Dân Việt

Giá lợn hơi giảm, doanh nghiệp sẵn sàng tăng công suất giết mổ

Nguyên Vỹ 02/02/2021 05:42 GMT+7
Nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết Nguyên đán năm nay phải giải thêm “bài toán Covid-19” vì một lượng cư dân chưa biết sẽ ở lại thành phố hay tiếp tục về quê ăn tết. Tại TP.HCM - thị trường trọng điểm ở phía Nam, thịt lợn nóng, thịt nguội, kể cả thịt lợn đông lạnh đều đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Giữa tháng 1/2021, giá lợn hơi tăng cao khắp cả nước. Tại Đồng Nai, TP.HCM, giá lợn hơi có thời điểm lên mức 82.000 - 85.000 đồng/kg. Chỉ khoảng 1 tuần nay, tác động từ đợt dịch Covid-19 mới bùng phát cùng nỗ thực hiện chương trình bình ổn giá ở các địa phương đã phần nào kéo giảm giá lợn xuống.

Đủ nguồn cung

Chị Trương Thị Mỹ - tiểu thương ở chợ Bà Chiểu (TP.HCM) cho biết, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân tăng cao là hiển nhiên. Trong đó nhu cầu chủ yếu là các mặt hàng phục vụ làm giò chả, bánh chưng như tai lợn, thịt nạc, thịt ba rọi. "Nhưng dịch Covid - 19 quay trở lại sẽ làm thị trường thêm khó xử" - chị Mỹ nói.

Thịt nóng, thịt nguội “giải toán Covid” - Ảnh 1.

Dây chuyền giết mổ lợn tại Công ty Vissan. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Mỹ giải thích, một lượng rất đông người dân ở TP.HCM là từ các tỉnh thành khác đến làm việc, sinh sống. Dịch bệnh đang diễn biến khó lường, lượng cư dân này sẽ ở lại để né dịch hay tiếp tục về quê thì chưa rõ. "Nếu họ ở lại, nguồn cung thịt lợn phải bổ sung thêm thì mới cung cấp đủ, tránh trường hợp khan hàng lại gây sốt giá" - chị lý giải.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, những lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, các sở ngành liên quan đã dự trù và chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường tết ngay từ trong năm 2020. 

Nguồn hàng này đến từ 3 nguồn chính là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, chiếm 30-40% thị phần, các chợ đầu mối chiếm 60-70%, các doanh nghiệp khác 9-10%.

Thịt nóng, thịt nguội “giải toán Covid” - Ảnh 2.

Buôn bán heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM).

"Khảo sát ở một số hộ nuôi và trang trại, giá bán lợn hơi dự kiến sẽ tăng từ 87.000-90.000 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 5-10% so cùng kỳ. Nguồn thịt lợn tăng nên nhu cầu thịt gia cầm sẽ giảm, kéo giá giảm theo, chỉ ở mức 30.000-31.000 đồng/kg".

Ông Đinh Minh Hiệp -

Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM

Đến nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết Nguyên đán (trước và sau tết) với lượng hàng trị giá gần 16.680 tỷ đồng, tăng hơn 652 tỷ đồng so với Tết Canh Tý 2020. 

Ông Tú cho biết, trong trường hợp dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp thì lượng hàng hóa tham gia bình ổn sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35-50% nhu cầu thị trường.

Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) là một trong những đơn vị tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM nhiều năm nay. 

Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Vissan cho biết, từ tháng 6/2020, công ty đã lập kế hoạch sản xuất kinh doanh tăng trưởng 5-10% cho đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong đó, nguồn thực phẩm tươi sống là 2.290 tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm 2020; thực phẩm chế biến 5.183 tấn, tăng 10%. Tổng giá trị hàng hóa của Vissan dự trữ cho đợt tết là trên 900 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cam kết thực hiện bình ổn giá

Vissan hiện đóng góp khoảng 10% nguồn thịt lợn tươi sống cho thị trường TP.HCM và 40-70% nguồn thực phẩm chế biến cho cả nước. Dây chuyền giết mổ của Vissan đạt 1.000-1.200 con/ngày. Do có thêm nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu, đến nay dây chuyển chỉ giết mổ 600-700 con/ngày.

Ông An cho biết, công ty sẵn sàng tăng công suất và tập trung giết mổ phục vụ đợt Tết Nguyên đán, đặc biệt trong 5 ngày cao điểm từ đêm 25 đến rạng sáng ngày 30 tháng 12 âm lịch.

Vissan cam kết thực hiện chương trình bình ổn giá của TP.HCM với giá bán lợn hơi cố định 80.000 đồng/kg trước và sau tết. Dịch Covid - 19 diễn biến khó lường có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng cũng đã được công ty lường trước. 

"Vissan đảm bảo hệ số tồn kho đủ cung ứng đủ từ 2-6 tháng cho từng loại nguyên liệu" - ông An khẳng định.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, tổng đàn lợn của thành phố khoảng 55.100 con, giảm gần 21% so với cùng kỳ tết năm ngoái. Thành phố có 13 cơ sở giết mổ tập trung với công suất bình quân hàng đêm gần 6.000 con lợn. 

Từ ngày 26 - 29 Tết, dự kiến công suất giết mổ sẽ tăng từ 30-80%, tương đương 8.500 - 11.000 con lợn/ngày, TP.HCM hoàn toàn đáp ứng được. 

"Chưa tính nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu, công suất giết mổ cùng nguồn cung thịt ở các địa phương đưa về sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng, kể cả 30% lượng cư dân tiếp tục chọn ở lại TP.HCM ăn tết để né dịch Covid -19 " - ông Hiệp nói.

Đồng Nai là địa phương đóng góp nguồn cung thịt lợn lớn cho thị trường TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Trong đó, Công ty CP chăn nuôi C.P góp gần 45% sản lượng lợn hơi.

Ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cho biết, CP đồng tình hỗ trợ thị trường trong nước thông qua việc duy trì giá bán bình ổn. Lúc cao điểm, giá lợn hơi của CP có khi lên đến 82.500 đồng/kg. "Hưởng ứng đề nghị của Bộ NNPTNT, đến ngày 1/2, công ty hạ giá bán lợn hơi xuống còn 80.500 đồng/kg" - ông Huy nói.

Ông Huy dự kiến, nhu cầu thị trường tết sẽ tăng khoảng 20%, tương đương tổng số 24.000 con/ngày. Rút ngắn thời gian chăn nuôi cũng là một biện pháp nữa mà CP sẽ hỗ trợ tăng nguồn cung cho thị trường. Bình thường, lợn của CP xuất chuồng từ 100-110kg, nay có thể cho xuất chuồng sớm hơn, chỉ còn 85-90kg/con.