Cận Tết Nguyên đán 2021, chủ trương kiểm tra xử lý nồng độ cồn của người tham gia giao thông được lực lượng CSGT thực hiện triệt để và đồng bộ trên toàn quốc. Đây là một chủ trương đúng đắn và hợp lý sát với thực tiễn. Dịp cuối năm hầu như các cơ quan, xí nghiệp, công ty đều tiến hành tổng kết và truyền thống người Việt hay tổ chức liên hoan tất niên để chia tay năm cũ chào đón năm mới nên lượng bia rượu được sử dụng dịp này vô cùng lớn. Hẳn ai cũng biết những dịp như Tết Nguyên đán tai nạn giao thông tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bia rượu dẫn đến tai nạn. Điều đó là chắc chắn.
Cách đây hơn tuần lễ, tôi tham gia một đoàn công tác thiện nguyện ở Hà Giang. Đoàn có gần chục phương tiện ô tô được tổ chức chặt chẽ có bộ đàm để đảm bảo tốc độ và an toàn phương tiện. Trên đường về qua địa bàn Đoan Hùng, chốt CSGT phân làn chặn toàn bộ các phương tiện trên đường để kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện.
Lần đầu tiên tôi được chứng kiến CSGT sử dụng thiết bị định tính hình phễu theo phương pháp quốc tế để kiểm tra người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu hay không. Việc kiểm tra này nhanh gọn, chỉ cần thổi nhẹ ở một khoảng cách gần hoặc CSGT hỏi và người điều khiển phương tiện trả lời đã đủ có chỉ số thông báo Có hoặc Không. Khi máy định tính xác định có nồng độ thì CSGT mới hướng dẫn người điều khiển phương tiện kiểm tra thổi ống một lần ở máy định lượng nồng độ xác định cụ thể chỉ số vi phạm. Rất khoa học và tiện lợi.
Nói về đoàn chúng tôi, trưa ấy ở Tuyên Quang tổ chức liên hoan tổng kết chuyến đi có dùng bia rượu. Đã xác định rõ ràng nên toàn bộ những ai lái xe đều không uống. Công việc kiểm tra suôn sẻ và vui vẻ, đoàn chúng tôi không có một ai vi phạm dù trên xe phải công nhận là "tràn ngập không khí cồn" đến mức một chiến sĩ CSGT vui vẻ nói đùa, khi các bác hạ kính nồng nặc mùi bọn em đã tưởng vớ được mẻ đậm các ma men nhưng hụt, cảm ơn các bác đã chấp hành nghiêm túc.
Chỗ này nói thêm, đã có trường hợp người trên xe uống tạo ra môi trường cồn trong không gian kín nên người lái bị máy định tính báo vi phạm nhưng khi thực hiện thổi nồng độ ở máy định lượng thì chỉ số bằng không.
Việc kiểm tra nồng độ cồn tôi mục kích được diễn ra trong không khí thân tình và vui vẻ. Người làm nhiệm vụ cũng như người bị kiểm tra đều chấp hành tốt pháp luật. Nhưng tại sao cũng dịp kiểm tra này lại xảy ra quá nhiều vụ chống đối người thực thi công vụ. Rất nhiều trường hợp sử dụng bia rượu khi bị dừng phương tiện kiểm tra, người điều khiển phương tiện tìm mọi cách để tránh kiểm tra và khi lực lượng CSGT kiên quyết làm nhiệm vụ thì họ chống đối quyết liệt. Tại sao lại như thế?
Báo chí đã nêu đích danh một số trường hợp. Họ đều để lại những hình ảnh xấu xí, phản cảm và rút cục vẫn phải nhận những cái giá phải trả không nhỏ. Đó là trường hợp một người vi phạm đốt xe máy của mình. Là trường hợp ở Hà Tĩnh, khi phát hiện chốt kiểm tra giao thông chủ phương tiện đã đánh xe ô tô lên hè, trốn vào quán cà phê và quyết liệt chống đối đến cùng thậm chí còn huy động người quen ra ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ.
Nhưng đáng phê phán hơn cả là trường hợp một cán bộ Nhà nước để lại một vết nhơ khó gột tẩy khi đã vi phạm lại còn chống đối hành hung CSGT.
Ông Lại Quốc Đạt, chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tuyên Quang, lái ô tô phóng nhanh, lạng lách, khi bị yêu cầu đo nồng độ cồn đã túm cổ áo, tát vào mặt một cảnh sát giao thông. Hành vi này khiến ông Đạt bị phạt 3 triệu đồng về hành vi cản trở người thi hành công vụ và bị xử lý phạt phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng về lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Những con số phạt này chưa thể lấp hết những hệ lụy xấu ông Đạt để lại. Tôi nghĩ ngoài sự cắn rứt lương tâm, tấm gương xấu với xã hội, gia đình, thì ông Đạt đáng bị xử lý kỷ luật công chức một cách thích đáng.
Rồi vài ngày trước, một luật sư trẻ cũng bị kiểm tra nồng độ cồn. Anh ta không những không chấp hành mà còn đôi co, cự cãi, đòi kiểm tra tem kiểm định của máy đo, giở thẻ luật sư định cãi lý với cảnh sát.
Qua những dẫn chứng cụ thể, qua những gì thể hiện và tác động xã hội ở đợt ra quân này đủ thấy mức độ vi phạm về nồng độ cồn trong những người điều khiển giao thông đang ở mức báo động. Nhưng nghiêm trọng hơn là những hành vi chống đối người thi hành công vụ, kể cả từ những người được cho là học thức, hiểu biết.
Việc chống đối xử lý nồng độ cồn của người vi phạm, cũng như nguyên nhân của tai nạn giao thông trong dịp Tết gia tăng chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bia rượu, khi có ma men nhập vào dẫn đến thiếu kiểm soát nhận thức và hành vi nên những người có vị trí như ông Lại Quốc Đạt mới hành xử xấu xí như vậy.
Nhưng sâu xa hơn, đó là sự vô ý thức, coi thường quy định pháp luật, sự an toàn, tính mạng của người khác, chỉ biết đến bản thân mình. Nhất là với một công chức như ông chi cục trưởng, liệu có phải có chút chức vụ trong bộ máy nên có tâm lý quan cách, bề trên, hống hách, quen thói nạt nộ cấp dưới nên xúc phạm đến cả người đang thi hành chức trách?
Cần một chế tài xử phạt mạnh hơn, kể cả xử lý hình sự với những người cố tình vi phạm. Và cần hơn là ý thức của người dân khi tham gia giao thông và sự kiểm tra thường xuyên, công tâm của lực lượng CSGT. Rất cần để giảm thiểu những tai nạn thương tâm và trả sự yên bình cho xã hội cho người tham gia giao thông. Rất cần!