Dân Việt

An Giang: Lạ lùng, ở làng này dân làm nghề gì mà mỗi ngày đi bộ từ 10-15km hơn cả vận động viên?

Chúc Ly - Mai Anh 07/01/2021 06:21 GMT+7
Tại miền Tây có một làng nghề truyền thống rất đặc biệt, mỗi ngày người làm phải đi bộ ít nhất 10-15km. Đây là làng nghề chạy dây keo (dây thừng, nghề đánh dây thừng, bện dây thừng) tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Cách trung tâm UBND xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang chừng vài km, nơi đây thường được mọi người gọi vui là "xóm chạy". Bởi, những người thợ ở đây phải di chuyển ít nhất 10-20km đi bộ mỗi ngày chỉ để kéo dây.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 1.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 2.

Đây là làng nghề truyền thống, mỗi ngày người thợ phải đi bộ từ 10-15km. Ảnh: M.A.

Chẳng ai nhớ rõ nghề kéo dây ở xứ này có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây nghề cha truyền con nối, có những gia đình có đến 2-3 thế hệ gắn bó với nghề. Công việc làm dây keo tại địa phương này nhìn có vẻ rất đơn giản. Người thợ sẽ nhận ống dây từ các cơ sở, sau đó se thành các cuộn dây với kích thước lớn, nhỏ khác nhau theo yêu cầu.

Anh Khâu Thế Bảo, ngụ xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, cho biết: "Làng nghề kéo dây ở đây thực chất là đánh dây thừng (làm dây thừng). Hàng chục năm nay, từ khi còn nhỏ tôi đã thấy cha mình làm nghề. Bây giờ thì đến lượt tôi theo nghề".

Trong khi đó, ông Đinh Văn Út, ngụ cùng xã Mỹ Hội Đông, cho hay: "Những người sau này theo nghề thì đỡ cực hơn xưa nhiều. Bởi bây giờ, có máy hỗ trợ, nên làm ra sản phẩm cũng nhanh hơn. Theo nghề này thì không giàu nhưng sống được".

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 3.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 4.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 5.

Nghề chạy dây keo nhìn có vẻ đơn giản nhưng luôn phải có sự tỉ mỉ, kết hợp nhịp nhàng giữa những người làm. Ảnh: M.A.

Lần đầu tiên đến đây, ắt hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên vì những người làm nghề cứ cầm một cái cào chạy vòng vòng theo các luống dây dài thườn thượt. Đặc biệt, nghề kéo dây không thể làm 1 mình, luôn có sự kết hợp giữa 2 người.

Cụ thể, một người sẽ đảm nhận việc chia dây và quấn dây, người còn lại nhận nhiệm vụ căng dây và se dây. Công việc này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 người, người chia phải nhả dây từ từ, nếu quá nhanh sẽ rối, còn chậm người kéo sẽ rất nặng.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 6.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 7.

Để làm ra một sợi dây thành phẩm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: M.A.

Nhìn có vẻ đơn giản, nhưng để làm ra một sợi dây thành phẩm thì khá phức tạp và tốn rất nhiều công sức. Đầu tiên, người thợ sẽ chia những sợi dây vào các kẽ lược. Sau đó, dây sẽ được buộc cố định vào một dụng cụ gọi là chiếc cào. 

Tùy theo yêu cầu của khách mà số sợi sẽ nhiều hay ít. Người thợ sẽ cầm cào này di chuyển ra bãi đất trống đi qua các "ngựa". Thao tác này là việc để các sợi dây đơn được căng ra. Sau đó, máy sẽ se dây lại với nhau.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 8.

Các bãi đất trống chằng chịt dây dễ khiến những người không quen tay bị rối. Ảnh: M.A.

Theo bà Khâu Lệ Thủy, khi làm việc quen, nghề chạy dây keo cũng khá kén công, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và kiên trì. Để làm ra được một sợi dây tùy kích thước thì phải trải qua nhiều công đoạn. Nếu dây to phải chọn đến hơn trăm sợi, dây nhỏ thì vài chục sợi. 

Những sợi dây thô ban đầu phải đều nhau, thì khi ra thành phẩm dây sẽ tròn đều, đẹp và chắc chắn hơn. Với mỗi ký dây thành phẩm, người thợ được chủ các cơ sở trả từ từ 1.000 – 5.000 đồng/kg tùy kích cỡ.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 9.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 10.

Công việc chạy dây keo không kén chọn lứa tuổi, già trẻ lớn bé đều làm được. Ảnh: M.A.

An Giang: Lạ lùng nghề truyền thống, mỗi ngày người làm đi bộ từ 10-15km - Ảnh 11.

Với công việc này, mỗi người kiếm được từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Ảnh: M.A.

Theo những người thợ làm nghề, nghề này làm được quanh năm, chỉ có khoảng tháng 11, 12 thì ít làm hơn các thời điểm khác. Ngoài ra, lao động làm nghề không kén tuổi, già trẻ bé lớn đều làm được. Những người thợ theo nghề phải thức từ 4 giờ sáng, đốt đèn để làm đến khoảng 3 giờ chiều. 

Hiện nay thị trường được mở rộng, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm xuất đi cả Campuchia. Từ đó cũng tiếp sức giúp bà con làng nghề làm dây keo bám trụ.