Dân Việt

"Cậu Vàng": Nỗi oan của người làm phim có tâm nhưng chưa đến tầm

Thủy Vũ 24/01/2021 08:50 GMT+7
Có thể hiểu rằng, những tranh cãi không ngớt về "Cậu Vàng" xảy ra là do sự xung đột trong cách nhìn nhận giữa khán giả và người làm phim.

Về phía các nhà làm phim, với tâm niệm muốn có cách kể mới, có sáng tạo so với truyện gốc nên họ dường như chỉ mượn cái tứ của "Lão Hạc" - truyện ngắn với nhân vật chú chó Vàng. Ngoài ra, họ còn mượn bối cảnh xưa cũ để kể một câu chuyện riêng, khác biệt.

img

Bài học "Cậu Vàng": Khi có tâm mà chưa đủ tầm

Phim "Cậu Vàng" được "tiếp thị" từ rất sớm và bài bản, nhất là khâu casting diễn viên chính "Cậu Vàng" khá rầm rộ, thậm chí còn hơn cả diễn viên người. Kết quả là khi công chiếu lại bị khán giả chê bai, thậm chí tẩy chay vì cho rằng: phim quá giả tạo và người làm phim ngây ngô, không có kiến thức về điện ảnh… Vậy có cách nào để bào chữa cho "Cậu Vàng" ngoài một tiếng "thông cảm".

"Cậu Vàng" lấy cảm hứng từ truyện ngắn "Lão Hạc" của cố nhà văn Nam Cao – cây bút tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945 với bối cảnh chính là một làng quê Bắc Bộ cách đây hơn 60 năm. Đối với đại đa số khán giả xem phim "Cậu Vàng" thì tác phẩm Lão Hạc đã in đậm trong tâm trí họ từng câu từng từ. Điều này vô hình chung khiến họ kỳ vọng được nhìn thấy hình ảnh chân thực như trong sách của Lão Hạc, cũng như con chó của Lão Hạc và phong cảnh làng quê Bắc Bộ cách đây hơn nửa thế kỷ trên màn ảnh dù bộ phim có tên là gì đi chăng nữa.

Nhưng "Cậu Vàng" lại bị chê giả về mọi khía cạnh: Phong cảnh giả (đẹp như bưu thiếp), tạo hình nhân vật giả (con chó Vàng quá mập, nhân vật Vợ Ba trang điểm đậm), tình tiết giả (Vợ Ba, đánh ghen, con chó Vàng là người hùng của bộ phim….) dẫn đến sự thất vọng trong cảm xúc của người xem. Tóm lại, "Cậu Vàng" bị đánh giá là dở, giả và người làm phim không có kiến thức về điện ảnh nên đã làm ra một bộ phim tệ hại, "lừa dối người xem".

img

Cũng phải nói thêm rằng, trên thế giới có nhiều bộ phim chỉ lấy bối cảnh, thời điểm lịch sử để kể một câu chuyện riêng như: "Cờ bay phấp phới", "Lời hứa với cha" (Hàn Quốc). Các nhà làm phim Hàn Quốc đã sáng tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, giàu cảm xúc. Những tình tiết trong phim gay cấn kết hợp với thể loại phim tâm lí - hành động – chiến tranh nên các tác phẩm đều trở nên cuốn hút. Nhưng cũng có đạo diễn thậm chí còn dựng giả bối cảnh hoàn toàn để làm phim như đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng.

Cụ thể, vị đạo diễn này đã dựng bối cảnh Việt Nam trên đất Pháp trong bộ phim "Mùi đu đủ xanh". Cùng với bối cảnh các nhân vật có vẻ ngoài và giọng nói không giống Việt Nam mấy khiến nhiều người Việt trong nước không "tiêu hóa" nổi yếu tố Việt cũng như tình yêu cùng sự hoài niệm về quê hương của nhà làm phim xa xứ. Hoặc gần đây nhất, anh lấy bối cảnh lịch sử nước Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 để trưng trổ những khuôn hình "đèm đẹp" và một câu chuyện lòng vòng về "sinh lão bệnh tử" trong "Vĩnh cửu" cũng không khiến người ta lay động.

img

"Cậu Vàng" là phim 100% vốn tư nhân: Được thông cảm hơn là bị "ném đá"?

Tóm lại, để tìm được sự đồng cảm giữa người làm nghệ thuật và người thưởng thức nghệ thuật là một quá trình gian nan. Trở lại với "Cậu Vàng" và nguyên nhân phim bị "ném đá" không thương tiếc thì có thể nói rằng cái tâm của người làm phim là thật. Có điều trình độ làm nghề chưa đạt tới tầm để có thể kết hợp nhuần nhị cái giả và cái thật theo tỷ lệ đúng từ đó cho ra đời một bộ phim tốt hơn.

Chia sẻ suy nghĩ về "Cậu Vàng", nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc cho biết: "Cậu Vàng" là một bộ phim khó làm vì đề tài cũ nhưng các nhà làm phim đã có sự cố gắng đáng ghi nhận. Không ít người nhận định, cái kết "Cậu Vàng" để lại nhiều ấn tượng cho khán giả khi thằng Cò bế con Vàng chạy giữa cánh đồng hoa cải làm cho câu chuyện bừng sáng lên. Đó là dụng ý tốt của các nhà làm phim. Ngoài ra, họ còn có một số sáng tạo khác như: cho con Vàng trả thù những kẻ đào trộm mộ, biến chú chó thành người hùng....

Kịch bản có nhiều khác biệt, có sáng tạo và các nhà làm phim chọn cách này hơn là trung thành với nguyên tác. Đây chỉ là một phim lấy cảm hứng từ truyện gốc nên người làm phim có quyền phóng tác, sáng tạo để đem đến sự mới mẻ cho người xem."

img

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc.

Cũng theo nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: "Trong hoàn cảnh làm phim ở Việt Nam hiện nay, việc tái hiện một bộ phim trong bối cảnh xảy ra cách đây 60 năm y như thật là điều vô cùng khó khăn. Các nhà làm phim gần như không thể nên công bằng nhìn nhận sự cố gắng hết sức của người làm phim "Cậu Vàng". Rõ ràng, họ đã làm mọi việc để tái hiện sự chân thực của bối cảnh lịch sử ở mức cao nhất.

Bên cạnh đó, cần hiểu đây không phải là phim của Nhà nước mà là phim 100% vốn tư nhân nên họ phải tìm cách thu vốn về bằng cách cài cắm các yếu tố thị trường như: nhấn mạnh chuyện Vợ Ba này nọ, rồi cảnh đánh nhau võ vẽ cho sôi động…

Cuối cùng, "Cậu Vàng" nên được cảm thông hơn là tiếp tục bị "ném đá" bởi theo ý kiến của nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: "Nói gì thì nói, tôi thấy đây là cuộc chơi dũng cảm bởi ngay dòng phim đặc sệt thị trường hiện nay 10 phim ra rạp thì có tới 8 phim chết mà cũng chỉ loanh quanh tình - tiền - tù tội...

Riêng "Cậu Vàng" là một phim xa lắc xa lơ, các nhân vật ăn mặc cổ lỗ lại nói giọng Bắc nên phim rất khó có khả năng ăn khách. Nhưng những người làm phim đã cố gắng thể hiện một câu chuyện cũ dưới góc nhìn mới. Họ cũng cố gắng để phần hình ảnh và âm thanh tiệm cận với thời đại. Với tất cả những yếu tố này, tôi thấy phim này rất đáng khích lệ hơn là chúng ta soi ra những chi tiết nhỏ nhặt để không chào đón bộ phim."