Đắk Nông: Đến khổ, Tết nhất đến nơi mà nông dân còn khốn đốn với thứ "giặc" này, bắt không xuể

Thứ bảy, ngày 23/01/2021 13:11 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, chuột xuất hiện rất nhiều và tàn phá cây trồng vụ đông xuân tại đồng ruộng ở các huyện Krông Nô, Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Bà con nông dân đang loay hoay diệt trừ chuột, nhưng chưa có cách nào hiệu quả
Bình luận 0

Theo một số bà con nông dân ở xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), trước khi bắt tay vào sản xuất lúa vụ đông xuân, ai nấy cũng đều thực hiện phát quang bụi rậm, dọn sạch cỏ xung quanh bờ ruộng và trên các tuyến kênh.

Đắk Nông: Đến khổ, Tết nhất đến nơi mà nông dân còn khốn đốn với thứ "giặc" này, bắt không xuể - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Xuyến, ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh, (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) dặm sạ lại ruộng lúa sau khi bị chuột cắn phá

Thế nhưng chuột vẫn xuất hiện ngày một nhiều trên đồng ruộng. Nhiều thửa ruộng vừa gieo sạ sau một đêm nhưng đã bị chuột cắn phá, gây thiệt hại nặng.

Theo kinh nghiệm của bà con, cứ năm nào có lũ thì năm đó đồng ruộng sẽ sạch sâu bọ, chuột và tiếp đó là năm được mùa nhờ phù sa bồi lắng. Thế nhưng, đợt lũ tại xã Buôn Choáh (Krông Nô), xảy ra vào đầu tháng 12/2020, chuột ở các nơi trôi về rất nhiều. Giờ đây, chúng bắt đầu sinh sôi nảy nở và tàn phá mùa màng ở đây.

Dọc theo các tuyến kênh, bờ ruộng có thể thấy chuột chạy đi kiếm ăn giữa ban ngày. Gia đình ông Phạm Văn Thuần, ở thôn Bình Giang, xã Buôn Choáh, vụ đông xuân này xuống giống hơn 3 ha lúa. Từ ngày gieo sạ đến nay được hơn một tuần lễ, nhưng ông thường xuyên phải "đau đầu" tìm cách đối phó với nạn chuột cắn phá.

Ông Thuần cho biết: “Trên cánh đồng chuột quá nhiều, chúng không biết sợ người. Thấy có người ở ruộng này, chúng chạy sang ruộng khác. Từ ngày gieo sạ đến nay, tôi đã tiêu tốn 2 triệu đồng mua thuốc diệt chuột và mua thêm hơn 2 tạ lúa giống để gieo bù vào những nơi bị chuột phá”.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Minh, cũng ở thôn Ninh Giang, vụ này xuống giống gần 2 ha lúa. Theo ông Minh, nhiều năm trở lại đây, chuột có xuất hiện, nhưng chưa năm nào nhiều như vụ đông xuân này. Mọi biện pháp của bà con như đặt bẫy, rải bả, đánh thuốc... chỉ là cách đối phó chứ số lượng chuột vẫn còn rất nhiều.

Đắk Nông: Đến khổ, Tết nhất đến nơi mà nông dân còn khốn đốn với thứ "giặc" này, bắt không xuể - Ảnh 3.

Anh Ngô Văn Trường, ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh, có thể dùng tay bắt được chuột trên đồng ruộng

Do nhiều năm không xảy ra nạn chuột phá trên cánh đồng, nên bà con nông dân không có biện pháp phòng, chống chuột tập trung. Do đó, khi diệt ở ruộng này thì chuột sẽ chạy sang ruộng khác, cánh đồng khác ẩn náu, sinh sôi, nên rất khó kiểm soát.

Bà Nguyễn Thị Xuyến, ở thôn Ninh Giang, cho hay: “Giờ tôi chỉ còn cách gieo sạ dặm lại chỗ bị chuột phá hoại chứ không biết làm thế nào ngăn chặn được chúng”.

Theo bà Minh, một phần của tình trạng chuột xuất hiện nhiều trong vụ đông xuân này là do cánh đồng Buôn Choáh bị khô nước trong khoảng thời gian dài. Do đó, các bờ bao, bờ kênh có nhiều kẽ nứt và chuột kéo về trú ẩn.

Mặt khác, do không đủ nước sản xuất, các hộ tranh thủ bơm nước sông vào ruộng để xuống giống cục bộ. Điều này đã tạo điều kiện cho chuột tập trung tại những chân ruộng không có nước và gây hại cho mùa màng.

Không chỉ ở xã Buôn Choáh, trên các cánh đồng xã Nâm N’đir, Đức Xuyên, Quảng Phú của huyện Krông Nô và nhiều ruộng lúa ở một số xã của huyện Cư Jút, chuột cũng xuất hiện khá nhiều.

Theo cơ quan chức năng, để phòng trừ chuột hiệu quả, trước hết, bà con phải triển khai đồng loạt các biện pháp và phải phòng trừ liên tục, thường xuyên trên cả cánh đồng. Biện pháp này giúp hạn chế sự sinh sản của chuột và giảm số lượng chuột gây hại trong sản xuất suốt mùa vụ, hạn chế tối đa số lượng chuột tồn tại cho vụ sau.

Trong vụ đông xuân, thời điểm tập trung diệt chuột hiệu quả nhất là khâu làm vệ sinh, xử lý đồng ruộng và giai đoạn mạ đẻ nhánh. Về thời vụ, bà con cần tổ chức xuống giống tập trung và thu hoạch đồng loạt để tạo thuận lợi cho việc phòng trừ chuột.

Trong khi lúa đang còn giai đoạn mạ non, bà con cần tiếp tục vệ sinh đồng ruộng nhằm cắt đứt nơi trú ẩn, sinh sống của chuột bằng cách phát quang bụi rậm, không để ruộng hoang, phá ổ chuột tại các bờ ruộng, gò đất…

Bà con cần giữ nước trong ruộng ở mức cao, giai đoạn mạ từ 5 – 7 cm, giai đoạn làm đòng và trổ từ 10 – 15 cm để gom chuột lên chỗ cao, dễ bẫy, bắt. Nông dân có thể dùng bả chuột sinh học như: BCS, BioRat, KillRat… để làm mồi nhử chuột.

Việc sử dụng các loại thuốc có độc tố cao, bà con cần chú ý khi đặt bả xong, mỗi ngày phải đi thu gom bả thừa và xác chuột chôn cất đúng nơi quy định để bảo đảm an toàn cho người và môi trường.



Thành Tâm (Báo Đắk Nông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem