Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn TP.HCM do Sở Du lịch phối hợp cùng Công an TP tổ chức mới đây.
Theo báo cáo của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM, tình hình người nước ngoài nhập cảnh vi phạm pháp luật trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, trong đó tập trung vào số đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Theo đó, các đối tượng này thường lợi dụng vị trí địa lý giáp Việt Nam và chính sách thông thoáng trong xét duyệt thị thực nhập cảnh, chuyển đổi mục đích, thành lập doanh nghiệp hay kết hôn với phụ nữ Việt Nam để được cấp giấy tờ cư trú lâu dài ở Việt Nam.
Ngoài ra, còn có đối tượng người gốc Châu Phi và một số quốc tịch khác như Bangladesh, Pakistan… nhập cảnh với mục đích du lịch nhưng luôn tìm cách ở lại lao động, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh cho biết việc xử lý vi phạm đối với các đối tượng này gặp một số khó khăn như: Nhiều trường hợp không có giấy tờ tùy thân hoặc cố tình giấu giấy tờ để kéo dài thời gian ở lại Việt Nam; không khả năng tài chính để quay về nước, khi bị phát hiện vi phạm mong muốn cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ nhằm được đưa về nước mà không phải tốn chi phí, trong khi đó, các cơ quan ngoại giao của các nước có công dân vi phạm không quan tâm hỗ trợ, bảo hộ công dân.
Bên cạnh đó, số người Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam mục đích du lịch nhưng đã ở lại làm ăn, sinh sống gia tăng, tạo lập cộng đồng người Hàn Quốc đông đảo, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, phát sinh nhiều hoạt động phức tạp (nhà hàng, quán bar, karaoke, spa thẩm mỹ…), tập trung tại nhiều khu vực dẫn đến vi phạm pháp luật tăng, phức tạp. Đó là các khu vực phường 2, phường 4 của quận Tân Bình và khu Phú Mỹ Hưng của quận 7, gây ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM.
Đại tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM, cho biết năm 2019, cơ quan chức năng phát hện và xử lý 315 đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); 133 đối tượng có quốc tịch các nước châu Phi; 93 đối tượng người Hàn Quốc và 140 đối tượng thuộc các quốc tịch khác.
Chỉ tính riêng con số xử phạt hành chính đối với các đối tượng sử dụng thị thực du lịch là 308 trường hợp với hành vi khai báo xin thị thực du lịch nhưng vào Việt Nam hoạt động không tuân thủ theo các chương tình tour du lịch đã đề ra.
Cơ quan chức năng cho biết các hoạt động vi phạm phổ biến là tổ chức cá cược ăn tiền trái phép, tổ chức sàn chứng khoán online, tổ chức cá cược thể thao, trò chơi qua mạng, gọi điện giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Năm 2020, dù người nước ngoài nhập cảnh giảm trên 90% do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 nhưng số vụ vi phạm pháp luật tăng, chủ yếu tập trung số người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép vào thành phố với nhiều mục đích khác nhau như du lịch, trốn dịch, kiếm việc làm…
Thượng tá Nguyễn Trọng Đạt, Phó trưởng Công an quận 1, cho biết quận 1 là nơi thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến TP.HCM tham quan, lưu trú rất cao. Quận 1 hiện có hơn 338 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động kinh doanh, trong đó 180 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 98 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 60 đại lý lữ hành.
Ông cho biết lượng khách du lịch mỗi năm ngày càng tăng góp phần phát triển kinh tế của quận nhưng kéo theo đó là những hệ lụy tội phạm; lợi dụng du lịch để trốn ở lại Việt Nam rồi vi phạm pháp luật như du lịch lao động trái phép, quá hạn tạm trú, sử dụng thẻ giả, lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, sử dụng và tàng trữ chất kích thích; nguy hiểm hơn thông qua hoạt động dịch vụ du lịch để tán phát vật phẩm, tài liệu có chứa nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.
Sở Du lịch TP.HCM và Công an TP.HCM đã tiếp tục ký kết quy chế về công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao chất lượng quản lý du lịch trên địa bàn.
Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin liên quan an ninh trật tự du lịch trên địa bàn; phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.
Đồng thời, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch và của các doanh nghiệp du lịch...