Dân Việt

Vĩnh Long: Cá trà sóc đặc sản nuôi trên sông Cổ Chiên vừa bắt lên đã nhảy tưng tưng trên mạng xã hội

Thảo Nguyên-Lý An 23/01/2021 06:27 GMT+7
Mà không chỉ có các sản phẩm thiết yếu, bạn có nghĩ sẽ bán được con cá cả chục ký đi ra tới Hà Nội vẫn còn nhảy đành đạch? Anh Gặp- chủ tài khoản facebook Van Le- mời gọi: “Ship toàn quốc nhe bà con. Xa thì mình đông lạnh. Gần thì mình đập đá hoặc đóng oxy đều được”...

Tết này nhà mình muốn ăn món gì? Thời công nghệ 4.0, điện thoại thông minh đã có, ngồi nhà “quét quét” chọn món là xong!

Nói đến chợ tết thường là nói đến không khí nhộn nhịp, tấp nập người mua người bán. Càng gần tết, phố xá càng đông đúc. Dưa hấu, bánh mứt, hoa kiểng tràn cả ra lề đường. Người đi mua sắm tết như trẩy hội… Nhưng nay, chợ tết ít nhiều đã khác.

Ai đi chợ tết online?

Là nhân viên hành chính, “mấy năm trước, tôi phải chia ra mỗi ngày mua một vài món, chứ cận tết mua không kịp. 

Vĩnh Long: Cá trà sóc đặc sản nuôi trên sông Cổ Chiên vừa bắt lên đã nhảy tưng tưng trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Sản phẩm cá trà sóc-loài cá đặc sản nuôi bè trên dòng Cổ Chiên (tỉnh Vĩnh Long) vừa lên khỏi mặt nước đã nhảy tưng lên mạng chào hàng trong tích tắc.

Giờ muốn mua gì là chợ mạng có hết. Lúc rảnh, tôi có thể lướt trên mạng tìm thứ cần mua, so sánh giá cả, xem thông tin từng sản phẩm…

Ưng thì bỏ vô giỏ hàng. Chỉ cần xác nhận, từng món hàng sẽ được ship đến tận nhà. Rất tiện lợi, nhanh lẹ”- chị Đỗ Quế Anh (Phường 3- TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) nói nhờ thế có thể tiết kiệm thời gian để chăm sóc bản thân.

Từng là người thích đi shopping, “săn hàng độc” từ cửa hàng quần áo này qua shop giày dép khác, nhưng “cuối năm mọi việc dồn dập muốn… quá tải, nhiều việc giải quyết không xong huống hồ đi chợ tết”- nên chị Nguyễn Lan Phương (Phường 2- TP Vĩnh Long) trở thành “tín đồ” mua hàng online lúc nào không hay. 

Mỗi tối sau khi xong việc, với chiếc điện thoại thông minh hay macbook, chị Phương vừa giải trí vừa thong dong “đi chợ mạng”. Rất nhiều shop online thời trang, mỹ phẩm cạnh tranh nên “trăm bề dễ”, nhất là trong dịp tết.

Không chỉ có mặc đẹp, rất nhiều món ăn ngon, quà tặng từ “truyền thống nhà làm” đặc sản miền Tây đến món ngon 3 miền…

Tất cả đều có trong cái “chợ mạng” nằm gọn lòng bàn tay. Nói như anh Bá Trịnh- nhân viên ngân hàng ở TP Vĩnh Long: “Chợ mạng cho mình ăn tết 3 miền ngay tại nhà. Thay vì phải đi đến tận nơi để mua món đặc sản đem về, thì bây giờ ngồi ở Vĩnh Long cũng nhấm chả bò Hà Nội, hạt mắc ca Đắk Nông, đưa cay ly Bàu Đá… được tuốt”!

Hàng hóa trên chợ mạng cũng đa dạng, phong phú không kém chợ, siêu thị. Nhiều người cho rằng chợ mạng càng bùng nổ hơn trong mùa tết này, khi mà dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân ngại đến nơi đông người. 

Nói như chú Nguyễn Văn Hoàng- sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh: “Tôi ghiền món lạ, đi tới đâu ăn tới đó. Nhưng năm nay dịch bệnh, tôi ngồi nhà tìm đặc sản trên mạng: tôm khô Trà Vinh, lạp xưởng Sóc Trăng, khô trâu Tây Bắc, trà san tuyết Thái Nguyên…”.

Cô Lê Thị Mai (thị trấn Cái Nhum- huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Con tôi đi làm xa, nhà có vợ chồng già. Tụi nhỏ hướng dẫn cách mua hàng trên mạng. Tôi thấy cũng hay, tiện lợi. Tôi có thể tìm kiếm “đặc sản Vĩnh Long” rồi tìm các loại bánh mứt, trái cây”.

Tuy hiện đại, tiện ích nhưng theo nhiều người không phải có chợ online mà “làm biếng” đi chợ tết. Họ chỉ dùng kênh online như dụng cụ bổ trợ cho cuộc sống hàng ngày, nhất là thời điểm cuối năm, thời gian hạn hẹp.

Đặc sản đua nhau lên chợ online

Nhưng nói gì thì nói, chợ mạng vẫn rộn ràng và không giới hạn đối tượng khách hàng, từ nhân viên văn phòng hay anh nông dân, ở đô thị hay nông thôn đều đã… rành đi chợ online! 

Cũng không quá ngạc nhiên khi chứng kiến cuộc “đổ bộ” rầm rộ của các mặt hàng đặc sản địa phương trên chợ mạng. Từ trước tết vài tháng, chợ mạng đã chào bán đủ thứ mặt hàng tết với hình ảnh bắt mắt, “livestream” trực tiếp.

“Mứt bí không ngọt gắt! Khô ráo! Thơm ngào ngạt mùi bí đao… là món tết mà già trẻ lớn bé đều thích!” “Miếng mứt khoai vàng ươm, thơm lừng, nhâm nhi cùng tách trà nóng sẽ khiến bạn cảm nhận được vị ngọt ngào, ấm áp bên gia đình”. “Đã sẵn sàng mọi thứ để phục vụ khách trong mùa tết 2021 rồi đây...

Từ các loại hạt và bánh mứt. Em sẽ up lên từ từ và nhà mình cứ thoải mái lựa chọn. Thích gì nhắn em. Em ship tận nhà luôn nha”… Đó là vài mẫu trong dày đặc các sản phẩm bán hàng trên mạng mùa tết.

Bạn thử tưởng tượng có một nghệ sĩ hài nổi tiếng hay diễn viên mắt hí “livestream” bán hàng với cả trăm lượt theo dõi, thì sản phẩm tết truyền thống của chúng ta sẽ “hot” và không khí sẽ xôm tụ đến mức nào trên chợ mạng? 

Điều đó cho thấy sức thu hút, hấp dẫn của hình thức bán hàng trực tuyến và các sản phẩm đặc sản dù nổi tiếng “hữu xạ tự nhiên hương” cũng khó thể bỏ qua kênh quảng bá bán hàng này.

Theo ông Nguyễn Tường Nam- Giám đốc DNTN Hồng Hương, doanh nghiệp đã chú ý nhiều kênh phân phối đa dạng hơn cho các sản phẩm truyền thống như nước chấm, tương hột. 

Chẳng hạn, trong điều kiện các hàng quán giảm tiêu thụ, doanh nghiệp mở thêm kênh phân phối online. Qua đó, tạo kênh bán hàng chuyên về thương mại điện tử các đặc sản địa phương, tăng cường tương tác với khách hàng hơn.

Vĩnh Long: Cá trà sóc đặc sản nuôi trên sông Cổ Chiên vừa bắt lên đã nhảy tưng tưng trên mạng xã hội - Ảnh 5.

Bánh mứt tết sặc sỡ kèm lời mời gọi hấp dẫn trên chợ online. Chỉ cần click chuột, đặc sản đâu đâu cũng tậu về được.

Tương tác khách hàng cao nên các chợ “online thực phẩm quê”, “online nhà làm” của các shop nghiệp dư cũng góp mặt rôm rả. 

Cô Bùi Thị Thúy (xã Chánh An- huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho hay: “Mấy năm trước, tôi làm mứt chủ yếu để ăn và bán cho người quen. Khoảng 2 năm nay, con tôi đăng quảng cáo trên mạng mứt tết nhà làm, ai ngờ khách Sài Gòn mua quá trời”.

Tận dụng mạng xã hội, anh Út Nhanh- chuyên bán đặc sản An Giang- cũng cảm nhận: “Mọi thứ đều dễ dàng hơn. Từ khi tập tành lên mạng, nhiều người biết sản phẩm của tôi hơn. Khách chỉ cần nhắn tin, inbox là giao dịch đơn hàng thành công, giao đến tận nơi. Nhanh thì trong buổi, chậm thì vài ngày là hàng đến nơi”. 

Chị Nhã Thanh- chuyên bán đặc sản khô Cà Mau- cũng nói nghe rất hay: “Kênh bán hàng online đã trở thành công cụ đắc lực để phát triển thị trường, có thêm khách hàng”.

Mà không chỉ có các sản phẩm thiết yếu, bạn có nghĩ sẽ bán được con cá cả chục ký đi ra tới Hà Nội vẫn còn nhảy đành đạch? Anh Gặp- chủ tài khoản facebook Van Le- mời gọi: “Ship toàn quốc nhe bà con. Xa thì mình đông lạnh. Gần thì mình đập đá hoặc đóng oxy đều được”.

Theo anh Gặp, gia đình đang nuôi bè các loại cá quý hiếm như: cá hô, trà sóc, trắm đen, chạch lấu, tra khủng, cá sát,… và “chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của chúng”.

Nhờ kênh bán hàng online, mà những con cá tươi sống- đặc sản được nuôi trên dòng Cổ Chiên nước ngọt quanh năm ở miền Tây đã đến được bàn ăn của khách hàng phương xa chỉ trong “một chuyến bay”!