Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Nếu không vì tâm huyết không ai làm "Cậu Vàng", "Kiều"...

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 21/01/2021 15:35 PM (GMT+7)
Điện ảnh Việt đang chuyển hướng tập trung khá nhiều vào dòng phim lấy cảm hứng từ văn học, lịch sử nước nhà như "Cậu Vàng", "Kiều", "Trưng Vương".
Bình luận 0

Những bộ phim này đã gây ra những làn sóng tranh cãi về cách làm phim "lấy cảm hứng". Đạo diễn Phi Tiến Sơn, đạo diễn hình ảnh và tác giả kịch bản phim "Kiều" đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt về chủ đề này.

img

Phim "Cậu Vàng" gây tranh cãi với việc lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà văn Nam Cao.

Quan niệm làm phim giống hệt tác phẩm gốc là quan niệm rất xưa cũ

Gần đây có một số phim Việt Nam làm theo phương thức "lấy cảm hứng", đạo diễn Phi Tiến Sơn có thể cho biết, khái niệm này trong việc làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học?

- Trong chuyển thể có rất nhiều khái niệm: chuyển thể, dựa theo, phóng tác, lấy cảm hứng, phóng tác… tùy mức độ trung thành với tác phẩm gốc. Trong điện ảnh, riêng từ “lấy cảm hứng” đã nói lên yếu tố chủ quan, yếu tố cảm thụ của người làm phim, khác với phương thức “dựa theo”, “chuyển thể” bám sát tác phẩm văn học hơn. Bám sát không có nghĩa là bê nguyên xi câu chuyện, tình tiết, câu thoại... lên phim.

Từ nhiều năm trước một nhà làm phim nổi tiếng đã nói: “Đạo diễn có thể thoải mái sáng tạo tác phẩm cải biên của mình, có thể thay đổi cốt truyện, miễn sao làm rõ được ý nghĩa, hồn cốt của tác phẩm mà nó dựa vào”. Quan niệm làm phim giống hệt tác phẩm gốc là quan niệm rất xưa cũ. Nếu các bạn trẻ có suy nghĩ làm phim “lấy cảm hứng” là phải giống nguyên tác thì tôi cũng thấy hơi lạ, tôi cho là các bạn không hiểu rõ về khái niệm này.

Vậy cụ thể khái niệm "lấy cảm hứng" được hiểu đúng như thế nào, thưa đạo diễn Phi Tiến Sơn?

- Mỗi loại hình nghệ thuật có đặc thù khác nhau. Điện ảnh khác văn thơ, trước hết là ngôn ngữ thể hiện, sau là trên bình diện cảm thụ thưởng thức của khán giả/ độc giả. Còn nếu phim minh họa giống hệt truyện thì tôi nghĩ không nên xem phim nữa. Vì mỗi thể loại có ngôn ngữ riêng. Mỗi nghệ sĩ có cá tính sáng tác riêng. Nếu mất cái riêng thì còn gì là hay là sáng tạo nữa. Con người văn minh là người chấp nhận sự khác biệt. Chính sự khác biệt tạo nên thi vị cho cuộc sống.

Đạo diễn có thể cho biết thể loại phim "lấy cảm hứng" có thể được làm như thế nào?

- Tôi không trả lời được câu hỏi này. Chỉ biết rằng hình thức “lấy cảm hứng” đem tới không gian sáng tạo phóng khoáng hơn người làm phim. Nhưng dù có sáng tạo đến đâu, cũng không được phép làm hỏng “hồn cốt” tác phẩm.

Như vậy là cũng khó có thể có một nguyên tắc cụ thể nào cho việc làm phim theo cách "lấy cảm hứng" mà đó hoàn toàn là sự sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ?

- Mỗi người sẽ có một cảm hứng khác nhau, điều quan trọng là mang lại cảm nhận gì mới mẻ cho khán giả ngày hôm nay. Tác phẩm văn học gốc thường được viết từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trước. Có thể trong hoàn cảnh xã hội thời đó, do những hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà tác giả chưa viết ra được những điều mình nghĩ, mình muốn chuyển tải, do e ngại đụng chạm (phạm húy chẳng hạn) hay do kiểm duyệt.

Nếu hôm nay ta đón bắt được thông điệp ẩn kín đó mà nói lên đươc thì càng tốt. Lấy ví dụ ngày hôm nay chúng ta viết chuyện liên quan đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nhưng vì đây là vấn đề nhạy cảm nên chỉ viết vừa phải không thể đẩy tới được. Nhưng 20 năm nữa cuộc sống thay đổi, quan hệ quốc tế thay đổi, những vấn đề không còn là tế nhị và nhạy cảm nữa thì lúc đó cách nhìn sẽ khác đi, không bị rào cản. Chính vì thế những người lấy cảm hứng, làm cái điều của ngày hôm nay trong 20 năm nữa, người ta sẽ làm được những điều mà người ngày hôm nay chưa làm được.

img

Đạo diễn Phi Tiến Sơn nổi tiếng với các phim điện ảnh như: "Lạc giới", "Vào nam ra bắc", "Lưới trời"...

Việc kết hợp nhiều tác phẩm văn học vào thành một bộ phim theo anh có hợp lý không ?

- Lấy nhiều tác phẩm, ghép thành một phim người ta đã làm từ lâu rồi. Có thể một truyện ngắn không đủ tầm để nói lên không khí thời cuộc, tư tưởng của tác giả. Truyện ngắn “Lão Hạc” khoảng 4 trang giấy và ta đọc trong khoảng độ 10 phút là xong. Nếu làm đúng như thế ta ra được một phim ngắn thôi, dung lượng không đủ.

Khán giả Việt đang có tâm lý kỳ thị

Có phải phim "Kiều" do anh là tác giả kịch bản và đạo diễn hình ảnh cùng đạo diễn Mai Thu Huyền cũng đang gặp những vấn đề với việc tiếp cận với khán giả với hình thức làm phim "lấy cảm hứng"?

- “Kiều” lại là một dòng còn khác nữa, từ thơ sang phim còn xa hơn từ truyện sang phim nhiều. Khi anh đọc thơ anh cảm nhận thơ khác, trước hết đó là vấn đề thể loại, vấn đề thứ hai là vấn đề những yếu tố rào cản về lịch sử, xã hội, con người của những giai đoạn khác nhau thì khác nhau.

Chúng ta biết khi Nguyễn Du viết “Kiều” là cụ đang ở trong hoàn cảnh lịch sử phức tạp, gia thế liên quan đến nhiều triều đại. Không phải đơn giản mà thi hào kết kiệt tác của mình bằng câu thơ “lãng xẹt”: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Ngày nay nếu có thể, với các hình thức nghệ thuật phái sinh, sao chúng ta không thử nói tiếp những điều cụ còn e ngại? Sao ta không cố cảm nhận thấy “nỗi niềm” của cụ, như là anh Bùi Cường cảm nhận được cụ Nam Cao.

img

Phim "Kiều" lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.

Vậy khán giả nên có cách nhìn nhận như thế nào khi tiếp cận một tác phẩm điện ảnh "lấy cảm hứng"?

- Những người làm phim khi tái tạo, dựa theo hay là phóng tác theo một tác phẩm văn học chuyển thành tác phẩm điện ảnh (lịch sử, cổ trang) là cả một tâm huyết lớn. Vì nếu không tâm huyết thì không ai làm công việc khó khăn, tốn công tốn sức tốn tiền này cả. Tôi nghĩ khán giả nên tôn trọng cái tâm huyết đó.

Thứ hai là hãy đi xem để hiểu, chứ chỉ với những “sơ suất” ban đầu thôi là đã nhận xét võ đoán, sẽ hại cho tác phẩm đó. Chỉ cần nghe cậu Vàng là con chó Nhật đóng là đã phản ứng là phản động, là cổ xúy phát xít Nhật.

Thực ra có một số khán giả Việt Nam khá kì thị những chuyện như thế này. Ngày xưa Elizabeth Taylor – diễn viên người Mỹ đóng Cleopatra, mà người Ai Cập chả thắc mắc gì. Rồi ngay cả Trung Quốc là đất nước “dân tộc tính” ghê gớm như thế mà chọn diễn viên gốc Nhật Bản là Kim Thành Vũ để đóng Khổng Minh Gia Cát Lượng trong phim “Đại chiến Xích Bích”, cũng chả ai thắc mắc. Còn chúng ta đã suy ra con chó ấy liên quan đến nạn đói năm 45, thì có lẽ là sau này ta chả làm được gì với những thứ liên quan đến Nhật nữa. Nếu thế thì tại sao không nghĩ là ta làm phim ca ngợi đất nước, ca ngợi chế độ mà sử dụng máy quay do hậu duệ phát xít Nhật sản xuất. Nếu cứ suy ra như thế thì không làm được gì cả.

img

Hậu trường phim "Kiều".

Hiện tại, anh lo lắng gì cho phim "Kiều" sẽ ra bắt vào tháng 3 tới?

- Tôi lo cho làm sao để làm “Kiều” cho hay, tìm được chỗ đứng trong trái tim người xem, để khán giả không chỉ “thương” mà còn “yêu” nàng Kiều nữa. Cái đó là quan trọng nhất, còn những thứ ngoài lề thì không nên lo lắng quá!.

Xin cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn Phi Tiến Sơn!


Đạo diễn Phi Tiến Sơn tốt nghiệp quay phim tại Đức và là đạo diễn của các bộ phim điện ảnh, truyền hình nổi tiếng như: "Nghề báo", "Lưới trời", "Người vác tù và hàng tổng", "Vào Nam ra Bắc", "Lạc giới"...

Bên cạnh đó, đạo diễn Tiến Sơn còn là cố vấn nghệ thuật cho nhiều bộ phim gây tiếng vang và đạt doanh thu cao gần đây như: "Siêu sao siêu ngố", "Trạng Quỳnh"...

Hiện tại, đạo diễn Phi Tiến Sơn là tác giả kịch bản và đạo diễn hình ảnh của phim "Kiều" do Mai Thu Huyền đạo diễn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem