Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải qua hơn 10 khâu trung gian, Chính phủ chỉ đạo giảm ngay

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 05/01/2021 16:16 PM (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các cơ quan liên quan có giải pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, giảm thiểu khâu trung gian nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản.
Bình luận 0

Liên quan đến việc các cơ quan báo chí thời gian qua phản ánh nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc phải qua nhiều khâu trung gian, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

 Chính phủ chỉ đạo giảm khâu trung gian trong xuất khẩu nông sản - Ảnh 1.

Nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc phải qua nhiều khâu trung gian.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xử lý, đồng thời có giải pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, giảm thiểu khâu trung gian nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản.

Như Dân Việt đã thông tin, tại hội thảo "Chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp" được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2020 tại Đồng Tháp mới đây, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico cho biết, nông sản do người dân Việt Nam trồng đến tay người tiêu dùng Trung Quốc phải qua hơn 10 khâu trung gian.

"Từ người sản xuất Việt Nam đến người tiêu dùng của Trung Quốc phải qua rất nhiều khâu trung gian. Ở mỗi khâu trung gian đều có người làm chủ và họ sẽ tính toán giá bán, khấu trừ lợi nhuận để đưa ra giá mua phù hợp" - bà Thực thông tin.

Các khâu trung gian theo thứ tự là: nông dân, cò, thương lái, đại lý thu mua, nhà máy (hoặc công ty xuất nhập khẩu), môi giới (buôn trung gian), buôn chuyến, chợ đầu mối biên giới Việt Nam, chợ đầu mối biên giới Trung Quốc, buôn nội địa Trung Quốc, chợ đầu mối nội địa Trung Quốc, các quầy chợ lẻ ở Trung Quốc (hoặc siêu thị, trung tâm thương mại), người tiêu dùng Trung Quốc.

Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico nói thêm: "Do nhiều khâu trung gian nên rủi ro cuối cùng sẽ đẩy đến người nông dân, bởi mỗi khâu trung gian sẽ tính lợi nhuận theo phương pháp mà dồn bao nhiêu khó khăn, rủi ro cuối cùng về cho người nông dân".

Để khắc phục tình trạng trên, theo bà Thực, phải thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp (phải bắt đầu từ người dân).

Theo đó, phải số hóa từng nông dân, từng mét đất, tức là người dân số phải sử dụng những công cụ hỗ trợ đơn giản và dễ hiểu nhất thông qua điện thoại. Ngoài ra, các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ phải liên kết theo chuỗi...

Được biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam, đối với mặt hàng trái cây, Trung Quốc chiếm khoảng 60-70% tổng giá trị xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, đối với mì (sắn), Trung Quốc chiếm đến 90,8% thị phần xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem