Cần xử lý những vị băm nát quy hoạch Hà Nội

Vương Hà Thứ bảy, ngày 09/01/2021 07:28 AM (GMT+7)
Một số vị có trọng trách ở Hà Nội của những nhiệm kỳ gần đây không chỉ "QUY HOẠCH BĂM NÁT", mà còn BĂM NÁT QUY HOẠCH đã được phê duyệt.
Bình luận 0

Mấy năm qua, một số vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố bị kỷ luật nặng, thậm chí bị xử lý hình sự bởi những chỉ đạo "bán đất", "bán công sở", "bán dự án"... Tuy nhiên, những vụ án này dù gây thất thoát ngân sách rất lớn, nhưng vẫn còn khả năng thu hồi và "làm lại". Nhưng nếu quy hoạch bị băm nát, bị điều chỉnh theo hướng "phá nát", thì hầu như chỉ còn giải pháp "chữa cháy".

Do đó, những quy hoạch bị băm nát, đặc biệt là các đô thị lớn thì tác hại khôn lường về vật chất và nghiền nát niềm tin mong manh của người dân vào chính quyền. 

Vậy nhưng, dư luận chưa thấy bóng dáng một vị nào bị kỷ luật vì băm nát quy hoạch đô thị. Phải chăng, tổn thất vì băm nát quy hoạch chưa đo đếm được hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng như các vụ án khác?

Hà Nội là ví dụ điển hình cả về  quy hoạch bị băm nát và băm nát quy hoạch đã được phê duyệt.

 Những ngày gần đây, truyền thông đưa tin việc Hà Nội tiếp tục thi công mở rộng, hoàn thiện các tuyến đường vành đai. Thực tế cho thấy, chưa bao giờ Hà Nội tiến hành cấp tập việc mở rộng các con đường vành đai, từ vành đai 1 cho đến vành đai 4,5 như hiện nay. Cũng chưa bao giờ, các cầu vượt tạm được xây dựng cấp tốc, nhanh như hiện nay và quy mô của các cây cầu này ngày càng lớn. Cũng chưa bao giờ, việc xây thêm các cây cầu bắc qua sông Hồng nối với các vùng được ráo riết thực hiện như hiện nay.

 Nhưng đáng tiếc là, giao thông của Hà Nội không những không được cải thiện mà ngày càng ách tắc trầm trọng hơn. Vậy vì đâu nên nỗi?

Cần xử lý những vị băm nát quy hoạch Hà Nội - Ảnh 2.

Chung cư san sát gây nhiều bức xúc về cơ sở hạ tầng. Ảnh: danviet.vn

Một trong những nguyên nhân quan trọng, như cựu Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói, "giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội". Nói như ông Chung, có những khu đất 5-7 ha cũng bị "băm ra" cho 2- 3 chủ đầu tư.

Nhưng quan ngại hơn, không chỉ "QUY HOẠCH BĂM NÁT", mà một số vị có trọng trách ở Hà Nội trong những nhiệm kỳ gần đây đã BĂM NÁT QUY HOẠCH đã được phê duyệt. 

 Một số vị có thẩm quyền ở Hà Nội đã xé toang những quyết định của chính mình và của người tiền nhiệm.

Trước đó, nhằm đảm bảo hài hòa giữa dân số và hạ tầng kỹ thuật, Hà Nội từng ra quyết định rất hợp lòng dân: 4 quận nội thành cũ không được xây nhà cao tầng. Nhưng rồi, ngay sau đó và những thế hệ lãnh đạo gần đây "mắt nhắm, mắt mở" vẫn phê duyệt xây những nhà cao tầng, mà lại cao ngất luôn. Thậm chí, khu triển lãm Giảng Võ, trung tâm của trung tâm Hà Nội, còn được phê duyệt xây dựng 3 tòa nhà cao 50 tầng! Vậy mà, có vị lãnh đạo Hà Nội (tôi xin không nhắc tên vì vị đó đang sa cơ lỡ vận) vẫn cam đoan rằng, sau khi điều chỉnh lại đường xá, giao thông khu vực Giảng Võ vẫn lưu thông bình thường!?

Hoặc như, những ngày mới thành hình, khu đô thị Linh Đàm xứng đáng tên gọi là kiểu mẫu. Nhưng rồi, rất nhiều quỹ đất công cộng với mục đích làm các nhà văn hóa, sân thể thao bị biến thành các chung cư, gồm cả các chung cư 40 tầng san sát nhau.

Và trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu mới mở nhằm kết nối trung tâm với phía tây nam của Thủ đô đã sớm tan thành mây khói, khi 2 km đoạn đường mới mở phải gánh ngay lập tức 40 tòa cao ốc. Do đó, thay vì đạt mục tiêu giảm tải giao thông, nay nó lại làm dài thêm danh sách những con đường đau khổ của Hà Nội.

Thậm chí, cũng nằm ở phía tây nam này, đường Nguyễn Tuân rộng chỉ có 6 m, dài chừng 1 km nhưng cũng phải gánh trên mình hơn 20 tòa chung cư cao tầng.

Những quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch kiểu này, dù có viện dẫn lý do nào đi nữa, đó cũng chỉ là những lời ngụy biện, mà tất cả đều vì những nhóm lợi ích. Chỉ riêng việc này cũng cho thấy, những vị có trách nhiệm ở Hà Nội đã "coi trời bằng vung", không đếm xỉa gì đến dư luận và cũng chẳng cần đếm xỉa đến pháp luật.

Về việc điều chỉnh quy hoạch, ĐB Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng từng chia sẻ với báo chí: "Có dư luận rằng, trong việc điều chỉnh quy hoạch có vấn đề lợi ích, thỏa thuận chia chác. Người nào điều chỉnh quy hoạch, người đó nắm lợi ích trong tay. Vấn đề dư luận đặt ra hoàn toàn có cơ sở, bởi muốn điều chỉnh, người ta phải chạy, phải mất chi phí bôi trơn. Nhưng, đây là tình trạng đi đêm, nên rất khó để bắt tận tay, day tận trán".

Nhìn lại một số vụ án, dù không "bắt tận tay, day tận trán" việc ăn chia, một số vị  Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh vẫn bị xử lý trách nhiệm, kể cả hình sự. Vậy, với các vị băm nát quy hoạch, tại sao chưa bị xử lý kỷ luật, ít nhất là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem