Dân Việt

Sơn La: Lạnh băng giá, ông Cu khóc 2 tiếng đồng hồ bên xác con trâu chết rét, thật xót xa

PV Tây Bắc 13/01/2021 06:37 GMT+7
Lão nông Lèo Văn Cu, bản Huổi Ca (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) ngồi khóc như trẻ con gần 2 tiếng đồng hồ bên cạnh con trâu 2 năm tuổi vừa bị chết rét vào sáng 12/1. Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện buồn của người nông dân có trâu, bò chết rét vì băng giá ở Sơn La.

Những ngày qua, đợt rét đậm, rét hại kèm theo băng tuyết xảy ra tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã khiến hàng trăm con gia súc của bà con nông dân bị chết rét. Đa phần những hộ nông dân này là đồng bào người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở các xã vùng cao, biên giới.

Trâu chết rét rồi, biết lấy gì trả nợ?

Là hộ nghèo trong nhiều năm liền, cách đây khoảng 3 năm, gia đình lão nông Lèo Văn Cu, ở bản Huổi Ca, xã Mường Và – một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp (Sơn La), được Ban quản lý bản và người dân Huổi Ca tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để phát triển sản xuất.

Thời điểm được Ngân hàng CSXH huyện Sốp Cộp giải ngân cũng là lần đầu tiên trong đời cầm 50 triệu đồng trên tay. Khi đó ông Cu vui sướng chảy cả nước mắt. 

Bởi từ nhỏ đến lớn, do hoàn cảnh khó khăn nên ông chưa bao giờ được cầm một số tiền lớn như vậy. Có vốn trong tay, ông không dám chi tiêu một đồng hoang phí mà tìm mua ngay một con trâu cái trưởng thành về nuôi.

Nước mắt nông dân trên cánh đồng băng giá - Ảnh 1.

Ông Cu thất thần bên cạnh con trâu chết rét của gia đình mình.

"Sau một năm chăm sóc, con trâu đẻ được 1 con nghé. Mỗi khi đi nương, đi rẫy, vợ chồng tôi đều dắt đi cùng nên chúng rất hiền lành và hiểu chuyện. Nhìn thấy nương lúa, nương ngô 2 bên đường, 2 con trâu nhà tôi không bao giờ dám ăn. Đến đầu năm nay, con nghé nhà tôi được 24 tháng tuổi, nặng gần 3 tạ...", bà Cà Thị Xét (vợ ông Cu) dùng bàn tay đầy những vết nứt nẻ gạt đi nước mắt và thở dài nói với chúng tôi.

Bà Xét cứ nghĩ chỉ cần chăm sóc tốt trong một vài năm nữa, bán đi sẽ có đủ tiền trả nợ ngân hàng và hướng tới thoát nghèo trong lứa tiếp theo. Nhưng nào ngờ, 2 ngày nay xuất hiện rét đậm, rét hại làm nhiệt độ giảm đột ngột, khiến con nghé nhà tôi lăn ra chết.Trong phút chốc, gia đình bà trắng tay, bắt đầu làm lại từ con số không...

Ngồi khóc như trẻ con gần 2 tiếng đồng hồ bên cạnh con trâu 2 năm tuổi vừa bị chết rét vào sáng 12/1, ông Cu đau xót bảo: "Cách đây mấy ngày, cán bộ xuống bản tuyên truyền sẽ có rét đậm, rét hại xuất hiện nên vợ chồng tôi đã dùng bạt quây kín chuồng, đồng thời đốt lửa để sưởi ấm cho 2 con trâu...".

Tuy nhiên, từ hôm qua đến sáng nay, trời càng ngày càng rét, con nghé nhà ông Cu không thể chống chọi được nữa nên đã ngã vật xuống đất. Đó là tài sản lớn nhất của gia đình ông. Phải mất vài năm mới nuôi được một trâu con to như vậy. 

"Trâu chết rét rồi, vài năm nữa, biết lấy gì trả nợ ngân hàng đây?", ông Cu than thở.

Nước mắt nông dân trên cánh đồng băng giá - Ảnh 2.

Đợt rét đậm, rét hại kèm theo băng giá đã làm nhiều gia súc trên địa bàn tỉnh Sơn La bị chết.

Theo ông Lò Văn Thương, Trưởng bản Huổi Ca, gia đình ông Lèo Văn Cu là hộ nghèo trong bản, có 7 nhân khẩu. Nhờ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, cách đây 3 năm, gia đình ông Cu mua được 1 con trâu về nuôi và đẻ được 1 con nghé con. 

Nhưng đợt rét này đã làm chết con nghé 2 năm tuổi của gia đình ông Cu. Bà con trong bản không biết làm thế nào để giảm bớt thiệt hại cho gia đình ông nên chỉ biết động viên, chia sẻ mất mát với ông Cu. 

"Gia đình đã hoàn cảnh rồi thì nay lại càng nghèo thêm. Tôi cũng đã báo cáo lên cấp trên, hy vọng sẽ sớm có giải pháp hỗ trợ để gia đình ông Cu có thêm động lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo...", ông Thương nói.

Không dám nghĩ đến Tết nữa

Trời rét kéo dài mấy ngày hôm nay, để đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, vợ chồng ông Lường Văn Duẩn, bản Hặp (xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã lên bãi thả lùa đàn bò về chuồng. 

Đồng thời, ông Duẩn cũng quây kín chuồng, đốt lửa ngày đêm để giữ ấm cho 3 con bò của gia đình. Nhưng nhiệt độ càng ngày càng giảm sâu nên làm chết 1 mất 1 con bò.

Ông Duẩn thở dài bảo: "Gia đình tôi là hộ cận nghèo trong bản. Năm 2017, gia đình được Ngân hàng CSXH cho vay vốn và tôi đã mua được 1 con bò giống về nuôi. Nhờ được chăm sóc tốt, bò đã đẻ được 2 lứa. Dự định Tết này, gia đình bán một con để kiếm ít tiền ăn Tết. Nào ngờ đợt rét này mạnh quá khiến 1 con bò nhà tôi lăn ra chết...".

Mặc dù trước đó gia đình ông Duẩn đã đốt lửa cả ngày đêm, cho bò uống nước ấm nhưng cũng không qua khỏi. Buồn quá! Giờ ông không dám nghĩ đến Tết nữa mà chỉ lo sao sang năm tích góp được tiền mua con giống về nuôi thôi...

Nước mắt nông dân trên cánh đồng băng giá - Ảnh 3.

Mặc dù đã đốt lửa sởi ấm cả đêm nhưng con nghé của ông Và Chứ Dềnh ở bản Chả Lại cũng không chịu nổi qua đợt rét này.

Trong khi đó, gia đình ông Và Chứ Dềnh, bản Chả Lại (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang trải qua những ngày buồn nhất bởi con nghé của gia đình vừa bị chết vì rét. 

Ông Dềnh buồn rầu nói: Người Mông chúng tôi quý trâu, bò lắm. Bởi, từ bao đời nay, trâu, bò là "đầu cơ nghiệp" giúp người nông dân chúng tôi làm nương, cày ruộng tạo ra hạt thóc, bắp ngô để nuôi sống gia đình. Năm nay chẳng còn tâm trạng đâu mà ăn Tết nữa.

Theo ông Dềnh, do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình muốn mổ bán để còn vớt vát một chút thiệt hại. Tuy nhiên đối với trâu, bò chết rét thương lái luôn tìm đủ mọi cách để mặc cả. Họ nói đây là trâu, bò chết cho do dịch bệnh chứ không phải do chết giá chẳng được là bao.

Nước mắt nông dân trên cánh đồng băng giá - Ảnh 4.

Người dân huyện Bắc Yên chủ động phòng, chống rét cho gia súc bằng cách đốt lửa, quây bạt và tích trữ thức ăn.

Trước đó, tỉnh Sơn La đã ban hành công văn gửi Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố về việc chủ động ứng phó với các đợt không khí lạnh tăng cường mạnh trong mùa đông năm 2020 – 2021. 

Theo đó, UBND các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn công tác đến từng tiểu khu, bản và hộ gia đình kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người (đặc biệt là người già và trẻ em), cây trồng và vật nuôi.

Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về diễn biến của thời tiết, khí hậu tới người dân để chủ động phòng, tránh, không để người dân chủ quan, bị động trong việc phòng chống đói, rét cho cây trồng và vật nuôi; triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp, phương án phòng, chống rét cho người, cây trồng và vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2020-2021

Vận động người dân dự trữ thức ăn cho vật nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật chế biến cải thiện dinh dưỡng thức ăn cho vật nuôi; sửa chữa, làm mới và che chắn chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày rét đậm, rét hại...

Tăng cường chế độ chăm sóc, để tăng cường sức đề kháng dịch bệnh và sức chống chịu với giá rét. Quản lý chặt chẽ đàn gia súc di chuyển đi tránh rét; tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh. 

Tập trung lực lượng xuống các bản, tiểu khu, tổ dân phố tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vào những ngày giá rét không chăn thả và để gia súc làm việc trước 09h sáng và sau 16h chiều. Đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C cần nuôi nhốt gia súc tại chuồng.

Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng với sự chủ động của bà con nhân dân, nhất là ở các xã vùng cao, biên giới trong việc bảo vệ đàn gia súc, sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất trong đợt rét đậm, rét hại này.

Theo báo cáo số 10/BC-PCTT của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, tính đến 17h ngày 12/1, đợt rét đậm, rét hại, băng giá xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 8 đến ngày 12/1 đã làm chết 151 con gia súc, gồm: Trâu 17 con, nghé 45 con, bò 27 con, bê 39 con, ngựa 1 con, dê 15 con, lợn 17 con. Trong đó, huyện Sông Mã chịu thiệt hại nặng nhất với 36 con gia súc bị chết, tiếp đến là huyện Sốp Cộp với 29 con, huyện Mường La 27 con… Giá trị thiệt hại ước tính trên 1,7 tỷ đồng.