Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được nghiên cứu từ năm 1972, được bắt đầu xây dựng từ năm 1974 bởi Trung Quốc và được Liên Xô hoàn thành vào năm 1985. Cầu Thăng Long là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô.
Cầu được xây dựng với nhịp chính vượt sông: dài 1.680 m gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 05 liên dầm liên tục mỗi liên có độ dài 336m. Cầu gồm 2 tầng: cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới và cầu đường ô tô nằm ở tầng trên.
Sau hơn 15 năm khai thác phần mặt đường ô tô trên cầu chính đã xuất hiện các hư hỏng, với các đặc điểm kết cấu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, giàn thép liên tục trên nhiều nhịp) mặt cầu phải chịu đồng thời các tải trọng xe chạy trên mặt cầu, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ… tạo ra các dao động, chuyển vị, biến dạng lớn, đồng thời theo các phương khác nhau.
Do vậy từ sau lần sửa chữa lớn năm 2009 và nhiều lần sửa chữa cục bộ, đến nay các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây bức xúc dư luận...
Để đảm bảo chất lượng cầu Thăng Long và an toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai thi công sửa chữa bắt đầu triển khai từ 16/8/2020. Dự án sửa chữa cầu Thăng long có giải pháp kỹ thuật phức tạp lần đầu tiên được áp dụng trên quy mô và khối lượng lớn với các công tác chủ yếu: phân luồng tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận; làm sạch và sơn toàn bộ mặt cầu; hàn 1,4 triệu đinh neo; lắp đặt 800 tấn thép; đổ 2.000 m3 bê tông siêu tính năng; quét keo dính bám và thảm Bê tông nhựa polyme: 27.200 m2
Quá trình sửa chữa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA thường xuyên có mặt tại công trường, phối hợp với các đơn vị TVTK, TVGS, Nhà thầu để kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiểm soát chất lượng, đôn đốc tiến độ.
Các Nhà thầu tham gia dự án cũng đã triển khai với tinh thần quyết tâm cao, huy động tối đa các nguồn lực, tăng ca thi công (một số hạng mục công việc phải làm liên tục cả 3 ca) để đẩy nhanh tiến độ. Đến thời điểm hiện nay, công tác triển khai thi công đã đảm yêu cầu về tiến độ, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng; theo kết quả thử tải độ cứng của cầu tăng lên khoảng 2 lần so với trước đây.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long do các đội ngũ khoa học, tư vấn, nhà thầu thi công trong nước thực hiện lập dự án, thiết kế, thi công, giám sát công trình, qua Dự án các cán bộ, kỹ sư và công nhân trong nước đã tích lũy kinh nghiệm, làm chủ được các giải pháp công nghệ và sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng hiệu quả cho các công trình khác sau này.
Việc hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến Vành đai III thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa Thành phố Hà Nội với sân bay Quốc tế Nội Bài và với các tỉnh thành trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông trong các tuyến đường cửa ngõ thủ đô Hà Nội đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: "Chúng tôi rất vui, sau khi dự án được nâng cấp sửa chữa, đến nay, mặt cầu Thăng Long được đánh giá có độ cứng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi mặt cầu Thăng Long được sửa".
Đánh giá về chất lượng cầu Thăng Long sau khi sửa chữa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiết lộ: "Trước khi mặt cầu Thăng Long tiến hành sửa chữa, mặt cầu Thăng Long chỉ có độ dày 14 mm, rất mỏng nên mặt cầu có độ rung lắc".
Tuy nhiên, sau khi Bộ GTVT thực hiện gia cố, mặt cầu Thăng Long đã vững chắc hơn. "Tôi có chứng kiến xe 26 tấn chở bê tông thảm mặt cầu Thăng Long, quá trình thảm không hề có dấu hiệu rung. Như vậy, độ cứng của cầu Thăng Long có độ cứng tối đa, tránh những chấn động", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, mặt cầu Thăng Long được trảm lớp mặt polime 4 cm, có độ bền rất tốt. Bên cạnh đó, lớp kết cấu liên kết giữa lớp bê tông siêu tính năng với lớp polime là rất tốt. Đặc biệt, lớp bê tông siêu tính năng được liên kết với mặt cầu bằng khoảng 1,5 triệu đinh gắn với mặt cầu, cùng với đó là lớp lưới thép.
"Hệ thống cầu Thăng Long được thiết kế có độ bền vĩnh cửu tới 100 năm, lớp mặt polime chúng tôi đang kỳ vọng thực hiện đúng quy định, nếu làm tốt có tuổi thọ từ 6 - 10 năm. Còn lớp bê tông siêu tính năng gắn liền với mặt cầu Thăng Long nên sẽ không còn xảy ra hư hỏng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.