PV Dân Việt đến thăm cơ sở sản xuất nấm của gia đình anh Phạm Thanh Quang vào một ngày đông giá rét, khi anh đang tất bật thu hoạch nấm sò.
Mời PV chén trà nóng hổi, anh Quang tâm sự, trước đây anh là kỹ sư cơ khí và làm việc dưới Hà Nội. Tuy nhiên do công việc không đáp ứng được nhu cầu, anh quyết định trở về quê làm kinh tế và gắn bó lâu dài với mảnh đất nơi mình sinh ra.
Nhận thấy nhu cầu thị trường về những sản phẩm ngon, chất lượng, anh đã mày mò, học hỏi kinh nghiệm và quyết định trồng nấm. Thế nhưng, với một người tay ngang như anh, thành quả như hôm nay là nhờ những nỗ lực sau nhiều lần thất bại.
Anh Quang cho biết, gia đình anh bắt đầu trồng nấm từ khoảng năm 2012, đến năm 2015 khi đã ổn định anh mới bắt tiến hành mở rộng quy mô diện tích. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, đầu năm 2019, anh Quang thành lập HTX nấm Thảo Anh ở tổ dân phố 4, phường Mỏ Chè, TP.Sông Công với tất cả 7 thành viên tham gia.
Hiện tại với xưởng sản xuất rộng 1.600m2, anh Quang đang trồng xen kẽ hai loại nấm sò và nấm rơm. Do thời tiết lạnh không trồng được nấm rơm nên hiện tại xưởng của anh Quang chỉ có duy nhất nấm sò, với khoảng 36.000 giỏ nấm.
Anh Quang cho biết, điều quan trọng nhất cần chú ý khi trồng nấm đó là yếu tố thời tiết và con giống phải lựa chọn kỹ càng.
Nguyên liệu để trồng nấm là bông và mùn cưa. Sau khi pha trộn với một tỷ lệ thích hợp, anh ủ nguyên liệu khoảng 5 ngày rồi rắc vôi, tiếp đến cho vào máy trộn đều. Sau khi trộn xong, nguyên liệu sẽ được đóng thành từng túi nhỏ rồi mang đi hấp ở nhiệt độ 100oC trong 6 tiếng, tiếp đó để nguội rồi cấy giống và đem đi treo.
Cấy giống 30 ngày, khi rễ nấm mọc và phát triển đều khắp quanh túi thì tiến hành rạch túi nilon để nấm mọc và phát triển thành cây. Chú ý nhu cầu sử dụng đến đâu thì rạch đến đó, vì sản lượng nấm mỗi ngày có thể điều chỉnh được tùy theo mức độ rạch nhiều hay ít. Thông thường một bịch nấm rạch khoảng 6 đường rạch là vừa, như vậy nấm sẽ ra đều và đẹp. Sau khi rạch khoảng 5 ngày là nấm bắt đầu mọc.
Lưu ý, nấm sẽ bị chết nếu thời tiết quá nóng và khô hanh, do đó cần che chắn kín khu vực trồng nấm và tưới nước đều để tạo độ ẩm cho nấm. Thông thường mỗi ngày tưới nước 2 lần, nếu thời tiết hanh khô thì có thể tăng lên 4 – 5 lần. Thời gian từ lúc cấy nấm đến khi thu hoạch khoảng 25 – 35 ngày, và thời gian thu hoạch nấm kéo dài khoảng 45 ngày.
Cũng theo anh Quang, thời điểm trồng nấm sò đẹp nhất là vào khoảng tháng 8 âm lịch hàng năm đến tháng 4 năm sau. Sau khi trồng nấm sò, các bịch nấm có thể tái sử dụng để trồng rau hoặc bón cây.
Hiện nay, tất cả các công đoạn trồng nấm tại xưởng của anh Quang đều được sử dụng bằng máy nên giảm thiểu đáng kể công sức lao động.
Anh Quang cho biết, trung bình mỗi giỏ nấm cho thu khoảng 0,6kg nấm. Mỗi ngày, gia đình anh bán ra thị trường khoảng 2 tạ nấm sò với giá bán 35.000 đồng/kg.
Hiện nay, anh chủ yếu cấy giống nấm rồi chuyển cho các trại khác theo hình thức bán phôi với giá 7.000 đồng/giỏ, đến kỳ thu hoạch nếu các trại bán không hết anh lại lo bao tiêu đầu ra. Mỗi năm, anh bán ra thị trường khoảng 9.000 – 10.000 bịch giống nấm.
Với mô hình trồng nấm, hiện nay gia đình anh đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi khoảng gần 200 triệu đồng/năm từ việc trồng và bán nấm.