh, như vậy mới đảm bảo sự đồng bộ, toàn diện.
Tại hệ thống các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị -xã hội đều có các đảng viên của Đảng. Khi những đảng viên ở đó nêu cao trách nhiệm, tích cực xây dựng bộ máy làm việc trong sạch, đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp thì điều đó cũng đồng nghĩa giúp cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
"Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Đảng phải dựa vào nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội. Chính vì thế, hệ thống chính trị có vững mạnh mới làm cho Đảng mạnh được. Không thể có chuyện Đảng mạnh mà hệ thống chính trị lại không mạnh và ngược lại", PGS –TS Nguyễn Minh Tuấn nói.
(Còn nữa)