Về chủng virus SAR-CoV-2 mới từ Anh, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, chủng virus này lây lan rất nhanh, trong một thời gian ngắn các bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng, nhiều ca mắc. Khi lây lan nhanh thì chúng ta sẽ khó khống chế hơn, nếu số ca mắc nhiều thì số ca tử vong sẽ cao.
"Nhất là khi virus này lây lan vào bệnh viện, tấn công vào các khoa có nhiều bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nền như thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu... thì nguy cơ các bệnh nhân này bị tử vong rất cao. Tương tự như ổ dịch Covid-19 tại các bệnh viện ở Đà Nẵng hồi tháng 7.
Đặc biệt như ở Anh, Mỹ vừa qua, khi quá nhiều bệnh nhân nhập viện thì gây ra một nguy cơ "vỡ trận", "đánh sập" hệ thống y tế. Khi đó bệnh nhân nặng không có điều kiện được cứu chữa, tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao", PGS Phu nhận định.
Trước đó, ngày 28/1, ca bệnh 1552 (nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, công nhân công ty TNHH POYUN, có địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã được khẳng định mắc Covid-19. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với chị họ, là bệnh nhân Covid-19 được phát hiện khi xuống sân bay Nhật Bản ngày 17/1. Người chị họ này được xác nhận là mắc biến chủng virus SARS-CoV-2 mới từ Anh.
Bệnh nhân 1552 đã được xét nghiệm giải trình tự gen, tương tự xét nghiệm phía Nhật Bản đã làm, để xác định xem cô có nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng mới từ Anh hay không.
Biến chủng virus này đã lây lan sang hơn 70 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nhà chuyên môn đánh giá, chủng virus này có tốc độ lây lan nhanh hơn các chủng virus trước.
Sau khi xác định ca bệnh 1552, ngành y tế đã xét nghiệm hơn 5000 mẫu, truy vết ca bệnh 1552, từ đó đã xác nhận thêm 72 ca Covid-19 mới tại Hải Dương. Còn tại Quảng Ninh cũng phát hiện thêm 10 người mắc từ F1, tiếp xúc với ca bệnh 1553 (cũng được công bố ngày 28/1)..
Đối với ổ dịch Covid-19 ở Hải Dương, Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu truy vết khẩn cấp, thần tốc. "Việc này cần phải làm ngay, làm sớm vì khả năng lây lan từ hai ổ dịch này rất cao do chủng SARS-CoV-2 mới lây lan rất nhanh, có thể cao hơn con số 70% như tính toán của thế giới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Được biết, ngoài biến chủng virus mới tại Anh, ở Nam Phi, Braxin cũng đã phát hiện ra nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, xuất hiện nhiều biến chủng mới khiến nhiều người lo ngại, vắc xin chưa thử nghiệm xong đã bị "lạc hậu", "vô hiệu hóa. Về điều này, GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy, biến chủng mới làm ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc xin ngừa Covid-19.
GS Đức Anh lý giải thêm: "Bản chất của virus là thường xuyên xảy ra đột biến. Đơn cử virus cúm hàng năm đều có sự đột biến, thay đổi. Các nhà sản xuất vắc xin sẽ dựa trên sự thay đổi đó để điều chỉnh"- ông nói.
Tuy nhiên đến nay, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 chỉ đột biến trên một số điểm nên không ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc xin Covid-19.
Trong khi đó, vắc xin ngừa Covid-19 Covivac (do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế IVAC sản xuất) đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm trên người, được sản xuất bằng công nghệ vắc xin vector Newcastle, gắn gene biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Các nhà khoa học sử dụng protein S của virus này làm kháng nguyên. Hiện thế giới ghi nhận đột biến trên một số chủng ở Anh, Nam Phi, trong đó, ghi nhận một số điểm trên gene mã hóa S.
"Tuy nhiên, đoạn protein S khá dài trong khi đột biến chỉ trên một số điểm, không phải toàn bộ nên nhìn chung biến chủng của SARS-CoV-2 sẽ không ảnh hưởng.
Trên thế giới, các loại vắc xin Covid-19 đang nghiên cứu cũng không bị ảnh hưởng tới kháng nguyên và tính sinh miễn dịch. Đó chính là lý do các nhà sản xuất trên thế giới vẫn dùng chủng này để sản xuất vắc xin, cho thấy đáp ứng miễn dịch rất tốt" – GS Đức Anh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu chỉ ra biến chủng virus lây nhanh hơn chủng cũ nhưng về lâm sàng, chưa ghi nhận tình trạng bệnh nặng hơn. Tỉ lệ tử vong cũng không có sự khác biệt.