Ở tỉnh Cao Bằng, những người chơi chim ưa chuộng nhất là chim hót, chủ yếu là các loài: chích chòe, họa mi, chào mào, vành khuyên… Mỗi loài chim đều có nét đẹp và giọng hót khác nhau, mang nét đặc trưng riêng của chúng. Những người chơi chim giàu kinh nghiệm có thể phân biệt các loài chim qua giọng hót, hình dáng của chúng và còn phân biệt được chim mái và chim trống.
Tiếng hót của chim là món quà của tạo hoá mà người chơi chim phải thực sự có niềm đam mê mới cảm thụ được. Có lẽ chính bởi vì cái thi vị của thú chơi này mà anh Nông Hoàng Thắng, trú tại xóm Khẻo Mèo, xã Quang Long (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) ưu ái dành ra một góc dưới mái hiên trước nhà để treo 5 chiếc lồng chim với các loài chích choè, chào mào, hoạ mi.
Nhâm nhi một tách trà nóng, thưởng thức tiếng chim hót giữa buổi sáng yên bình, anh Thắng chia sẻ: Chơi chim không phải chỉ là thú vui lúc rảnh rỗi mà đây là đam mê có quá trình. Khi mỗi sáng thức dậy, người chơi chim được nghe tiếng chim hót, sau những ngày làm việc mệt mỏi rời xa chốn đô thị ồn ào để được về vùng quê yên bình, thoả mãn vui thú chơi chim.
Theo tâm sự của nhiều bạn trẻ, thú chơi chim lúc đầu chưa được mọi người biết đến nên số lượng người chơi còn ít, việc mua bán, trao đổi chim cũng còn hạn chế.
Người đam mê chơi chim phải đi mua chim từ những tỉnh khác. Những năm gần đây, thú vui nghệ thuật này mới bắt đầu phát triển và cuốn hút nhiều người chơi, không phân biệt lứa tuổi hay giới tính, miễn ai có niềm đam mê thì có thể lựa chọn một loài chim yêu thích để làm bạn.
Cứ mỗi dịp cuối tuần, nhiều bạn trẻ có chung đam mê về chim lại tụ họp với nhau tại Lương Sơn Quán, tổ 10, phường Ngọc Xuân (Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).
Đây vừa là nơi để anh em gặp nhau hàn huyên tâm sự, vừa là nơi để những chú chim giao lưu tiếng hót. Dưới góc quán nhỏ thưởng thức ly trà nóng phảng phất hương hoa, bên tai nghe tiếng chim hót, cùng nhau chia sẻ đam mê và cái thi vị của cuộc sống.
Chim mang vẻ đẹp của núi rừng, chúng mang lại xúc cảm hoang dã của thiên nhiên làm con người tạm quên đi lo toan bộn bề của cuộc sống thường ngày.
Nuôi chim cảnh, chơi chim cảnh-một nghề lắm công phu
Xuất phát từ tình yêu với chim mà anh Tuấn Hùng, xóm Hạnh Phúc, xã Hoàng Tung (huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng) đã đưa kinh doanh chim trở thành nghề của mình.
Đến thăm cơ sở chim của anh Hùng vào một ngày trời ngập nắng thu, từ xa đã nghe tiếng chim hót rộn ràng giữa không gian yên bình của buổi sáng vùng quê miền núi.
Ngay từ ngoài sân đã thấy những chiếc lồng chim được treo dưới tán cây râm mát, những chú chim bên trong đang hót líu lo như chào đón khách. Trong nhà anh là những chiếc lồng chim với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau được sắp xếp ngay ngắn, các loài chim như đang “tụ họp” ở đây. Khung cảnh trước mắt làm ai nấy đều phải choáng ngợp.
Gần 10 năm gắn bó với thú chơi chim và có kinh nghiệm kinh doanh chim, anh Hùng chia sẻ: Tôi làm nghề này cũng là xuất phát từ niềm đam mê với chim, vừa muốn chia sẻ thú vui này với những người khác, đồng thời cũng tăng thêm thu nhập cho bản thân.
Khi mới bắt đầu đây cũng chỉ là nghề phụ, sau này trở thành nghề chính của tôi... Tại cơ sở của anh Hùng có khoảng 7 loài chim với số lượng hơn 100 con, chủ yếu là các loài chích choè, chào mào, hoạ mi, khướu. Giá thành của chim không cao, chỉ từ hơn trăm nghìn đến vài trăm nghìn đồng cho một con chim.
Những chú chim ở đây đa số đều được bắt về từ tự nhiên, chim còn rất sợ người nên cần phải có quá trình để chúng thích nghi với môi trường sống mới. Khi chim mới được bắt về từ tự nhiên thì trước tiên cần phải dạy chim quen với việc sống trong lồng bằng cách trùm một tấm vải tối màu quanh lồng và chỉ để hở một góc hình chữ A.
Chim không thể ăn cám ngay mà phải cho chúng ăn sâu, dế trộn với cám. Huấn luyện chim để chúng biết bay từ lồng nhốt sang lồng tắm, tập cho chim quen người và hót cho ta nghe những giai điệu đến từ thiên nhiên.
Gắn bó với thú chơi chim đã khó, kinh doanh chim còn khó hơn vì đây là nghề lắm rủi ro. Anh Hùng giải thích: Rủi ro trong kinh doanh chim chủ yếu là do chim không thích nghi được với môi trường sống mới, chim yếu nên dễ chết.
Một số loài chim khó chăm sóc vì đặc thù của chúng. Chẳng hạn như chích choè lửa là một loài chim khó chăm, chim mới bắt về thường khó ăn nên cần phải chú ý chăm sóc chúng, trong hai ngày đầu cần cho chích choè lửa ăn sâu, dế, sau khi chúng thích nghi thì mới cho ăn sâu, dế trộn với cám.
Nghệ thuật chơi chim thanh tao là vậy nhưng cũng rất cầu kì vì đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Mỗi người chơi chim đều phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và phải có tình yêu thực sự với những chú chim.
Anh Quang Sự, xã Quang Long (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) cho biết: Kinh nghiệm nuôi chim của tôi đều học từ những người đi trước và hằng ngày quan sát để biết được đặc tính của chim. Thức ăn cho chim chủ yếu là cám, sâu, dế và hoa quả nên chi phí để mua thức ăn cho chim khá tốn kém. Nhiều loài ăn sâu bọ thì sáng sớm cho chim ăn từ 5 - 10 con dế hoặc cào cào.
Mỗi sáng từ 8 - 10 giờ tôi cho chim vào lồng tắm, sau đó cho chúng phơi nắng khoảng 15 phút. Chơi chim là thú vui khá tốn kém, giá chim hót thông thường dao động từ hơn một trăm nghìn đến vài triệu đồng, lồng chim cũng có giá tương tự. Một số người chơi chim còn đầu tư những chiếc lồng cầu kì, đẹp mắt có giá vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Các loài chim được khách hàng ưa chuộng nhất là hoạ mi, chào mào, chích choè bởi đặc điểm của chúng là dễ nuôi, có tiếng hót hay, giá thành lại ổn định.
Chất lượng của chim là hình dáng bên ngoài, giọng hót, mỗi loài chim có giá trị cũng cao thấp khác nhau. Mỗi khách hàng đến các cơ sở mua chim đều ít nhiều biết cách chăm sóc cho chim khoẻ, hót hay.
Những con chim không chỉ đơn thuần là sứ giả của thiên nhiên mang tiếng hót làm đẹp cho đời mà chim còn giống như người bạn tri kỉ để người đam mê nuôi chim tâm tình, trò chuyện.
Theo thời gian, thú chơi chim không chỉ dừng lại ở một thú vui có từ dân gian, nó còn được nâng lên một tầm cao mới, đó là tình yêu với thiên nhiên, với động vật, con người sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên, bảo tồn những sinh vật thuộc về thiên nhiên.