Hội chợ Triển lãm cà phê nằm trong chuỗi sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 4 diễn ra ngày 15/1 tại Nhà văn hóa thanh niên, quận 1, TP.HCM.
Anh Hồ Quốc Minh kể, mình đến đây từ khi hội chợ còn chưa mở cửa. Là chủ một cửa hàng cà phê nhỏ ở quận 1, anh muốn đến đây thật sớm để tìm hiểu những sản phẩm mới và sạch.
"Triển lãm năm nay có sự góp mặt của các nhãn hiệu từ tỉnh Sơn La xa xôi cho tới cà phê nhân sâm sản xuất ngay tại thành phố, rất ấn tượng", anh Minh nói.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho biết, sau nhiều lần trì hoãn vì dịch Covid-19, đến nay, Ngày cà phê lần 4 mới được chính thức khai mạc. Đây là dịp để giới thiệu đến du khách của thành phố, của cả nước cũng như bạn bè quốc tế tìm hiểu hương vị đặc biệt của cà phê Việt.
Tại gian hàng của công ty Thiên Nhiên Việt, quận Tân Bình (TP.HCM), gam màu xanh chủ đạo khiến nhiều du khách tò mò. Chủ gian hàng cho biết, công ty mang sản phẩm cà phê xanh nhân sâm đến để giới thiệu với khách hàng.
Hạt cà phê xanh nguyên chất được giới thiệu sẽ làm tăng khả năng tiêu thụ chất béo dự trữ trong cơ thể và giảm được lượng mỡ thừa. Tinh chất hồng sâm giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm stress và tăng cường sức khỏe dành cho mọi người.
Thương hiệu Cà phê Mê Trang của Khánh Hòa mang đến sản phẩm mới là Mero Coffee phù hợp với gu cà phêm pha máy hoặc cà phê rang xay dạng phin giấy.
Vinacafe là thương hiệu đang sản xuất và xuất khẩu ra thị trường thế giới từ 50.000- 70.000 tấn cà phê các loại, cho hơn 40 quốc gia. Sản phẩm của Vinacafe như cà phê rang xay, cà phê 3 trong 1 được bình chọn là sản phẩm dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam, và được nhà nước bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu quốc gia.
Cà phê hòa tan của tập đoàn Intimex thì gây chú ý bởi dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại của Đức. Nhà máy sản xuất cà phê của Intimex đi vào hoạt động cuối năm 2019 tại tỉnh Bình Dương, vận hành với công suất 4.000 tấn cà phê sấy phun mỗi năm.
Đại diện công ty cà phê Vạn Xuân thì kể, trong quá trình rang, một loạt các phản ứng sinh hóa xảy ra. Kết quả là một loạt các chất như dầu cà phê, hương cà phê, chất béo không no được hình thành. Một vài loại tinh bột cũng sẽ được biến đổi thành đường và Caramel để tạo thành màu của cà phê.
Trong quá trình này, công nghệ và người kỹ thuật phải lấy được nhiều nhất những đặc tính tự nhiên của các loại cà phê. Kết thúc giai đoạn này, hạt cà phê được nhanh chóng được làm nguội, tránh việc bay mất hương thơm quyến rũ và đậm đà vốn có của cà phê.
Hiệp hội cà phê tỉnh Sơn La thì mang đến những sản phẩm đặc trưng bởi vị chua thanh, đắng nhẹ, hương trái cây quyến rũ từ hạt cà phê Arabica.
Cà phê Sơn La được trồng trên các sườn dốc của chân dãy núi thấp, sườn đồi với độ cao phổ biến từ 600-1.200 mét. Năm 2017 sản phẩm cà phê Sơn La đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm găn khó khăn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ trưởng 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước.
Kể từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 10/12 là ngày cà phê Việt Nam. Từ đó đến nay, Ngày cà phê Việt Nam đã được Hiệp hội cà phê Việt Nam tổ chức định kỳ hàng năm tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, đã để lại nhiều ấn tượng cho người dân địa phương và du khách và bạn bè quốc tế.
Ngày cà phê Việt Nam lần 4 năm nay được tổ chức tại TP.HCM là hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác kinh doanh và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
"Hi vọng chuỗi sự kiện của chương trình ngày cà phê Việt Nam lần 4 năm nay sẽ mang đến cho du khách Những cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà phê Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ cà phê nội địa, nâng cao vị thế và giá trị cây cà phê Việt Nam, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê", Thứ trưởng Doanh chia sẻ