Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) chia sẻ về cách xây dựng chuỗi giá trị cho cà phê Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), Trưởng Ban Tổ chức sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam 2019, cho biết, ngày cà phê năm nay nhấn mạnh về Văn hóa thưởng thức cà phê của người dân Việt Nam cũng như người dân trên toàn thế giới. Do đó, chương trình sẽ có những tiết mục đặc sắc như: Không gian trưng bày cà phê Việt Nam có sự góp mặt của 6 tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn của Việt Nam: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La với các gian hàng hội tụ các thương hiệu cà phê uy tín chất lượng hàng đầu Việt Nam: Vinacafe, L’amant, Nestlé, Kingcoffee…; tổ chức tham quan các nhà máy chế biến cà phê; tham quan các vườn cà phê bền vững; Hội nghị giao thương giữa các nhà nhập khẩu cà phê trên thế giới; Giao lưu, gặp gỡ, kết nối kinh doanh giữa các nước trồng cà phê, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trong nước và thế giới (với gần 70 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 12 quốc gia trên thế giới).
“Năm nay, ngày Cà phê Việt Nam lần đầu tiên tổ chức chương trình trải nghiệm pha chế, thử nếm cà phê. Mọi du khách và người dân phố núi sẽ được thưởng thức cà phê miễn phí. Đặc biệt, ngày cà phê hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà phê Việt Nam, bản sắc văn hóa, sự hiếu khách của các dân tộc Tây Nguyên, cũng như mong muốn kết nối Gia Lai với thế giới với vị trí là điểm đến của những người yêu cà phê trên toàn cầu”, ông Lương Văn Tự cho hay.
Khách thưởng thức cà phê miễn phí tại Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3 (Ảnh: Quốc Hải)
Cũng theo ông Tự, hiện nay, tỉnh Gia Lai đã có vườn cà phê organic rộng tới 300 ha, cà phê được công nhận theo chứng chỉ của Hoa Kỳ, là nơi khách trong và ngoài nước được giới thiệu đi thăm quan. Mục tiêu của chương trình năm nay là quảng bá, phát triển cà phê đặc sản, cà phê organic, từng bước đưa Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên trở thành điểm đến của những người yêu thích cà phê trên thế giới.
“Cà phê Việt Nam vốn được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới, song do chưa có thương hiệu quốc gia nên việc quảng bá còn nhiều khó khăn. Do đó, song song với việc tổ chức ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp với Vicofa tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) cà phê chất lượng cao cho 3 nhóm sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê rang và cà phê bột.
Kỳ vọng của chương trình là xây dựng được một mẫu biểu trưng cà phê Việt Nam chất lượng cao được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, gắn với sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để khẳng định về chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm cà phê Việt Nam chất lượng cao trên thị trường. Sau chương trình này, cà phê được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm thứ 3 sau gạo và cao su được xây dựng biểu trưng quốc gia”, ông Tự nói thêm
Du khách đánh giá chất lượng hạt cà phê (Ảnh: Quốc Hải)
Đánh giá về thị trường cà phê thời gian qua, ông Tự trăn trở: “Việc giá cà phê xuống mức rất thấp và kéo dài hơn 2 năm qua, cộng thêm những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến ngành cà phê Việt Nam. Cà phê bán ra không đủ bù đắp chi phí sản xuất, khiến người nông dân không thể trả được lãi vay ngân hàng. Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực chế biến cà phê rang xay, hòa tan để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa. Từ đó, hỗ trợ nông dân vượt qua khủng hoảng giá cả”.
Theo bà con nông dân trồng cà phê tỉnh Gia Lai, những ngày giữa tháng 11 các nhà vườn trên địa bàn tỉnh bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cà phê. Năm nay, năng suất cà phê giảm khá mạnh, cùng với đó giá cũng giảm mạnh, nếu như năm ngoái, đầu mùa giá cà phê ở mức 38.000 đồng/kg, thì năm nay đầu mùa giá cà phê chỉ ở mức 31.000- 32.000 đồng/kg.
Biểu diễn pha chế cà phê (Ảnh: Quốc Hải)
Nông dân Nguyễn Đức Huề (thôn 3, xã Ia Hrung, Ia Grai, Gia Lai), cho biết, năm nay giá cà phê giảm, năng suất cũng giảm hơn mọi năm. Vì vậy, mông muốn của người nông dân là được các ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay để tiết giảm chi phí.
“Hiện tại, chi phí thuê nhân công hái lên tới 1.300 đồng/kg cà phê tươi nên sau khi trừ các chi phí, người nông dân cũng gặp nhiều khó khăn. Rất may là nhờ tham gia chương trình canh tác cà phê bền vững của Nescafe Plan nên thu nhập cũng tăng lên khoảng 30% so với canh tác thông thường”, ông Huề cho biết.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến năm 2018, diện tích cà phê Việt Nam đạt 645.217 ha, năng suất bình quân 2,7 tấn/ha, tổng sản lượng 1,6 triệu tấn/năm. Cả nước có 5 vùng sản xuất cà phê chính là: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước, với 577.000 ha (chiếm 89%). Gần đây, Tây Nguyên nói riêng và các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam cũng đang đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu, lượng mưa thấp, gây thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt cà phê.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính xuất khẩu cà phê tháng 11/2019 đạt 120 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, tăng 37,1% về lượng và tăng 31,4% về trị giá so với tháng 10/2019, so với tháng 11/2018 giảm 13,9% về lượng và giảm 20,4% về trị giá.
Lũy kế 11 tháng năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,473 triệu tấn, trị giá 2,538 tỷ USD, giảm 14,6% về lượng và giảm 22,2% về trị giá so với 11 tháng năm 2018.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 11/2019 ước tính ở mức 1.725 USD/tấn, giảm 4,2% so với tháng 10/2019 và giảm 7,6% so với tháng 11/2018. Lũy kế 11 tháng năm 2019, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt mức 1.723 USD/tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.