Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Mặt cầu Thăng Long có độ cứng gấp 3 lần so với trước

Thế Anh Thứ hai, ngày 04/01/2021 13:01 PM (GMT+7)
"Mặt cầu Thăng Long được đánh giá có độ cứng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi được sửa chữa", đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.
Bình luận 0

Dự kiến ngày 7/1/2021 cầu Thăng Long thông xe

Đến nay, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) đã hoàn thành thảm lớp bê tông nhựa Polimer có độ dày 4 cm. Các công việc như sơn kẻ mặt đường, hộ lan và các công việc khác đang được hoàn thiện.

Dự kiến vào 7-9h sáng ngày 7/1/2021, các phương tiện có thể di chuyển bình thường qua cầu. Việc thông xe sẽ đảm bảo cho người dân lưu thông một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Cầu Thăng Long có độ cứng tránh "chấn động" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Sau khi hoàn thành sửa chữa, cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm Thành phố đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận.

Tổng kinh phí đầu tư sửa chữa cầu Thăng Long là 270 tỷ đồng (trước đó, vào các năm 2013, 2014 theo phương án của Tư vấn KEI (Nhật Bản) thì kinh phí sửa chữa mặt cầu Thăng Long là 313 tỷ đồng).

Trao đổi với PV Dân Việt, về chất lượng của cầu Thăng Long sau khi được sửa chữa, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: "Chúng tôi rất vui, sau khi dự án được nâng cấp sửa chữa, đến nay, mặt cầu Thăng Long được đánh giá có độ cứng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi mặt cầu Thăng Long được sửa".

Đánh giá về chất lượng cầu Thăng Long sau khi sửa chữa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiết lộ: "Trước khi mặt cầu Thăng Long tiến hành sửa chữa, mặt cầu Thăng Long chỉ có độ dày 14 mm, rất mỏng nên mặt cầu có độ rung lắc".

Tuy nhiên, sau khi Bộ GTVT thực hiện gia cố, mặt cầu Thăng Long đã vững chắc hơn. "Tôi có chứng kiến xe 26 tấn chở bê tông thảm mặt cầu Thăng Long, quá trình thảm không hề có dấu hiệu rung. Như vậy, độ cứng của cầu Thăng Long có độ cứng tối đa, tránh những chấn động", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Cầu Thăng Long có độ cứng tránh "chấn động" - Ảnh 2.

Công nhân tiến hành rải thảm mặt cầu Thăng Long.

Sau khi gia cố, mặt cầu Thăng Long đã vững chắc hơn

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, mặt cầu Thăng Long được trảm lớp mặt polime 4 cm, có độ bền rất tốt. Bên cạnh đó, lớp kết cấu liên kết giữa lớp bê tông siêu tính năng với lớp polime là rất tốt. Đặc biệt, lớp bê tông siêu tính năng được liên kết với mặt cầu bằng khoảng 1,5 triệu đinh gắn với mặt cầu, cùng với đó là lớp lưới thép.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Cầu Thăng Long có độ cứng tránh "chấn động" - Ảnh 3.

Cầu Thăng Long đang trong giai đoạn sửa chữa.

"Hệ thống cầu Thăng Long được thiết kế có độ bền vĩnh cửu tới 100 năm, lớp mặt polime chúng tôi đang kỳ vọng thực hiện đúng quy định, nếu làm tốt có tuổi thọ từ 6 - 10 năm. Còn lớp bê tông siêu tính năng gắn liền với mặt cầu Thăng Long nên sẽ không còn xảy ra hư hỏng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Quá trình sửa chữa cầu Thăng Long, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã hàn gắn khoảng 1,5 triệu chiếc đinh neo lên toàn bộ bản thép mặt cầu, mỗi chiếc đinh neo có chiều cao 5 cm, là sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc hàn gắn 1,5 triệu chiếc đinh neo là để gia cố thêm cho bản mặt cầu.

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu, hoàn toàn do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ. Bộ GTVT thành lập Ban chỉ đạo dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long cùng với đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thành lập Ban chỉ đạo dự án.

Đồng thời, dự án còn có một tổ cố vấn gồm các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực này. Công tác thiết kế dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được tiến hành theo hai bước: Bước lập dự án và bước thiết kế bản vẽ thi công cầu Thăng Long.

Trong đó, bước lập dự án sửa cầu Thăng Long do các đơn vị của Trường Đại học GTVT và Công ty TECCO2 đảm nhiệm, còn bước thiết kế bản vẽ thi công do liên danh Công ty TNHH GTVT (Đại học GTVT) và Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu Lớn Hầm triển khai.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11.1974 và hoàn thành vào tháng 5.1985. Cầu vượt sông dài 1.680m, gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành năm liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp nhân ba nhịp.

Cầu gồm hai tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Sau hơn 35 năm đưa vào khai thác, trải qua hai lần sửa chữa (2009 và 2013), mặt cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông qua cây cầu này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem