Theo đại diện Vietnam Report cho biết, đây là năm thứ 14 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam chính thức được công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đến từ khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, Vinaconex tiếp tục xuất hiện nằm trong TOP 5 ngành xây dựng lớn nhất Việt Nam.
Với công tác thẩm định và đánh giá minh bạch, công khai và khoa học, Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng nhằm góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn lực, tiếp cận cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, các nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập.
Với việc Vinaconex đã từng thực hiện các dự án xây dựng quy mô lớn thuộc lĩnh vực xây dựng dân dụng; công nghiệp; hạ tầng; giao thông, trong đó tiêu biểu là: Đại lộ Thăng Long, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 – Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Thuỷ lợi – thuỷ điện Cửa Đạt; Tổ hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn, Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn….
Cùng với đó, Vinaconex đang triển khai các hợp đồng xây lắp có tổng giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Vinaconex tập trung vào phân khúc dự án hạ tầng có vốn đầu tư công và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, giá trị các giá trị gói thầu trúng mới đạt gần 10.000 tỷ đồng, đảm bảo nguồn việc làm cho người lao động trong các năm tiếp theo.
Cũng theo đại diện Vietnam Report, Vinaconex còn thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc giá như: Liên danh nhà thầu do Vinaconex đứng đầu đã liên tục trúng 3 trong số các gói thầu lớn nhất thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông (Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45)…tổng giá trị gần 8.000 tỷ đồng, Gói thầu 05/VT2-XL thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 (Hà Nội) và một số dự án giao thông quy mô lớn khác.
Về công trình dân dụng: Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Mikazuki Spa & Hotel Resort 1.010 tỷ, Toà án Nhân dân TP Hà Nội, Bệnh viện K Trung ương …Công trình công nghiệp: Hạ tầng chính Khu CNC Hoà Lạc 1.400 tỷ; Gói G – Tổ hợp lọc hoá Dầu Long Sơn, Thuỷ điện Tân Mỹ, Thuỷ điện Dak ba; Dự án BW Bàu Bàng; Foxxcon…
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Vinaconex được thành lập năm 1988, sau khi hoàn thành chuyển đổi sở hữu thành doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước, Vinaconex tập trung vào ba trụ cột chính là Xây dựng, Bất động sản và Đầu tư tài chính.
Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của Vinaconex đạt 19.357 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 8.979 tỷ đồng, có vốn góp tại gần 40 đơn vị hoạt động trong nhiều lĩnh vực như Xây lắp, Bất động sản, Năng lượng, Nước sạch, Giáo dục, Xuất khẩu lao động… Vinaconex đang trong tiến trình trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực với 3 mảng kinh doanh cốt lõi là Xây lắp, Bất động sản và Đầu tư tài chính.
Hiện, Vinaconex cũng đã thoát hết vốn nhà nước và đã tiến hành chuyển sang sàn chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) với kế hoạch, Vinaconex sẽ tăng vốn thêm 15%, còn tình hình thực tế sẽ do HĐQT thống nhất và quyết định.
Mục tiêu đến năm 2025, Vinaconex kỳ vọng doanh thu đạt 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm tỷ trọng 70% doanh thu và lợi nhuận. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm kỳ vọng đạt 15% - 25%. Theo đó, tỷ lệ cổ tức mỗi năm vào khoảng 12% - 20%.