Dân Việt

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng: Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh

Tại diễn đàn Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Thào Xuân Sùng đã trình bày bài tham luận với nội dung "Hội Nông dân Việt Nam với công cuộc xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, bền vững". Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt xin được đăng tải toàn văn bài tham luận này.
Đồng chí Thào Xuân Sùng: Hướng đến phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh - Ảnh 1.

Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, đúng như nhận định của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Đại hội,

Nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò là người "sáng tạo ra lịch sử" của quần chúng và thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng về thế giới quan và nhân sinh quan, đưa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên đỉnh cao mới với tư tưởng "công nông là người chủ cách mệnh" và "công nông là gốc cách mệnh" trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà "Hội nông là một cái nền cách mạng của dân ta" dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người thành lập. 

Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ vai trò to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử ở chỗ nông dân không chỉ là lớp người bị áp bức bóc lột vô cùng cực khổ dưới chế độ thực dân phong kiến và sôi sục liên tục đấu tranh để được giải phóng, cũng không chỉ là lực lượng to lớn mà giai cấp công nhân cần phải liên minh mới có thể giành được thắng lợi mà giai cấp nông dân còn là gốc, là chủ, làm chủ và là đội quân chủ lực của cách mạng từ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta xác định rõ trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là "Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới". 

Hôm nay, tại diễn đàn Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, chúng tôi xin trình bày một số ý kiến về vấn đề này với nội dung "Hội Nông dân Việt Nam với công cuộc xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, bền vững".

Đồng chí Thào Xuân Sùng: Hướng đến phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh - Ảnh 2.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. (Ảnh: P.V)

1. Hội Nông dân đã thực sự đóng vai trò trung tâm và nòng cốt trong vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về xây dựng nông thôn mới.

1.1. Các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung phát động sâu rộng phong trào nông dân tích cực thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, làm cho toàn thể hội viên và đồng bào nông dân cả nước hiểu rõ mục đích của chương trình là vì cuộc sống văn minh, hiện đại, bền vững của mỗi người dân ở nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ và người nông dân mới giàu lòng yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm, trọng nghĩa tình, tự tin, tự trọng, tự chủ, tự lực, tự cường, giàu có cả vật chất lẫn tinh thần, đủ bản lĩnh và năng lực làm chủ nông thôn mới xã hội chủ nghĩa để phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

1.2. Các cấp Hội Nông dân đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể trong xây dựng và góp ý phản biện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát" và "đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân".

Chính vì vậy, đông đảo đồng bào nông dân ta hài lòng và tích cực tham gia hiến kế, hiến công, hiến đất xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về xã, thôn, bản nông thôn mới.

1.3. Việc tham gia xây dựng các thiết chế văn hoá và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực về điện đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch với 63% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam và hình thành một tầng lớp những người nông dân mới với hơn 3,5 triệu hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

1.4. Các cấp Hội Nông dân đã chủ động, tích cực làm tốt vai trò trung tâm và nòng cốt trong thực hiện mối quan hệ liên kết giữa Nhà nông, Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Nhà ngân hàng, Nhà khoa học, Nhà phân phối để tổ chức có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề, nâng cao trình độ mọi mặt của hội viên, nông dân về sản xuất nông, lâm, thủy sản với hình thức tổ chức mới là xây dựng các Chi Hội nông dân nghề nghiệp và Tổ Hội nông dân nghề nghiệp theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. 

Thông qua sinh hoạt của 2.101 Chi Hội nông dân nghề nghiệp và 24.600 Tổ Hội nông dân nghề nghiệp với hơn 400.000 hội viên theo nguyên tắc 05 tự (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và 05 cùng (cùng ngành nghề, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi), năng lực tổ chức liên kết và hiệu quả sản xuất, kinh doanh có ưu thế vượt trội đã và đang là mô hình thu hút, tập hợp nông dân hấp dẫn hiện nay.

1.5. Trong xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc, văn hóa dân tộc, các cấp Hội Nông dân đã tăng cường làm tốt công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội và đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, góp phần làm thay đổi tư duy của hàng triệu hộ nông dân từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, từ kinh tế hộ cá thể sang chủ động hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị; từ sản xuất theo kinh nghiệm sử dụng công cụ thô sơ là phổ biến sang ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng.

Những nhân tố này đã đưa đến thắng lợi to lớn của phong trào nông dân thi đua sản xuất và kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững theo mong muốn của Bác Hồ là "Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu, Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước".

1.6. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta về "tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân" và "cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân", Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chủ trì tổ chức "Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân" từ năm 2018 định kỳ mỗi năm một lần. 

Tại diễn đàn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp lắng nghe những ý kiến kiến nghị của đồng bào nông dân, giải đáp, giải quyết một cách chân thành, trách nhiệm, được đồng bào nông dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, ra sức thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội nông thôn đã khẳng định rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 5,9%/năm và thu nhập bình quân đầu người cả nước ước đạt 2750 USD/người/năm.

Với những thành tựu đó, tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoan 2010-2020, ngày 18-19/10/2020, Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất. 

Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, đồng thời với phát huy những thành tựu quan trọng đạt được và những kinh nghiệm thành công trong 10 năm qua, sẽ phải nỗ lực vượt qua thách thức và khai thác có hiệu quả cơ hội phát triển trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030

Có như vậy, chúng ta mới thực hiện thắng lợi tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về "phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại" tại Đại hội VII của Hội Nông dân Việt Nam".

Đồng chí Thào Xuân Sùng: Hướng đến phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

2. Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò trung tâm và nòng cốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, bền vững.

2.1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục tăng cường nghiên cứu sâu sắc, thấm nhuần những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta về nông dân, giai cấp nông dân  nhằm không ngừng đổi mới công tác vận động, tuyên truyền, xây dựng người cán bộ Hội biết giữ vững vai trò trung tâm và nòng cốt trong giai cấp nông dân, sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp luận và kỹ năng thuyết phục nông dân, hiểu nông dân và nông nghiệp đi đôi với xây dựng người nông dân mới giàu có về cả vật chất và tinh thần, có kỷ luật lao động và có ý thức hợp tác.

2.2. Tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong Hội Nông dân và Hội Nông dân luôn luôn trong sạch, vững mạnh mà trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam với người đứng đầu thực sự tiên phong và tự thân nâng cao trí tuệ, tâm đức, trách nhiệm để khắc phục có hiệu quả những nhược điểm, hạn chế, yếu kém của Chi hội, Tổ hội Nông dân truyền thống.

Những điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực thực hiện các mối quan hệ liên kết, hợp tác mà người nông dân mới vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản vì mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, xanh, sạch, an toàn, bền vững.

2.3. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng lớn về tự nhiên và dân số của nước ta, phát huy lợi thế đang hội nhập theo 14 hiệp định thương mại tự do FTA, đặc biệt hiệp định CPTPP và hiệp định EVFTA, được mở rộng thị trường, thay đổi công nghệ, thay đổi cách quản trị trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại mà Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò trung tâm và nòng cốt.

2.4. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội Nông dân sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cấp chính quyền để xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng về phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ngoài ra, Hội cũng sẽ yêu cầu các nhà hoạch định chính sách và quản lý phải chuyển dần từ vai trò "giúp nông dân" sang vai trò là đối tác thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ chính sách và tài chính, kiến thức kinh doanh và tham gia thị trường để vừa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vừa tạo ra sự chuyển đổi lớn mang tính cách mạng sâu sắc từ tích tụ ruộng đất đến đầu tư khoa học công nghệ.

Nhờ vậy, nông dân được đào tạo nghề, được giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh nông nghiệp tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực và mở rộng các ngành nghề phi nông nghiệp để "ly nông không ly hương" vì mục tiêu xây dựng "xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc" như Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã đề ra.

2.5. Nông dân, nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là ngành nông nghiệp không chỉ là ngành sản xuất vật chất mà là ngành kinh doanh nông nghiệp – ngành kinh tế tri thức nông nghiệp và nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất nông nghiệp.

Hội Nông dân Việt Nam và hội viên, nông dân sẽ phải thoát ra khỏi tư duy trong địa giới hành chính xã, huyện, tỉnh để cùng Chính phủ và các cấp chính quyền xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia và đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp với vai trò "bà đỡ" của doanh nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao và cơ chế, chính sách tương thích nhằm kiến tạo và phát triển một thế hệ nông dân trí thức hay công nhân nông nghiệp tự tin, tự giác, tự trọng, tự cường, tự cứu mình hơn là sự trông chờ vào các cuộc giải cứu nông sản.

2.6. Tiếp tục xây dựng, vun đắp lòng yêu nước nông nàn, truyền thống đoàn kết thống nhất, ý thức làm chủ, hợp tác, giúp đỡ nhau, nêu cao trách nhiệm công dân, trọng nghĩa tình, tương thân nhân ái, mình vì mọi người, mọi người vì mình, tôn sư trọng đạo, kính già yêu trẻ, cầu thị học tập văn hóa, kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng để xây dựng chủ nhân của xã hội nông thôn mới có nhân cách, lối sống tốt đẹp hướng tới chân – thiện – mỹ, hình thành đông đảo những nhà khoa học tài đức của nhà nông và những nhà nông vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà kinh doanh nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam.

 Kính thưa toàn thể Đại hội

Với niềm tự hào về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước ta hôm nay trong thực hiện ham muốn tột bậc của Bác Hồ muôn vàn kính yêu "là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", chúng tôi xin trân trọng phát biểu những suy nghĩ nung nấu trên đây. 

Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam và Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng ta nhất định sẽ lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ và sự nghiệp vĩ đại dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!