Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn để Đảng trong sạch, vững mạnh

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 01/01/2021 09:00 AM (GMT+7)
Theo PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), tại nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng có Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bình luận 0

Còn khoảng 3 tuần nữa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra tại Hà Nội. Tiếp nối những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại nhiệm kỳ Đại hội XII, chủ đề của Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng, đồng thời mở rộng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ hàng đầu

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Ngô Hai - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, ông rất tâm đắc khi chủ đề Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: "Công tác xây dựng Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, bởi Đảng ta là tổ chức chính trị lãnh nhận trách nhiệm lãnh đạo xã hội, xây dựng đất nước nên thường xuyên phải xây dựng, chỉnh đốn để Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng có vững mạnh thì mới lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước thành công".

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn để Đảng trong sạch, vững mạnh  - Ảnh 1.

Hội nghị Trung ương 14 khóa XII cho ý kiến vào các dự thảo Văn kiện để hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Tổng kết riêng về công tác xây dựng Đảng

Một điểm rất đáng chú ý nữa là Ban Chấp hành T.Ư đã quyết định có báo cáo tổng kết riêng về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII trình Đại hội XIII của Đảng. Theo ông Nguyễn Đức Hà: "Có thể nói, rất ít Đại hội Đảng toàn quốc có báo cáo tổng kết riêng về công tác xây dựng Đảng, nội dung này thường chỉ là một mục trong báo cáo Chính trị. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng có nhiều điều đáng nói và cũng có nhiều điều cần phải nói".

Theo PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), tại nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng có nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đến nhiệm kỳ Đại hội XII, cũng tại Hội nghị T.Ư 4, Trung ương có Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nghị quyết đã cụ thể hơn, đưa ra 27 biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Trên tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng với đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được làm quyết liệt. Theo ông Nguyễn Ngô Hai, từ khi đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa có nhiệm kỳ nào số cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và cả xử lý hình sự nhiều như nhiệm kỳ Đại hội XII. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý (trong đó 27 ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng".

"Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nếu không được tăng cường, làm thường xuyên, liên tục để Đảng trong sạch, vững mạnh thì sẽ đánh mất vai trò, đánh mất ngọn cờ lãnh đạo. Đảng ta đã nhận thức rất rõ điều đó nên đã cương quyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng với cách làm bền bỉ, toàn diện, quyết liệt, không có vùng cấm. Trong chủ đề của Đại hội XIII, công tác xây dựng Đảng tiếp tục được nhấn mạnh, điều đó cho thấy công tác này luôn được ưu tiên hàng đầu, đây cũng là mong muốn của đảng viên và nhân dân" - PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ.

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn để Đảng trong sạch, vững mạnh  - Ảnh 3.

Tại nhiệm kỳ Đại hội XII, trong công tác xây dựng Đảng, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, còn một dấu ấn rất quan trọng nữa đó là việc thể chế hóa, cụ thể hóa nhiều văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư), từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành 4 nghị quyết và 1 quy định về công tác xây dựng Đảng; Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành hơn 120 nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, thông báo, kết luận, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng.

Đáng chú ý như quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư… "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, chúng ta phải cố gắng cơ bản hoàn thiện về mặt thể chế để thực hiện" - ông Nguyễn Đức Hà nói.

Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

PGS-TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư nhìn nhận, chủ đề của Đại hội XIII xác định tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh và mở rộng tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ông Thông giải thích, nói đến hệ thống chính trị là có Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội. Về mặt lý luận, Đảng vẫn là một bộ phận thuộc hệ thống chính trị. Nói "Đảng và hệ thống chính trị" tức là nhấn mạnh rất cao.

Theo ông Nguyễn Ngô Hai, về mặt lý luận Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc là ba thành tố của hệ thống chính trị. Nếu một bộ phận yếu, một bộ phận không trong sạch, vững mạnh sẽ làm cho cả hệ thống không trong sạch, vững mạnh. "Ngoài vấn đề xây dựng Đảng còn phải xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh như thế mới toàn diện" - ông Nguyễn Ngô Hai nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, bên cạnh mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị trong sạch đi cùng với đó phải từng bước đổi mới. "Chúng ta thấy thời gian qua hệ thống chính trị cũng có những đổi mới. Nhưng những bước này có thể thấy vẫn còn chậm so với đổi mới kinh tế, chưa tương xứng với đổi mới kinh tế. Đổi mới kinh tế đi trước mà đổi mới chính trị không theo kịp thì về mặt nào đó nó sẽ kìm hãm đổi mới kinh tế" - PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà nói.

Theo PGS Hà, cần phải tiếp tục đổi mới các hoạt động trong hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa Đảng với Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Đổi mới phương thức nội dung hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, ví dụ như Hội Nông dân, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ làm sao có hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển. Đổi mới công tác hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp để ngày càng hiệu quả hơn, nâng cao vai trò giám sát chặt chẽ hơn. Đổi mới hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem